Nhiều bệnh lạ đang đe dọa cuộc sống người dân

Nhiều bệnh lạ đang đe dọa cuộc sống người dân

Thứ 3, 12/03/2013 10:03

Thời gian vừa qua, nhiều căn bệnh mới xuất hiện ở một số địa phương trong cả nước với những diễn biến bất thường. Nguyên nhân gây ra các bệnh này là vi khuẩn, virus. Trong đó, virus ngày càng tăng, có độc lực cao. Nhiều chuyên gia về y tế cảnh báo Việt Nam là một trong những quốc gia ghi nhận số loại bệnh mới nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong khu vực.

Nhiều bệnh nguy hiểm mới xuất hiện

Trong vòng 15 năm qua, các chuyên gia y tế thế giới đã ghi nhận hàng loạt vụ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, với số ca mắc bệnh và tử vong cao. Trong đó, các dịch bệnh này chủ yếu tập trung ở các quốc gia châu Á, châu Phi. Tại Việt Nam, sự gia tăng liên tục của một số bệnh truyền nhiễm mới và tái xuất hiện đang là vấn đề nóng bỏng của y tế công cộng.

Với bệnh tả, trước đây các ca mắc bệnh được các bệnh viện ghi nhận tản mát, không phát hiện một vụ dịch nào xảy ra. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, ngành y tế Việt Nam đã ghi nhận hàng ngàn ca mắc bệnh. Có thời điểm, trong một ngày, tại các bệnh viện đã có hơn 200 ca nhập viện. Bên cạnh đó, thời gian qua rất nhiều trẻ em mắc phải căn bệnh tay chân miệng. Dịch sốt xuất huyết cũng diễn biến hết sức phức tạp. Nếu như trước đây 6 năm mới xuất hiện một năm có dịch lớn, thì nay chu kỳ bệnh dịch ngắn hơn, chỉ từ 3 -4 năm. Các ca bệnh nhân mắc bệnh quanh năm chứ không tập trung như trước đây.

Ông Phạm Minh Tuấn (56 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: "Từ năm 2000 đến nay đã xuất hiện rất nhiều bệnh lạ khiến người dân hoang mang, lo lắng thực sự. Mới đây nhất, người dân TP.HCM rúng động trước thông tin Việt Nam ghi nhận hai trường hợp tử vong do nhiễm amip ăn não người. Thực tế cho thấy, bệnh này chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Các bệnh viện khi tiếp nhận bệnh nhân cũng bị động trong việc xác định rõ căn bệnh, nguyên nhân gây bệnh. Do vậy đã dẫn đến các ca mắc bệnh mới này đều tử vong. Đây thực sự là lời cảnh báo đến người dân và các cơ quan chức năng.

Xã hội - Nhiều bệnh lạ đang đe dọa cuộc sống người dân

Chuột bị người dân bẫy được.

Động vật là trung gian truyền bệnh

Thạc sỹ Nguyễn Thị Lan, chuyên gia nghiên cứu y tế cộng đồng cho các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh dịch mới nguy hiểm. Có thể là do quá trình tăng dân số, đô thị hóa, tình trạng buôn bán động vật tự do, vệ sinh môi trường chưa tốt, khí hậu biến đổi... Tuy nhiên, trong các nguyên nhân trên thì động vật là trung gian truyền nhiều bệnh dịch nhất.

Các chuyên gia về dịch tễ tại TP.HCM đưa ra đánh giá, phần lớn các bệnh mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật. Một số khảo sát đã chỉ rõ động vật là nguồn truyền bệnh của hơn 70% các bệnh mới nổi. Thậm chí, có những loại bệnh bình thường chỉ có ở động vật nhưng do biến đổi khí hậu, môi trường các loại virus dần thích nghi nên dễ dàng truyền sang người như các dịch cúm vừa qua. Trước thực trạng này, nhiều nhà khoa học bày tỏ lo ngại, với quy trình quản lý vật nuôi, kiểm dịch động vật, giết mổ và tiêu thụ thịt động vật tràn lan, khó kiểm soát, bên cạnh đó, vấn đề nhận thức của người dân về các bệnh dịch truyền nhiễm chưa được đầy đủ. Do vậy, việc hạn chế thấp nhất các bệnh dịch truyền nhiễm là vô cùng khó khăn.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết: "Trong năm 2012, chuột cống mang virus Hanta gây suy gan, suy thận có thể gây chết người được phát hiện ở TP.HCM. Qua kiểm tra đã phát hiện virus Hanta có trong chất bài tiết của chuột bị nhiễm bệnh, vùng da bị tổn thương của con người tiếp xúc trực tiếp các chất này hoặc hít vào đường hô hấp thì đều bị mắc bệnh. Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận bệnh nhân nhiễm loại virus này, tất cả đều có tiếp xúc với chuột cống. Hiện nay, người nhiễm virus Hanta có thể được điều trị khỏi bệnh sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, điều nguy hiểm ở bệnh này là mới có văcxin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị. Đặc biệt, y văn ghi nhận không ít trường hợp nhiễm virus Hanta tử vong rất nhanh do chứng suy gan suy thận cấp.

Trước thực tế trên, các chuyên gia y tế tại Việt Nam cho rằng để phòng chống bệnh mới nổi, hoạt động phòng chống dịch bệnh có vai trò rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh, ở đâu có sự chủ động của chính quyền địa phương thì ở đó công tác phòng chống dịch bệnh mới thực sự hiệu quả. Tiến sĩ Huỳnh Phi Hoàng, chuyên gia nghiên cứu các chương trình y tế cộng đồng tại Việt Nam cho biết, ngoài công việc trên, công tác giáo dục sức khỏe, truyền thông về những nguy cơ cho cộng đồng, nâng cao chất lượng của hệ thống giám sát chủ động bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến y tế sẽ góp phần nâng cao tính chủ động trong việc phòng ngừa dịch bệnh. Nếu không thực hiện sớm các nhiệm vụ này, chỉ trong vài năm nữa, nhiều căn bệnh mới sẽ xuất hiện tại Việt Nam.                 

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: "Chuột mang virus Hanta ở Việt Nam không phải là hiếm, đây là chuyện bình thường, nếu kiểm nghiệm chuột ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước thì có rất nhiều con bị nhiễm. Thực tế cho thấy, không phải người nào tiếp xúc với chuột có virus Hanta đều bị bệnh. Trong 10 năm qua ở Việt Nam chỉ phát hiện 3 ca bệnh nhân bị nhiễm virus Hanta, mặc dù ở Việt Nam chuột xuất hiện ở khắp mọi nơi, tần suất con người tiếp xúc với chuột cũng rất cao. Hiện nay, ngoài truyền nhiễm virus Hanta, chuột còn gây ra nhiều bệnh khác. Nếu bị chuột cắn, con người có thể bị uốn ván, nhiều trường hợp bị dại do chuột cắn, chuột còn có thể gây dịch hạch...   

Nhóm P.V

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.