Bên hành lang Quốc hội sau phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật công chức, Luật viên chức, ĐBQH Đặng Thuấn Phong bày tỏ sự băn khoăn khi trong dự thảo luật này chưa có quy định về việc cán bộ muốn từ chức thì phải làm thế nào.
Theo ông Phong, một công chức biết liêm sỉ, nếu trong luật chưa quy định thì quyền được từ chức không thực hiện được.
“Cái trung thành của pháp luật là vậy, pháp quyền xã hội chủ nghĩa là thế, công dân được làm cái pháp luật không cấm, cán bộ chỉ được làm những điều pháp luật quy định”, ông Phong bày tỏ cái khó, nếu không quy định thì không ai có thể từ chức vì như thế là vi phạm.
“Giờ trong luật Cán bộ công chức không quy định cái đó (việc từ chức – PV) là quyền và trách nhiệm của công chức, thì mai mốt công chức từ chức là đi sai luật. Cho nên, ngay Luật này phải bổ sung quy định về từ chức”, ĐBQH Đặng Thuấn Phong đề xuất.
Khi được hỏi về tính khả thi khi đưa vào luật, bởi xưa nay việc từ chức ở Việt Nam là điều “chưa từng có”, ông Phong nói: “Trước hết trong luật phải quy định, người có sĩ diện người ta muốn người ta làm. Còn khả thi hay không nó còn liên quan đến văn hóa, cách ứng xử của đội ngũ cán bộ trong công sở với nhau.
Có những người tự ái, muốn nghỉ thật chứ. Có người có chức, làm việc đàng hoàng, đánh giá họ sai, họ tự ái là từ chức, người có liêm sỉ là người ta sẵn sàng như thế. Nhưng giờ không có cơ chế đó thì người ta lấy gì để làm?”.
Đồng quan điểm trên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện đã nêu ra sự “vênh” nhau về vấn đề liên quan đến từ chức của cán bộ trong hai dự thảo Luật được Quốc hội thảo luận. Ông cho biết, qua nghiên cứu và hôm qua khi góp ý về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật công chức, Luật viên chức, ông đã đề cập về việc từ chức của cán bộ, công chức nhưng dự luật không có quy định đó.
“Cán bộ, công chức chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép, không cho phép từ chức thì tại sao trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, Ban soạn thảo lại đưa bổ sung là cho từ chức. Nếu không cho cán bộ công chức quyền được từ chức mà người ta viết đơn từ chức thì có nghĩa là vi phạm pháp luật. Hai luật này cùng một cơ quan soạn thảo (Bộ Nội vụ) nhưng lại vênh điểm này. Tôi đề nghị chúng ta phải soi lại, nếu không đưa điều luật này ra thì xử lý cán bộ của chúng ta như thế nào”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
Công Luân - Hoa Liên