Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nên thế nào?
Theo báo Tuổi Trẻ, phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025 đang được xin ý kiến rộng rãi. PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ về phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025 có ba điểm mới.
Thứ nhất là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Thứ hai, Bộ muốn nhấn mạnh đến việc định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn từ các môn chọn học của học sinh, điều này giúp sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cho các em.
Thứ ba, theo lộ trình từ năm 2025-2030, từng bước, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.
"Chúng tôi kỳ vọng, phương án này vừa đáp ứng được yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp và đánh giá chất lượng dạy và học theo sự tiến bộ của người học. Ngoài ra, kết quả thi đủ độ tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo xét tuyển sinh, học sinh được định hướng nghề nghiệp ngay từ sớm", ông Chương nói.
Bàn cãi thi tốt nghiệp THPT trên giấy hay máy tính: "Phải có kịch bản lường rủi ro"
Để khoảng một triệu thí sinh có thể thi tốt nghiệp THPT trên máy tính cùng lúc, chuyên gia nhấn mạnh, việc tính toán giải pháp chống gian lận thi cử cần cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Vietnamnet, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyên Phó Giám đốc, Đại học Quốc gia Tp.HCM thông tin, học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, sẽ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025.
Với dự thảo "Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025", Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được tổ chức theo luật định và kiên trì với mục tiêu kỳ thi đặt ra từ 10 năm trước đây.
Mục tiêu bao gồm đánh giá kết quả dạy và học của chương trình giáo dục phổ thông; lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT; cung cấp dữ liệu tin cậy để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp từ 2025 vẫn ổn định trên nguyên tắc kỳ thi quy mô quốc gia với ngày thi thống nhất, đề thi chung cho cả nước. Việc tổ chức thi, coi thi, chấm thi do các địa phương thực hiện như các kỳ thi tốt nghiệp trước 2025.
Có một số điều chỉnh thay đổi trong dự thảo này - các môn thi bắt buộc và tự chọn, dự kiến thi trên máy tính từ 2030, đối với các môn trắc nghiệm. Thi tốt nghiệp trên máy tính, trừ môn Văn, từ 2030.
Việc tổ chức thi trên máy tính hay trên giấy hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Nếu có sự chuẩn bị kỹ về trang thiết bị, đường truyền, các phần mềm chuyên môn... việc thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm quy mô khoảng 1 triệu thí sinh thi cùng thời điểm trên cả nước có thể thực hiện. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, các kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy đã áp dụng mô hình này, chúng ta có thể rút ra điểm hay/dở của mô hình để áp dụng rộng rãi hơn.
Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT nhận đinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chuẩn bị kỹ lưỡng và dự trù các phương án xảy ra như đường truyền internet, việc hỏng hóc thiết bị, đang thi phần mềm bị lỗi.
Đặc biệt, ông Tùng nhấn mạnh việc tính toán giải pháp đặc biệt là gian lận thi cử vì thi trên máy tính phải kết nối mạng (kết nối, chuyển đề thi ra ngoài…).
Theo ông Tùng, Trường ĐH FPT đã cho sinh viên thi ngay trên chính máy tính của mình. Tất nhiên, nhà trường có các biện pháp kỹ thuật như sẽ kiểm tra được sinh viên đang làm gì trên máy tính, từ đó hạn chế thấp nhất việc gian lận thi cử.
Nhấn mạnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết: Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả từng bước tổ chức kỳ thi trên máy tính cũng là phù hợp với xu hướng quốc tế và phù hợp việc đẩy mạnh chuyển đổi số của quốc gia hiện nay, trong đó có ngành giáo dục.
Đây là vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bàn thảo rất nhiều, xin ý kiến các chuyên gia và được xây dựng theo lộ trình phù hợp, chắc chắn.
Các năm 2025, 2026, 2027, Kỳ thi vẫn tiếp tục được tổ chức trên giấy. Song song với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thử nghiệm diện hẹp thi trên máy tính tại một số địa phương đủ điều kiện. Đặc biệt sau khi thử nghiệm đồng bộ, có đánh giá tác động, các điều kiện đều đáp ứng cho mỗi địa phương thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới tính toán triển khai đồng loạt.
Vì vậy, nhà trường và học sinh yên tâm học và ôn tập để tham gia các kỳ thi đạt kết quả cao nhất, mọi chủ trương đều có các bước đi chắc chắn, không gây xáo trộn.
Bên cạnh đó, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng khi đưa ra phương án thi tốt nghiệp giai đoạn 2025-2030 thực hiện thí điểm thi trên máy tính, Bộ đã tính toán kỹ lưỡng, làm từng bước, đầu tiên làm ở những địa phương có điều kiện phát triển, tiến tới mở rộng ra ở một số địa phương khác.
Đến năm 2030, khi kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, hạ tầng mạng được đầu tư đồng bộ như tiến tới phủ sóng mạng 5G, mạng cáp quang kéo đến từng trường học, từng nhà, đây là điều kiện thuận lợi có thể triển khai việc thi tốt nghiệp trên máy tính đồng bộ.
Giám đốc tuyển sinh một trường đại học phía Nam cho rằng, đến năm 2025 hoặc trễ nhất tới năm 2027, có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đồng bộ đối với những môn thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn).
Lịch sử là môn thi bắt buộc?
Theo ông Huỳnh Văn Chương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xin ý kiến đa chiều trước khi quyết định đưa môn lịch sử là môn thi bắt buộc sau năm 2025.
Hiện, Bộ đang nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận, đặc biệt từ các thầy cô giáo giảng dạy và học sinh trong trường phổ thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến khác nhau, nhất là ủng hộ việc thi môn lịch sử nhưng cần thay đổi nhiều hơn cách ra đề cho môn học này.
"Những ý kiến góp ý này, bộ sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe, tổng hợp tiếp thu và phân tích đa chiều", ông Chương cho biết.
Theo ông Chương, với kỳ thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025, đề thi sẽ bám sát Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cụ thể sẽ chú trọng đánh giá năng lực, có sự phân hóa phù hợp để bảo đảm vừa để xét công nhận tốt nghiệp và kết hợp đạt nhiều mục tiêu khác nhau.
Trúc Chi (t/h)