Mới đây, Trung tâm Con người và Thiên nhiên – PanNature tổ chức hội thảo “Nghịch lý Thiếu – Thừa: Giải pháp nào cho quản lý và sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh?”
Hiện trạng và những tồn tại trong quản lý đất nông- lâm nghiệp tại Việt Nam
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến tháng 8 năm 2018, tổng diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường hiện do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng là 9.154.846 ha. Trong đó, đất nông nghiệp (bao gồm cả đất rừng sản xuất, đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ) là 8.852.465 ha, chiếm 96,6%. 3,4% diện tích còn lại là đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng tới.
Như vậy, khu vực nông-lâm trường chiếm tới 27,75% diện tích đất liền của cả nước. Đây là một quỹ đất lớn, giữ vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng và hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hoá tập trung, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Hiện tại, dù có trên 75% các địa phương đã cơ bản hoàn thành rà soát, phân định ranh giới và có phương án sắp xếp, đổi mới với các diện tích đất này nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Theo ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội, nguồn lực đất đai chưa thực sự phát huy hiệu quả. Giao đất không đúng đối tượng, sử dụng không đúng mục đích xảy ra khá phổ biến khiến cho hiệu quả sử dụng đất không cao, gây lãng phí nguồn tài nguyên. Tình trạng hợp thức hóa cho các vi phạm vẫn tiếp diễn, gây ra sự không ổn định tình hình chính trị - xã hội tại nhiều địa phương.
Cũng theo ông Bình, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản diễn ra phức tạp làm ảnh hưởng suy thoái môi trường và có tác động không nhỏ tới công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Diện tích đất rừng ngày càng bị thu hẹp, do các nông, lâm trường, Ban Quản lý rừng quản lý diện tích lớn nhưng cho thuê, khoán hoặc không quản lý được để người dân lấn chiếm hoặc nhận thuê khoán tự ý phá rừng chuyển sang làm nương rẫy, ông Bình cho biết thêm.
Đánh giá về những tồn tại trong công tác quản lý và phát triển rừng, ông Nguyễn Quốc Dựng, Phó trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện điều tra quy hoạch rừng (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam hiện có 1.416.555 ha diện tích đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng sản xuất (RSX) là rừng tự nhiên: 811.842 ha (chiếm 57%); rừng sản xuất là rừng trồng: 237.637 ha (chiếm 17%); đất rừng phòng hộ (RPH): 266.442 ha (chiếm 19%); riêng diện tích rừng đặc dụng (RĐD) chưa có số liệu thống kê cụ thể.
"Vấn đề lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa ổn định được lâm phần và chưa có các giải pháp hữu hiệu trong quản lý các loại đất rừng", ông Dựng nhấn mạnh.
Công tác quy hoạch, xác định ranh giới, diện tích đất chưa ổn định. Nhiều nơi chưa thiết lập được mốc giới rõ ràng giữa lâm trường với dân, giữa rừng tự nhiên và rừng trồng, giữa RPH và RSX…dẫn đến nhiều tranh chấp. Đặc biệt là tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương và các lâm trường.
Bên cạnh đó, cơ chế giao rừng còn nhiều bất cập, có lâm trường cùng lúc quản lý nhiều loại rừng khác nhau theo mô hình nửa bao cấp – nửa kinh doanh dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và kiểm soát. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chỉ được giao quản lý rừng tự nhiên, khi có lệnh đóng cửa rừng là đồng nghĩa với việc tạm dừng sản xuất, đứt gãy nguồn thu.
Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature, lúng túng trong việc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công hiệu quả trong bối cảnh mới của ngành lâm nghiệp được coi là nguyên nhân chính.
Thứ hai, với các diện tích đã xác định chuyển đổi, bổ sung quỹ đất cho địa phương thì vấn đề liên quan đến rà soát ranh giới và chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn là điểm nghẽn lớn nhất. 34/45 tỉnh vẫn đang vướng mắc trong việc thực hiện rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao, cho thuê đất.
Đi tìm giải pháp cho nghịch lý Thiếu- Thừa
Nhiều tồn tại trong công tác quản lý, phát triển và bảo vệ rừng đã được các đại biểu chỉ ra, đó cũng là nguyên nhân dẫn tới nghịch lý “thiếu-thừa” khi một diện tích lớn đất đai luôn ở trong trạng thái “chờ”.
Thực trạng hiện nay, nhiều công ty nông, lâm nghiệp không còn hoặc không có kế hoạch cũng như kinh phí quản lý, sử dụng hiệu quả khiến cho một diện tích không nhỏ rừng và đất lâm nghiệp đã và đang chịu sức ép lớn về xâm lấn, chuyển đổi. Trong khi đó, người dân địa phương xung quanh lại luôn trong tình trạng ‘đói đất’ sản xuất.
Bàn về giải pháp, ông Lê Quang Thái, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của các công ty lâm nghiệp là huy động nguồn vốn và bất cập trong cơ chế chính sách.
Theo ông Thái, các công ty lâm nghiệp cần linh hoạt, chủ động sử dụng hiệu quả nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả để quản lý, bảo vệ rừng và phục hồi rừng bền vững. Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí, sớm ban hành Nghị định, cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp để có nguồn kinh phí hoạt động và thực hiện công tác quản lý rừng.
Ông Nguyễn Quốc Dựng, Phó trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện điều tra quy hoạch rừng (Bộ NN-PTNT) cho biết, cần rà soát lại diện tích, hiệu quả sử dụng các loại đất đai. Đánh giá cấu trúc các loại rừng từ đó thiết lập các lâm phần RSX ổn định thông qua quy hoạch, chuyển toàn bộ RĐD, RPH cho các Ban quản lý tập trung kinh doanh. Nhà nước chỉ nên quản lý diện tích RPH nhỏ lẻ, xen kẽ dưới dạng rừng có giá trị bảo tồn cao.
Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội, Triệu Văn Bình đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, lấn chiếm, tranh chấp đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Thu hồi diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý, sử dụng, ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất; giao đất cho các tổ chức, cá nhân thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.
Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu và đóng góp thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.
Nhu cầu về quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững quỹ đất có nguồn gốc nông, lâm trường trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập thương mại và tham gia nhiều cam kết quốc tế, trong đó có hiệp định thương mại thế hệ mới và các cam kết về thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học. Các tiến trình này đòi hỏi Việt Nam vừa phải đảm bảo duy trì ổn định diện tích rừng, tăng cường các nỗ lực phục hồi rừng, đảm bảo xây dựng khu vực rừng trồng có nguồn gốc hợp pháp, vừa phải đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất và phát triển bền vững kinh tế lâm nghiệp, đồng thời đảm bảo sự tham gia tích cực, quyền lợi và cải thiện sinh kế cho người dân.