“Vay nóng” nhanh, thủ tục đơn giản
Ngay trong đợt cao điểm triệt xóa các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, hàng loạt băng nhóm cho “vay nóng” đến từ các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Tuyên Quang,… bị cơ quan công an bóc gỡ, mời lên làm việc.
Cụ thể, tối 12/5, phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Cần Thơ phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra căn nhà số 107/8D (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) phát hiện nhiều đối tượng cùng tang vật liên quan đến việc cho vay nặng lãi.
Thời điểm kiểm tra, cơ quan công an đã tạm giữ nhiều giấy tờ, tang vật có dấu hiệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi như: 70.000 tờ rơi quảng cáo cho vay; gần 60 triệu đồng; nhiều sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ vay tiền của nhiều cá nhân.
Ngay sau đó, cơ quan công an đã mời làm việc đối với Lê Mạnh Vĩ (26 tuổi); Nguyễn Tiến Dũng (29 tuổi); Đỗ Tùng Dương (23 tuổi); Đặng Văn Dũng (29 tuổi); Cao Thế Huy (34 tuổi); Nguyễn Đình Tuấn (22 tuổi); Lê Đức Anh (24 tuổi) và Hoàng Mạnh Hiệp (29 tuổi, cùng ngụ TP.Hà Nội).
Tại cơ quan công an, bước đầu các đối tượng trên khai nhận từ đầu tháng 3/2018, các đối tượng đã từ TP.Hà Nội vào TP.Cần Thơ thuê trọ tổ chức hoạt động cho vay tiền. Để tìm khách hàng, các đối tượng quảng cáo bằng tờ rơi, danh thiếp với thủ tục đơn giản, hỗ trợ nhanh chóng, trả góp theo ngày, không cần thế chấp, người vay chỉ cần giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu là có thể cho vay tiền trong ngày.
Trên địa bàn TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long đã có hơn 100 người vay tiền nhóm của Vĩ với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng, mức lãi suất từ 10 đến 30 %/tháng. Do lãi suất “cắt cổ” nên trong số những người vay tiền đã không còn khả năng chi trả.
Cùng thời gian này, công an các quận, huyện trên địa bàn TP.Cần Thơ đã đồng loạt ra quân phát hiện 9 vụ với nhiều đối tượng có dấu hiệu liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi. Tại quận Cái Răng, ngày 11/5, lực lượng cảnh sát hình sự tiến hành mời làm việc đối với Lê Minh Phụng (26 tuổi, ngụ xã Hòa An, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), để làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi. Tại cơ quan công an, Phụng khai nhận từ đầu tháng 4/2018 đến nay, đối tượng đã cho 100 người vay tiền ở địa bàn TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long, với tổng tiền vay hơn 600 triệu đồng. Tiến hành kiểm tra nơi ở của Phụng, lực lượng công an đã thu giữ cuốn sổ liên quan đến hoạt động cho vay, 96 bộ hồ sơ vay tiền.
Tương tự, Công an quận Bình Thủy cũng kiểm tra căn nhà thuộc khu vực 4 (phường Trà Nóc) do Trịnh Bùi Nhân (18 tuổi, trú xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) thuê trọ và thu giữ 2.000 tờ quảng cáo và danh thiếp cho vay tiền, 71 hồ sơ vay tiền và 23 triệu đồng tiền mặt. Bước đầu Nhân khai nhận đã cho vay tổng cộng 71 người trên địa bàn quận Bình Thủy, Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt… với tổng số tiền cho vay là 360 triệu đồng, mức lãi suất từ 20% trở lên.
Công an huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh cũng đã mời làm việc 4 nhóm, 8 đối tượng có dấu hiệu cho vay nặng lãi… Tại quận Ninh Kiều, công an các phường trên địa bàn quận cũng đã đồng loạt ra quân thu gom, tẩy xóa, tháo gỡ các mẫu quảng cáo, tờ rơi trên tất cả các tuyến đường, điểm công cộng, khu dân cư với nội dung cho vay tiền góp.
