Nhiếp ảnh gia dùng một tay vươn ra thế giới

Nhiếp ảnh gia dùng một tay vươn ra thế giới

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Chiến tranh cướp đi của ông cánh tay phải nhưng không thể cướp đi niềm đam mê nhiếp ảnh trong ông, đó là lý do để ông trở thành nghệ sỹ xuất sắc của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế...

Ở cái tuổi ngoài 60, ông vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh lạ thường. Ngôi nhà nhỏ giản dị ở phường Dương Nội, Hà Đông (Hà Nội) treo không ít những tác phẩm mà nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh lăn lộn khắp các nẻo đường ghi lại.

Lạ & Cười - Nhiếp ảnh gia dùng một tay vươn ra thế giới

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đăng Thanh đang ghi lại hình ảnh của cuộc sống

Vận động mở lớp học cho thương binh

Sinh ra tại Thanh Hóa, giữa thời chiến tranh khốc liệt, năm 16 tuổi, ông và hàng vạn thanh niên theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Trong một trận chiến ác liệt tại chiến trường Tây Nguyên, khi tỉnh dậy, ông thấy toàn thân băng kín, cánh tay phải bị cắt lìa. Một cảm giác hoang mang, sợ sệt và cả sự hụt hẫng bao trùm suy nghĩ của ông nhưng khi nghĩ đến những đồng đội đã hi sinh, ông cảm thấy mình vẫn may mắn. Khi điều trị ở trạm xá, ông thường lang thang môt mình trong rừng gần đó để suy nghĩ về dự định tiếp theo trong cuộc sống. Ông nhớ lại: "Lúc đó, y tá ở trạm xá thấy tôi vào rừng sâu một mình, sợ tôi nghĩ quẩn nên họ thường đi theo sau. Sau nhiều lần, y tá thấy tôi vui vẻ quay về nên mới hết lo cho tôi".

Những vết thương trên cơ thể và cả việc mất đi một cánh tay không làm ông nguôi khao khát được đến trường, được đi học. Ông bắt đầu tập viết bằng tay trái. Ông tìm lớp theo học nhưng họ ra điều kiện, ông phải tìm đủ người học để mở lớp. Một thân một mình quay lại trạm xá nơi ông điều trị vết thương, ông vận động được 50 thương binh cùng đi học. Cứ thứ 7, chủ nhật ông vào bản cùng người dân tộc đi chặt luồng thuê, đi cuốc đất, làm ruộng để có tiền ăn học. Học xong chương trình cấp 3, ông thi đậu vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khoa Kinh tế Công nghiệp khóa 16 (năm 1974 đến năm 1978). Chính trong môi trường Đại học, ông đã tìm được một nửa đời mình là người bạn cùng lớp đại học. Tốt nghiệp Đại học, ông về công tác tại Liên hiệp các HTX tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Năm 1994, ông rời cơ quan Nhà nước để theo học nghề chụp ảnh của người cha.

Làm ảnh dịch vụ để "nuôi" ảnh nghệ thuật

Căn nhà 8m2 mà hai vợ chồng ông xin được trong khu tập thể của vợ ông là nơi trú mưa, trú nắng của mẹ già, con nhỏ và hai vợ chồng ông. Hàng ngày, ông lang thang ở bờ hồ, công viên để chụp ảnh cho khách. Có khi vợ ông cũng tranh thủ việc cơ quan để cùng ông đi chụp ảnh kiếm tiền. Mất cánh tay phải, ông bắt cánh tay trái phải làm việc thay luôn cánh tay phải. Các thao tác chụp ảnh của ông thuần thục, tất cả chỉ mất vài chục giây để làm sao khách hàng quên đi ông là người một tay. Đôi khi, có những khách hàng nhí được bố mẹ cho đi chụp ảnh nhưng sợ ông một tay nên đã không dám chụp, ông lại phải dỗ dành bằng cách mua kẹo: "Có nhiều bé ăn hết 4-5 cái kẹo nhưng cũng không chịu chụp, bố mẹ ngại quá phải bế để chụp cùng", ông chia sẻ.

Không chỉ thỏa mãn niềm đam mê chụp ảnh của bản thân, ông còn mở nhiều lớp dạy ảnh tại nhà, đào tạo từ xa qua mạng không lấy tiền. Ở Quảng Trị, Cao Bằng, Hà Nội... đâu đâu cũng có học sinh của ông. Ông chia sẻ: "Trong lớp học ảnh dành cho người khuyết tật tại Hà Nội, tiêu biểu có học sinh tên Việt (trú tại Lò Đúc) đứng không vững nhưng có một niềm đam mê chụp ảnh và những bức ảnh của bạn này chụp cũng rất đẹp. Đó là những mảnh đời, số phận tiếp thêm cho ông nghị lực để sáng tác và cống hiến".

Khi cuộc sống tạm ổn, ông bắt đầu thực hiện ước mơ sáng tác ảnh. Với chiếc xe tay lái nghịch, mình ông lại rong ruổi mọi miền đất nước để tìm, chớp lấy những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống lao động sản xuất, của thiên nhiên. Những người lính ở vùng biên cương của Tổ quốc, ở Trường Sa kiêu hãnh đều là khoảnh khắc ghi dấu trong cuộc đời sáng tác của ông.

Với nỗ lực sáng tác không mệt mỏi, ông đã dành nhiều giải thưởng của tỉnh Nam Định (năm 1990, 1991), giải thưởng ở Mỹ (1998), giải thưởng xuất sắc tại Nhật. Đặc biệt, ông được trao tặng danh hiệu E.VAPA - Nghệ sỹ xuất sắc của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và A.FIAP - Nghệ sỹ của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế. Tất cả sự ghi nhận đó càng thôi thúc ông dấn thân hơn cho sự nghiệp nhiếp ảnh và giúp những người đam mê nhiếp ảnh khác có cơ hội thực hiện niềm đam mê của họ.

Đỗ Thơm - Nguyễn Huệ

Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.