Đất, đá, trạc thải làm vật liệu thi công nền đường?
Sau nhiều ngày quan sát công tác thi công Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn tránh thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình đã được bộ GTVT cho phép thực hiện theo Quyết định số 1708/QĐ-BGTVT ngày 24/09/2021, phóng viên Người Đưa Tin nhận thấy nhiều vấn đề trong công tác quản lý của chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông Vận tải và đơn vị giám sát, nhà thầu thi công. Về vật liệu san lấp sử dụng cho dự án phóng viên phát hiện nhiều loại đất đá tạp được các xe ô tô chở về sử dụng cho nhiều vị trí trên toàn tuyến dự án này.
Ngày 12/3/2024, có mặt tại công trường Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn tránh thành phố Hoà Bình, chúng tôi quan sát thấy nhiều đoạn đường đang thi công sử dụng một loại đá có màu xám xi măng. Nhiều viên đá có kích thước lớn (loại đá hộc) được đơn vị thi công sử dụng máy lu lèn tạo phần cốt nền đường dự án. Cách đó không xa số lượng lớn đất kèm bùn và chất thải xây dựng như gạch, đá cũng được tập kết thành từng đống lớn nhỏ đợi đến lượt san lấp.
Ngày 22/3/2024, ghi nhận tại dự án, thời điểm này một số xe ủi đang tiến hành tạo mặt bằng từ những vật liệu đất và đá có màu đen kích thước lớn. Máy xúc san ủi đến đâu, máy lu hoạt động đến đó mặc cho các viên đá to đá nhỏ xếp lẫn vào nhau không theo một kích thước chủng loại nhất định nào. Khi phát hiện phóng viên đang tác nghiệp một số người ra hiệu cho máy móc ngừng hoạt động.
Nhận thấy việc sử dụng các loại vật liệu san lấp cho dự án có nhiều bất thường nhóm phóng viên đã bám theo những chiếc xe chở vật liệu để san lấp cho Dự án.
Sau một thời gian, phóng viên phát hiện số đất đá này có dấu hiệu lấy từ bãi tập kết đất đá của Dự án mở rộng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình gần đó chứ không phải từ bãi tập kết của Dự án mở rộng QL 6 do Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư.
Giám đốc dự án ra sức bảo vệ nhà thầu?
Ngày 28/3/2024, phóng viên được lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông Vận tải giới thiệu làm việc với ông Vũ Trọng Huấn – Giám đốc phụ thách dự án trên. Chỉ vào những phần đá hộc xanh lớn, ông Huấn cho biết, phần này chỉ là tạm thời, sau đó đội thi công sẽ bốc dỡ phần đi và thay thế bằng vật liệu đúng như yêu cầu kỹ thuật “Đá bên chúng tôi còn thừa việc gì phải đi mua chỗ khác”, ông Huấn nói.
Thông tin phần đường mở rộng được các nhà thầu bóc tầng mặt và cấp phối đá hộc kích thước lớn không phải loại đá dăm loại I và loại II.
Về việc này ông Huấn khẳng định là việc sử dụng đá kích thước lớn làm nền đường là đã được Bộ cho phép, phần đá này sẽ cho máy dùi vào phá vỡ nhỏ theo đúng kích thước yêu cầu về chất lượng đá dăm mới bắt đầu làm các lớp bên trên.
Tới 1 vị trí đang được máy lu lèn phần đá hộc PV hỏi ông Huấn xem kích thước như vậy đã đạt yêu cầu chưa và chưa xong sao lại xe lu lại đang lu nền luôn, ông Huấn cho rằng vẫn đang triển khai thi công cả 1 đoạn dài, sau đó sẽ cho búa căn đến dầm vỡ. Đồng thời khẳng định sẽ vừa lu vừa dùng búa căn phá những viên đá lớn.
Tuy nhiên, tại hiện trường PV không thấy những thiết bị để thực hiện công việc như lời ông Huấn nói, lúc này ông Huấn mới chỉ đạo công nhân thi công dừng không tiếp tục làm nữa.
