6 năm làm chủ tịch, 13 năm làm bí thư xã, ông Đàm Minh Tuấn thực sự là một vị quan xã đầy quyền lực ở mảnh đất màu mỡ Vĩnh Thịnh. Những “người cùng thời” kể: ông Tuấn sinh năm 1957, học hết lớp 9 rồi đi bộ đội sau đó xuất ngũ sớm và trở về quê hương. Với chí hay lam hay làm, mạnh dạn “xé rào” khi kinh tế thị trường xuất hiện ở vùng quê Vĩnh Thịnh, ông Tuấn đã sớm tham gia và có của ăn của để ngay khi làng xóm còn nghèo đói. Năm 1995 đùng cái ông trở thành chủ tịch xã rồi giữ cương vị ấy 6 năm liền. Năm 1999 ông được bầu là bí thư và giữ hơn 2 nhiệm kỳ, tới nay đã là năm thứ 13 ông ở cương vị bí thư.
Ở vào hàng quan “nhất phẩm” ở địa phương nhưng công bằng mà nói ông Tuấn không để lại những dấu ấn lớn lao trong việc xây dựng nông thôn mới. Nhiều người dân trong xã cho biết quê hương từ thời ông lên chủ tịch rồi bí thư vẫn “tàng tàng” như thế, không thay đổi gì chỉ có gia đình ông thì chuyển từ nhà nhỏ lên nhà to, mỗi ngày một giàu có hơn mà thôi. Ông Tuấn không “nổi danh” trong vài trò lãnh đạo xã nhưng lại nổi tiếng trong vùng vì “mát tay” làm thương lái buôn trâu, bò. Ông buôn trâu, bò giống từ miền Nam ra bán cho bà con trong vùng, trong xã sau đó lại “bắt tay” với các đơn vị thu mua sữa để thu mua sữa cho bà con.
Ông Đàm Minh Tuấn
Người ta thường xuyên thấy ông bay đi bay lại giữa Hà Nội và Sài Gòn như đi chợ. Ông lại là người nắm được các chủ trương, chính sách về cho vay vốn để bà con sản xuất, chăn nuôi nên “nhất cữ, lưỡng lợi”, bà con chăn nuôi nghe ông răm rắp. Mà chẳng nghe cũng không được bởi bà con tin tuyệt đối vào lãnh đạo địa phương, ông Tuấn chả gì cũng là chủ tịch rồi hàng chục năm làm bí thư xã. Thậm chí, bí thư huyện ủy Vĩnh Tường ông Lê Chí Quang trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên còn ghi nhận: anh Tuấn là người có công phát triển đàn bò sữa ở Vĩnh Thịnh.
Công hay tư, chỉ người dân Vĩnh Thịnh, nhất là những người được “hưởng” hoặc phải trả giá vì nuôi trâu, bò do ông Tuấn cung cấp mới hiểu hết sự tình. Nhưng nội việc một ông bí thư thường xuyên bỏ nhiệm sở để đi buôn là một dấu hỏi lớn cần phải suy nghĩ. Chính ông Tuấn khi tiếp xúc với phóng viên đã “thật thà” cho biết mình thường bay vào SG vào thứ 6 và ra vào Chủ nhật. Mà cũng không phải tuần nào cũng bay vào, thường là tháng đi một vài lần hoặc nếu đi nhiều là vào mùa cao điểm?
Phải chăng vì ông thường vắng mặt tại nhiệm sở nên khoảng chục năm trở lại đây Vĩnh Thịnh trở thành “điểm nóng” vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có tình trạng đất nông nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng trái phép.Tất cả những công trình xây dựng trái phép trên địa bàn xã đều không bị xử phạt hành chính và không hề có bất cứ một văn bản nào đối với các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp này phải dỡ bỏ.
Bên cạnh đó, nhiều công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh phục vụ dân sinh thì lại trong tình trạng “nằm chờ quyết toán” và hậu quả là nhiều năm nay vẫn không thể giải quyết được. Các công trình này gồm: nghĩa trang, trường nầm non, trạm y tế xã. Lý do không quyết toán được đều do “vênh” với dự toán được phê duyệt ban đầu, số tiền vênh này từ vài trăm triệu đến cả tỷ bạc.
Nghiêm trọng hơn, bỗng nhiên chuyện ông bí thư Tuấn sử dụng bằng giả “phát lộ” gây xôn xao làng quê, chấn động lên cả tỉnh ủy, ủy ban. Số là cách đây 3 năm, huyện Vĩnh Tường cho ông Tuấn đi học lớp hành chính của trường Cao đẳng nội vụ Hà Nội mở tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Điều kiện để được học lớp học này là phải học hết cấp 3, vì sau đó, trường sẽ cấp bằng Cao đẳng cho người học. Không rõ bằng cách nào, ông Tuấn ung dung có một cái bằng bổ túc văn hóa, tên Đàm Minh Tuấn, sinh năm 1957.
Sau đó ông lên Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc xin xác nhận bằng bổ túc này có giá trị như bằng cấp 3 và được nhận vào học lớp hành chính nói trên. Ông tốt nghiệp và được cấp bằng cao đẳng. Khi việc dùng bằng giả bị “lộ”, ông Tuấn thừa nhận với cấp ủy cũng như với nhóm phóng viên rằng bằng đó không phải của mình và ông mượn của người trong xã. Việc “mượn” bằng của người khác đi học, ông Tuấn không báo cáo Huyện ủy cũng như không công khai việc này với các cấp Đảng.
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra việc sử dụng bằng giả của ông Tuấn. Trao đổi với báo giới, ông Triệu Đức Soạn, phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Vĩnh Phúc (UBKT) cho biết sẽ khẩn trương, khách quan kiểm tra vụ việc và sẽ sớm có kết luận trong tháng 4/2013 và chậm nhất là tới ngày 7/5/2013 sẽ công bố công khai để dư luận được rõ. Ông Soạn cũng cho biết thêm, sau khi có kết luận chính thức UBKT sẽ căn cứ theo các Điều lệ Đảng có hướng xử lý trường hợp ông Tuấn một cách nghiêm minh.
Về những sai phạm trong quản lý đất đai, quyết toán các công trình xã hội tại xã Vĩnh Thịnh, bí thư huyện ủy Vĩnh Tường Lê Chí Quang cho biết huyện đã nắm được và đang rà soát, thống kê để xử lý dứt điểm.
Dư luận đang trông chờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng kết luận và xử lý vụ việc bí thư Tuấn sử dụng bằng giả song dư luận còn trông chờ hơn nữa vào việc kiểm tra tình trạng buông lỏng quản lý đất nông nghiệp trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh, làm rõ những nghi vấn về việc chính gia đình bí thư Tuấn và một số quan chức của xã ( có người đã nghỉ hưu) lấn chiếm, hợp pháp hóa đất công làm nhà ở. Đồng thời, cũng cần làm rõ việc ông bí thư dùng thời gian của nhà nước để làm giàu cho cá nhân cũng như kiểm tra việc phát triển đàn bò sữa ở Vĩnh Thịnh thông qua nguồn cung cấp giống là chính gia đình ông bí thư xã.
Hồng Anh