Khẩn trương kiểm tra, rà soát
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk có thông báo kết luận tại cuộc họp diễn ra vào 1/12 về tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trên địa bàn.
Theo nội dung thông báo, theo cơ sở quy định, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, trong thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư, lắp đặt hệ thống ĐMTMN để sử dụng, bán điện.
Từ đó, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế hộ gia đình quy mô nhỏ, kinh tế trang trại, đóng góp vào ngân sách tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Hiện nay, cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển ĐMTMN được thực hiện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên đến ngày 31/12/2020 sẽ hết hiệu lực.
Cũng theo nội dung thông báo, trên thực tế, mặc dù đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan Trung ương và tỉnh nhưng việc quản lý, đầu tư phát triển ĐMTMN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, bất cập.
Cụ thể, việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại một số công trình xây dựng, trang trại chưa đảm bảo quy định về xây dựng, kỹ thuật, mỹ quan đô thị….
Đồng thời, một số trang trại chăn nuôi, trồng trọt triển khai lắp đặt hệ thống ĐMTMN khi chưa đảm bảo quy định về tiêu chí kinh tế trang trại, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc triển khai thu thuế từ kinh doanh ĐMTMN vẫn còn khó khăn, lúng túng…
Để chủ động có biện pháp giải quyết các tồn tại, vướng mắc, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về phát triển ĐMTMN mô hình trang trại, nhà xưởng trên địa bàn gửi về sở Công thương trước 11/12/2020.
UBND tỉnh cũng giao cho sở Xây dựng phối hợp với UBND TP.Buôn Ma Thuột, công ty Điện lực Đắk Lắk tổ chức kiểm tra việc thực hiện, chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc, mỹ quan đô thị; công tác thẩm định; cấp phép xây dựng… đối với một số công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên địa bàn, tổng hợp, báo cáo về sở Công thương.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ phối hợp với địa phương liên quan, công ty Điện lực Đắk Lắk tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các quy định về diện tích, sử dụng đất để tổ chức sản xuất, kinh doanh; tiêu chí kinh tế trang trại… theo quy định.
Hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong việc xác nhận kinh tế trang trại của địa phương (nếu có), làm cơ sở đấu nối hệ thống ĐMTMN.
Công ty Điện lực Đắk Lắk được giao nhiệm vụ chủ động tổ chức rà soát việc lắp đặt, vận hành hệ thống ĐMTMN tại các công trình xây dựng, trang trại để kịp thời phát hiện, xử lý tồn tại, vướng mắc.
Trên cơ sở báo cáo của sở Xây dựng, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, sở Công Thương tổng hợp, báo cáo bộ Công Thương về tình hình phát triển ĐMTMN trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, chủ động theo dõi, kịp thời phản hồi thông tin báo chí, xử lý theo thẩm quyền những tồn tại, vướng mắc về phát triển ĐMTMN trên địa bàn tỉnh; sớm báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo cục Thuế tỉnh nghiên cứu, phổ biến các chính sách, quy định về thuế đối với dự án ĐMTMN; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân về công tác thu, nộp thuế đối với việc đầu tư, kinh doanh ĐMTMN đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, tránh thất thoát.
Trước đó, UBND TP.Buôn Ma Thuột cũng phát hiện thời gian qua một số tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trang tại nông nghiệp chưa đúng quy định về tiêu chí kinh tế trang trại, sử dụng đất sai mục đích, lắp đặt hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời chưa đúng quy định.
Do đó, UBND TP.Buôn Ma Thuột giao phòng Kinh tế chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thường xuyên kiểm tra hoạt động của các trang trại nông nghiệp trên địa bàn Thành phố này, đình chỉ các hoạt động xây dựng trái phép. Mặt khác, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố này xử lý các trường hợp vi phạm.
Không chỉ vậy, UBND TP.Buôn Ma Thuột cũng đề nghị công ty Điện lực Đắk Lắk không đấu nối, ký kết hợp đồng mua, bán điện với cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục đầu trang trại nông nghiệp nhưng đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái vi phạm về xây dựng và sử dụng đất sai mục đích.
Chia nhỏ dự án để hưởng lợi?
Theo báo cáo của công ty Điện lực Đắk Lắk, tính đến thời điểm hiện tại, trên lưới điện của điện lực Đắk Lắk đã phát triển 5.487 công trình ĐMTMN, với tổng công suất lắp đặt là hơn 580 MWp (bao gồm công trình ĐMTMN đã đi vào hoạt động và đã thỏa thuận đấu nối đang triển khai xây dựng).