Tại cuối tuyến dự án, hàng loạt các đống vật liệu với đủ kích thước khác nhau đang được đơn vị thi công san gạt dở dang. Một công nhân thi công cho hay, số đá to tập kết ở đây sẽ mang đi xay trước khi sử dụng, ông Huân ngay lập tức ngắt lời người này và nói: “Xay cái gì đập thôi, xay có mà chết à…”
Sau khi trao đổi cùng ông Huấn, chúng tôi liên tục ghi nhận những hình ảnh, các xe tải chở vật liệu đất đồi phủ kín lên những đoạn đá hộc đã được máy lu xử lý trước đó, và tất nhiên chưa được dầm nhỏ theo yêu cầu như ông Huấn khẳng định. Chỉ ít phút, những viên đá hộc kích thước hàng chục centimet đã được xe ủi bánh xích gạt đất phủ kín lên trên che đi những dấu vết bất thường phía dưới.
Thi công dự án tắc thì phải chịu...?
Trong quá trình di chuyển toàn tuyến dự án với ông Huấn nhóm phóng viên cũng phát hiện không hề có bóng dáng của công nhân đảm bảo, cảnh báo, điều tiết giao thông tại dự án cho dù đã có hiện tượng ùn tắc gây ra bởi máy móc của đơn vị thi công. Thay vì gọi đơn vị thi công ra điều tiết giao thông ông Huấn nói giọng bất lực: “tắc thì phải chịu còn có cách nào, chả có cách nào!”
Đáng nói, dù trước mắt ông Huấn là cả một đoàn xe đang nối đuôi lên xuống dốc và bị ách tắc bởi một xe bồn đang bơm bê tông kết cầu của dự án. Tình trạng trên khiến nhiều phương tiện qua đây cảm thấy bất an bởi nhiều xe chở hàng nặng từ dốc Cun đi xuống nếu xảy ra tình huống xấu hậu quả rất khó lường trước.
Cách đó không xa là hạng mục cống thoát nước của dự án cũng phát lộ nhiều vấn đề, mục kích kết cấu phía dưới cống thoát nước đều không thấy lớp lót bằng cát, đá dăm. Một số người dân đặt câu hỏi liệu việc thi công như trên có đảm bảo chất lượng công trình hay không? Họ cũng rất mong muốn đơn vị thi công và chủ đầu tư sớm lên tiếng.
Theo quy định, Cấp phối đá dăm dùng làm móng đường được chia làm 02 loại theo quy định tại Mục 4 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8859:2011 về lớp móng cấp phối đá dăm trong kết cấu áo đường ô tô - Vật liệu, thi công và nghiệm thu như sau:
Loại I: là cấp phối hạt mà tất cả các cỡ hạt được nghiền từ đá nguyên khai.
Loại II: là cấp phối hạt được nghiền từ đá nguyên khai hoặc sỏi cuội, trong đó cỡ hạt nhỏ hơn 2,36mm có thể là vật liệu hạt tự nhiên không nghiền nhưng khối lượng không vượt quá 50 % khối lượng CPĐD. Khi CPĐD được nghiền từ sỏi cuội thì ít nhất 75 % số hạt trên sàng 9,5 mm phải có từ hai mặt vỡ trở lên.
Trao đổi với phóng viên, một kỹ sư cầu đường cho biết, trước khi thi công, đơn vị thiết kế đã tính toán các thông số chịu tải của đường từ đó đưa ra kết cấu của từng lớp áo đường. Việc thay đổi chất liệu phải được chủ đầu tư cho phép và ít nhất phải đạt hoặc có mức yêu cầu cao hơn so với thiết kế cũ. Nếu chỉ 1 lớp không đạt yêu cầu sẽ khiến toàn bộ kết cấu đường bị sụt lún, đứt gãy đặc biệt là những cung đường chịu mật độ giao thông cao, có nhiều xe trọng tải lớn lưu thông. Việc sử dụng vật liệu san lấp không đồng nhất trong một lớp đất nền đường là điều tối kỵ, trái với tiêu chuẩn ngành.
Nguyên tắc, đối với vật liệu đầu vào đối với một công trình, phải được thí nghiệm đạt, đồng thời phải có nguồn gốc xuất xứ, được tư vấn giám sát và chủ đầu tư chấp thuận mới được sử dụng, trong lúc thi công, và vật liệu cũng được kiểm soát chặt chẽ từ 2 đơn vị này. Chưa nói đến thủ tục pháp lý khi hoàn công thanh quyết toán, nhà thầu sử dụng nguồn đá không rõ nguồn gốc như trên vào công trình thì lấy chứng từ hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào từ đâu?
Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, lực lượng chức năng sớm làm rõ những vấn đề nêu trên nhằm sớm đưa công trình vào sử dụng và đảm bảo được chất lượng của công trình theo hồ sơ thiết kế. Đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân tổ chức có liên quan nếu phát hiện vi phạm.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.