Biết lãi nặng, người dân vẫn vay
Không chỉ tại TP.Cần Thơ, băng nhóm cho vay nặng lãi còn vươn vòi sang một số tỉnh lân cận như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang và Hậu Giang. Cũng bằng thủ đoạn dùng tờ rơi quảng cáo cho vay nợ nhanh, nhận tiền trong ngày và không cần phải thế chấp hay chứng minh thu nhập để “săn” khách hàng. Mặc dù người dân thừa biết đây không phải là các tổ chức ngân hàng, đó là băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi nhưng không ít người vì cần tiền nên bất chấp.
Tại tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2017 đến nay, công an tỉnh đã phát hiện, làm rõ 24 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen gồm: 3 vụ cho vay lãi nặng, 2 vụ bắt giữ người trái pháp luật, 11 vụ hủy hoại tài sản, 2 vụ xâm hại sức khỏe người khác, 1 vụ cưỡng đoạt tài sản, 5 vụ cố ý gây thương tích.
Theo đó, tối 24/4, trên địa bàn phường 2 (TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) xảy ra vụ đánh nhau, gây mất an ninh trật tự. Nhóm đối tượng đòi nợ ngụ tỉnh Hưng Yên, Tuyên Quang và Đồng Tháp xô xát với người vay tiền khiến 3 người nhập viện.
Riêng tại TP.Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan công an đã bắt, xử lý 10 vụ với 23 đối tượng về các hành vi treo, dán quảng cáo trên cột điện và phát tờ rơi quảng cáo có nội dung trên. Theo cơ quan công an, hoạt động của các băng nhóm cho vay khá tinh vi, các đối tượng đưa ra những lời quảng cáo như: thủ tục nhanh gọn, có tiền ngay trong vài giờ, không cần thế chấp tài sản… Có cả trường hợp, nhóm cho vay còn chi hoa hồng cho người giới thiệu, từ đó không ít người nghèo, người gặp khó khăn về tài chính sập bẫy.
Mới đây, ngày 9/5, Công an TP Sa Đéc phối hợp với phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp bắt giữ băng nhóm cho vay nặng lại do Nguyễn Văn Thư (25 tuổi, ngụ tỉnh Tuyên Quang; tạm trú tại phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc) cầm đầu, thu giữ 3.600 tờ rơi, 417 hợp đồng vay, 2 gậy 3 khúc. Tiến hành kiểm tra nơi ở, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều giấy cho vay tiền, hợp đồng đặt cọc, sổ hộ khẩu, sổ ghi chép cho vay và mời làm việc với 6 đối tượng đang tạm trú tại đây về cơ quan làm việc.
Qua làm việc, các đối tượng thừa nhận từ đầu tháng 4/2018, Thư và Vũ Ngọc Dung (33 tuổi) từ Tuyên Quan đến TP.Sa Đéc thuê nhà để hoạt động cho vay. Sau đó, cả hai rủ thêm Nguyễn Duy Hoàng (26 tuổi), Trần Ngọc Nam (19 tuổi), Lê Văn Duy (38 tuổi), Trần Minh Hùng (36 tuổi) và Vũ Xuân Tùng (34 tuổi, cùng ngụ TP.Hà Nội) từ TP.Hà Nội và Hải Phòng vào tổ chức cho vay. Lực lượng đã kiểm tra số sách, phát hiện các đối tượng này tổ chức cho vay tiền tại nhiều khu vực tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh gồm: Tiền Giang, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ.
Theo một cán bộ điều tra, hoạt động của các băng nhóm cho vay “tín dụng đen” chủ yếu đánh vào tâm lý người dân là cần tiền tiêu xài với các thủ tục đơn giản là có thể liên hệ vay tiền với lãi suất trả góp 20%/tháng và lãi nóng lên đến 40%/tháng. Tuy nhiên, lãi suất quá cao, nhiều người không có khả năng chi trả phải bỏ trốn.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực vay và cho vay, giúp người dân nâng cao ý thức phòng ngừa tác hại của tín dụng đen. Đồng thời, cơ quan chức năng rà soát và lập hồ sơ quản lý các đối tượng cho vay lãi nặng, tập trung lực lượng trấn áp mạnh các băng nhóm côn đồ, bảo kê, đòi nợ thuê trong hoạt động tín dụng đen.