Trong đó, đã có 4.181 công trình ĐMTMN đi vào hoạt động với công suất lắp đặt hơn 291 MWp, sản lượng ĐMTMN đã phát lên lưới điện là hơn 119 triệu kWh.
Theo quy định, các công trình điện mặt trời trên 1 MWp (điện đấu lưới) phải được bộ Công thương phê duyệt. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã chia nhỏ dự án, với công suất dưới 1 MWp nhằm tránh những thủ tục rắc rối, không phải đánh giá tác động môi trường và được hưởng giá bán điện cao.
Đáng nói, theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), một dự án “nấm năng lượng” đã hoàn thành đấu nối điện nhưng bên trong nhiều bịch nấm được treo nằm ngang chồng chất lên nhau đã bị mốc đen.
Bên cạnh đó, trong nhiều nhà nấm, bịch nấm được để dưới đất, xung quanh cỏ mọc um tùm. Tại một dự án “nấm năng lượng” khác trên địa bàn xã Ea Nuôl, đã gần hoàn thành lắp pin năng lượng nhưng chỉ mới treo được vài chục bịch nấm.
Một người dân trú tại thôn Hòa Phú (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) cho hay: “Việc một số chủ đầu tư tổ chức san lấp để làm trang trại nông nghiệp công nghệ cao kết hợp ĐMTMN như hiện nay khiến người dân rất lo lắng về việc có hay không những tác động đến môi trường xung quanh.
Không chỉ vậy, khi ĐMTMN từ các trang trại này đi vào hoạt động thì có làm cho khí hậu nơi chúng tôi đang sinh sống nóng dần lên và ảnh đến cây trồng hay không, cũng là câu hỏi khiến mọi người rất băn khoăn.
Do đó, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng cần đánh giá tác động môi trường khi cấp phép cho các trang trại này”.
Ông Nguyễn Chí Linh, công chức địa chính, xây dựng, nông nghiệp và môi trường xã Ea Nuôl cho biết, ĐMTMN sẽ có 2 tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của một địa phương.
Đầu tiên, rác thải pin năng lượng trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến môi trường nếu như không có biện pháp xử lý. Mặt khác, để làm được một trang trại nông nghiệp công nghệ cao thì diện tích áp mái chiếm diện tích đất nông nghiệp rất lớn.
Trong khi, địa phương hiện nay vẫn đang chuyên về sản xuất nông nghiệp, hơn 70% người dân sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, nếu không quản lý chặt chẽ, sẽ dễ dẫn đến nguy cơ mất cân bằng về nông nghiệp và sẽ gây áp lực rất lớn cho địa phương về an sinh xã hội trong tương lai.
Cũng theo ông Linh, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 10 trang trại nông nghiệp công nghệ cao kết hợp ĐMTMN (trong đó có 2 trang trại đã đấu nối).
Địa phương quản lý rất chặt chẽ, nếu các dự án không có đầy đủ thủ tục thì chính quyền sẽ buộc các chủ đầu tư phải dừng lại.
Tuy nhiên, năng lượng mặt trời là một vấn đề còn rất mới nên các quy định pháp luật liên quan hiện vẫn chưa chặt chẽ. Vì vậy, việc quản lý, xử lý của địa phương gặp rất khó khăn.
“Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy có nhiều dự án có dấu hiệu trá hình dưới vỏ bọc “nông nghiệp công nghệ cao”.
Cụ thể, tại một trang trại trồng nấm nhưng chỉ treo bịch nhằm đối phó với cơ quan chức năng để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Đồng thời, quá trình đấu nối, nhiều chủ đầu tư đã tách nhỏ dung lượng xuống dưới 1 MWp. Thế nhưng, do các dự án này đáp ứng đầy đủ thủ tục, nhu cầu trang trại nông nghiệp công nghệ cao nên về quy định chính quyền không thể xử lý được”, ông Linh nói.
Ông Linh cũng cho biết, hầu hết các trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại xã Ea Nuôl đều đứng tên hộ gia đình cá nhân và tất cả đều có dung lượng dưới 1 MWp.
Trong khi đó, theo quy định đối với hộ gia đình cá nhân thì không bắt buộc phải báo cáo kinh tế hàng năm. Điều này sẽ gây khó khăn cho địa phương trong quá trình nắm bắt, theo dõi được việc sản xuất nông nghiệp tại các trang trại nông nghiệp công nghệ cao kết hợp ĐMTMN.
Khánh Ngọc