Nhiều bệnh viện hết thuốc điều trị ung thư Glivec: Đừng chậm nguồn cung để bệnh nhân cạn hy vọng

Nhiều bệnh viện hết thuốc điều trị ung thư Glivec: Đừng chậm nguồn cung để bệnh nhân cạn hy vọng

Dương Thị Hạnh

Dương Thị Hạnh

Chủ nhật, 21/01/2018 18:51

Việc hết thuốc chữa bệnh ung thư thời gian qua khiến người nhà và bệnh nhân vô cùng lo lắng. Nhiều bệnh nhân cho rằng, nếu không có thuốc viện trợ, tới đây họ sẽ bỏ điều trị, về nhà chờ chết. Trước tình trạng này, một số bệnh viện cho biết, đã có cách khắc phục tình trạng trên, sẽ có thuốc trong thời gian tới.

Người bệnh hoang mang

Chia sẻ về nỗi lo hết thuốc, bệnh nhân Nguyễn Thị B. (45 tuổi, ngụ tỉnh Long An), bị ung thư bạch cầu tủy mạn tính, đang điều trị tại bệnh viện Truyền máu- Huyết học TP.HCM cho biết: “Tôi đang uống thuốc Glivec để điều trị bệnh ung thư bạch cầu tủy, giai đoạn mạn tính theo Bảo hiểm y tế. Từ trước đến nay, nhờ có bảo hiểm và nguồn thuốc viện trợ nên chi phí điều trị phù hợp với hoàn cảnh gia đình tôi. Tuy nhiên, gần đây, hết thuốc, chúng tôi liên hệ bệnh viện thì bác sĩ bảo, cả nước đều hết, bệnh viện không thể khắc phục được”.

“Từ đó, tôi phải chia nhỏ liều, uống ít lại. Thay vì mỗi ngày bác sĩ chỉ định cho uống liều lượng từ 800 mg/ngày, tôi uống ít lại một nửa, chờ có thuốc mới. Có một số bệnh nhân cũng điều trị như tôi, họ mua thuốc ngoài tiệm rất tốn kém, bình thường chỉ 7 triệu/hộp 6 vỉ x 10 viên, thì nay tăng lên 9,5 triệu đồng. Tới đây, nếu không có thuốc chúng tôi sẽ bỏ điều trị, về nhà chờ chết”, bà B. buồn bã nói.

Xã hội - Nhiều bệnh viện hết thuốc điều trị ung thư Glivec: Đừng chậm nguồn cung để bệnh nhân cạn hy vọng

Cần khắc phục tình trạng hết thuốc ung thư Glivec cho bệnh nhân.

Anh Nguyễn Văn M. (42 tuổi ngụ tỉnh Lâm Đồng), có người nhà bị tăng sinh tủy xương, đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết, bác sĩ cho đơn thuốc uống 5 ngày. Tuy nhiên, người nhà anh đã sử  dụng hết. Bác sĩ cũng thông báo chờ có thuốc thì uống tiếp, không chờ được thì tự ra ngoài mua. “Trong khi ra ngoài tiệm, giá thuốc trên trời, cả chục triệu một hộp, họ không bán lẻ. Với loại thuốc này, nếu bệnh viện nhập về, người bệnh có bảo hiểm y tế chỉ phải chi trả 60%, còn 40% là công ty tài trợ. Chỉ có như thế, thì người nhà tôi mới có cơ hội điều trị tiếp, không thì đành chấp nhận bỏ cuộc”, anh M. cho hay.

Ngày 17/1, trao đổi với PV, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc bệnh viện Truyền máu- Huyết học TP.HCM cho biết, hiện đã có biện pháp khắc phục tình trạng hết thuốc ung thư Glivec cho bệnh nhân.

