Nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ: Khó khăn vượt xa dự tính

Nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ: Khó khăn vượt xa dự tính

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 4, 24/03/2021 15:54

Thủ tướng Chính phủ sử dụng câu tục ngữ “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” để nhìn lại 5 năm nhiệm kỳ của Chính phủ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

“Con tàu” Việt Nam vượt khó

Nhắc đến đại dịch Covid-19 ngay đầu bài phát biểu báo cáo trước Quốc hội về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 sáng 24/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch ập đến từ đầu năm 2020 đã tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đó là một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất mà Chính phủ Việt Nam phải đối phó trong nhiệm kỳ vừa qua, bên cạnh những khó khăn do cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước, cạnh tranh thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế…

Ở trong nước, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 nhận định, thiên tai, nhân tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại rất nặng nề, nhất là sự cố ô nhiễm môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016, dịch tả lợn châu Phi năm 2019, hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ lịch sử ở miền Trung;… đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh đình trệ; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập; hoạt động văn hóa, xã hội và đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặc dù vậy, kế thừa thành tựu 35 năm đổi mới, Thủ tướng khẳng định, thế và lực của đất nước ta ngày càng lớn mạnh. Từ quyết định của Đổi mới năm 1986 đến sự nỗ lực bền bỉ không ngừng nghỉ của những thập niên sau đó đã đưa nước ta thoát nghèo; từ kém phát triển, trở thành nước đang phát triển và hiện nay Việt Nam có tên trong Nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

“Những quyết sách của chúng ta hôm nay sẽ nối tiếp tạo nền tảng để tiến lên thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào giữa thế kỷ 21”, Thủ tướng nói.

Vận dụng câu tục ngữ quen thuộc “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, người đứng đầu Chính phủ cho hay, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và tình hình thực tiễn, với phương châm “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn và trung hạn, vừa tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, chúng ta đã "chống dịch như chống giặc", quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": Vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đồng thời khẳng định: Thành công trong phòng chống đại dịch Covid-19 thời gian qua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là yếu tố có ý nghĩa quyết định, tạo môi trường thuận lợi cho ổn định và phát triển đất nước; đồng thời cũng là minh chứng cho sự nỗ lực vượt khó, tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự phấn khởi trong toàn xã hội và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”.

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, người đứng đầu Chính phủ nói thêm: “Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ”.

Một số thành tựu nổi bật

Tại phiên khai mạc kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ qua, trên một số lĩnh vực.

Theo đó, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã thực hiện các đột phá chiến lược là ưu tiên cao trong chỉ đạo điều hành, trong đó đột phá quan trọng, mở đường là đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Điểm mới trong triển khai xây dựng, hoàn thiện pháp luật phải quy định ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện gắn với tổ chức thi hành hiệu quả. Ngoài thảo luận tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã có thêm 7 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật.

Chất lượng văn bản hướng dẫn được nâng lên; đến nay chỉ còn 12 văn bản nợ đọng, thấp nhất trong nhiều nhiệm kỳ.

Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để rà soát chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội.

Sự kiện - Nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ: Khó khăn vượt xa dự tính

Quốc hội XIV họp phiên khai mạc kỳ họp 11 sáng 24/3.

Đột phá thứ hai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là tấn công vào “điểm nghẽn” kéo dài, Chính phủ luôn nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, với đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo.

Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2020 xếp thứ 42/131). Chỉ số phát triển con người (HDI) có sự tăng tiến mạnh mẽ (về giáo dục, y tế,…)

Đột phá thứ ba là đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Nhiều công trình hạ tầng đã và đang triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước như cao tốc Bắc – Nam; các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, sân bay Long Thành, Nội Bài, Tân Sơn Nhất…

Chính phủ cũng kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành.

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD.

Mặt khác, nhờ siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN mà cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn, chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước với kỳ hạn dài hơn và chi phí thấp hơn. Đồng thời, thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân.

“Có thể tự tin cho rằng, nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch Covid-19… Mới đây, ngày 18/3/2021, tổ chức Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức “tích cực”, cho thấy nền tảng vĩ mô của Việt Nam là khá chắc chắn và tiếp tục được cải thiện ngay cả trong dịch Covid-19”, Thủ tướng cho hay.

Nhìn ra bên ngoài, trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là do dịch Covid-19, chúng ta đã vừa phát triển thị trường 100 triệu dân vừa thúc đẩy xuất khẩu thông qua các FTA thế hệ mới để đa dạng hóa, không để quá phụ thuộc vào một thị trường. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, từ 328 tỷ USD năm 2015 lên 517 tỷ USD năm 2019 và đạt 545 tỷ USD năm 2020 với 5 năm liên tục có thặng dư thương mại ngày càng tăng.

Kết quả, GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 của ta đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011 - 2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua chúng ta đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” trước Quốc hội, thể hiện qua các quyết sách “kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên”, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã chỉ đạo khắc phục cơ bản sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.

Từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”. Theo Chỉ số SDI 2020 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, Việt Nam xếp thứ 49/166, tăng 39 bậc so với 2016. Chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu với phương châm “4 tại chỗ”, quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn, mặn…

Ngoài ra là các thành tựu về cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, phòng chống tham nhũng. Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa chuyên ngành, thực hiện “cơ chế một cửa”, “một cửa liên thông” giải quyết nhanh thủ tục hành chính... 

Phát biểu trước Quốc hội thời điểm đầu nhiệm kỳ, tôi đã nêu: Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48. Nhưng rất tự hào là đến nay xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới. (Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc)

Dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045.

 

Chính phủ tự “soi lại mình”

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả tích cực được ghi nhận, nhưng Chính phủ tự “soi lại mình” và thẳng thắn nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục.

Cụ thể là công tác xây dựng và thực thi pháp luật còn chậm, .ột số vướng mắc chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; việc thực hiện kế hoạch KTXH 5 năm, do dịch Covid-19, vẫn còn 02/12 chỉ tiêu chưa đạt; việc thực hiện 03 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế chưa như kỳ vọng; việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt mục tiêu, một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đi vào cuộc sống.

Ngoài ra, công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các các khu, cụm công nghiệp, làng nghề còn chậm được xử lý; bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ cương, kỷ luật, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa gắn với việc tiếp, đối thoại giải quyết với công dân…

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.