Động thái tích cực

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc Glivec viện trợ, ngày 12/1, Chính phủ đã ra Nghị quyết 05/NQ-CP về việc phê duyệt tiếp nhận thuốc viện trợ Glivec do công ty Novartis Pharma Service – AG (Thụy Sĩ) cung cấp. Trong đó đồng ý cho phép 4 bệnh viện được tiếp nhận thuốc Glivec viện trợ với hồ sơ nhập khẩu cũ theo Thông tư 47/2010/TT-BYT gồm: Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương 247.440 hộp 10 vỉ x 12 viên, bệnh viện Chợ Rẫy 1.888 hộp, bệnh viện Ung Bướu TP.HCM 1.603 hộp, bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM 4.804 hộp.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết: “Việc Chính phủ kịp thời phê duyệt 4 bệnh viện tiếp tục được nhận thuốc viện trợ đã giúp tháo gỡ tình trạng hết thuốc trị ung thư Glivec. Chúng tôi đang khẩn trương làm thủ tục giấy tờ trình các cấp phê duyệt như sở Y tế TP.HCM, hải quan TP.HCM, sở Tài chính TP.HCM... để nhập thuốc. Dự kiến khoảng 1 tuần nữa, thuốc Glivec sẽ có mặt tại bệnh viện. Việc làm này sẽ giúp người bệnh yên tâm điều trị tại các bệnh viện. Bởi trước đó, thuốc Glivec đồng loạt hết trên cả nước”.

Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM đang điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu tủy mạn tính bằng nguồn thuốc viện trợ thông qua chương trình GIPAP (hoàn toàn bằng thuốc viện trợ) và VPAP (60% thuốc do Bảo hiểm y tế chi trả, 40%, được viện trợ từ công ty Novartis). Dược sỹ Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết, với Nghị quyết 05 của Chính phủ về việc tiếp tục nhập thuốc Glivec viện trợ theo quy định cũ đã giúp cho bệnh viện cũng như bệnh nhân có nguồn thuốc điều trị, giúp lãnh đạo bệnh viện không phải lo chuyện hết thuốc, khiến nhiều bệnh nhân hoang mang.

Trước đó, thông tin từ các bệnh viện cho biết, bắt đầu từ năm 2018, các bệnh viện rơi vào tình trạng hết thuốc Glivec dành cho bệnh nhân ung thư bạch cầu mạn tính dòng tủy, ulympho cấp, loạn sản tủy, tăng sinh tủy xương... Đây là loại thuốc được sử dụng theo hình thức viện trợ từ công ty Novartis Pharma phối hợp với thuốc do Bảo hiểm y tế chi trả.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc được cho là do từ trước đến nay, các bệnh viện nhận thuốc viện trợ từ công ty Novartis Pharma theo hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc của bộ Y tế theo Thông tư 47 của Bộ này. Tuy nhiên, khi Nghị định 54 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược (ban hành ngày 8/5/2017) quy định một số điểm mới khiến công ty chưa chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp phép thuốc nhập khẩu kịp thời. Như vậy, do vướng mắc từ quy định tại những văn bản mới ra, dẫn tới việc thiếu thuốc, gây khó khăn cho người bệnh.

Trong văn bản kiến nghị lên bộ Y tế, đại diện công ty Novartis Pharma cho rằng, việc chuẩn bị và cung cấp hồ sơ theo Nghị định 54 để xin phép nhập khẩu thuốc viện trợ của công ty này gặp nhiều khó khăn, không thể đáp ứng điều kiện. Điều này khiến cho việc nhập thuốc Glivec về Việt Nam bị đình trệ trong thời gian qua.

Cần nghiên cứu giải pháp phù hợp thực tế

Bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết: “Trước tình trạng hết thuốc điều trị ung thư từ nguồn thuốc viện trợ Glivec do công ty Norvatis Thụy Sĩ cấp, bộ Y tế đã đề xuất với Văn phòng Chính phủ. Từ đó, ngày 12/1, Chính phủ ra Nghị quyết 05  tiếp tục nhận thuốc viện trợ như cũ nhằm tháo gỡ khó khăn tình hình hiện nay. Đồng thời, yêu cầu bộ Y tế và các bệnh viện nhận viện trợ phải chịu trách nhiệm giám sát quá trình nhập khẩu, kiểm dịch, thử nghiệm chất lượng, thực hiện hậu kiểm lô thuốc, chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc khi sử dụng. Tuy nhiên, để có cách khắc phục lâu dài tình trạng thiếu thuốc, các bệnh viện, cục Quản lý dược, cũng như bộ Y tế, cần nghiên cứu giải pháp phù hợp với thực tế”.

Lành Nguyễn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.