Nhiều cán bộ công quyền bỗng dưng... 'mất tích'

Nhiều cán bộ công quyền bỗng dưng... 'mất tích'

Thứ 4, 25/12/2013 17:03

Liên tục nhiều sự vụ cán bộ cơ quan công quyền bỗng dưng "biến" khỏi nơi làm việc khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng vì cách hành xử kỳ quặc này.

Nhiều lời phỏng đoán được đưa ra cho hành vi "đào tẩu" “có một không hai” của những cán bộ này, nhưng không ít người đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý cán bộ thuộc chính quyền địa phương... của cấp cao hơn.

Những cán bộ thành "con mẹ hàng lươn"

Thông tin mới nhất được phát đi từ UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam) là chủ tịch UBND xã Phước Lộc, Hồ Văn Hùng đột nhiên "mất tích" gần 1 tháng nay khiến công việc ngưng trệ. Theo đó, ông Hùng đã tự ý bỏ công việc điều hành UBND xã Phước Lộc và đi khỏi địa phương gần 1 tháng qua khiến công việc hành chính tại xã bị ngưng trệ. Nhiều giấy tờ liên quan không ai ký, vì trước khi "mất tích", ông Hùng không bàn giao công việc cho cán bộ cấp dưới. Đáng nói, cho đến nay, cơ quan chức năng và người dân vẫn chưa biết ông Chủ tịch xã Hồ Văn Hùng đã đi đâu, làm gì.

Trước đó không lâu, trường hợp tương tự đã xảy ra khi chính quyền UBND xã Đức Thanh đã trình báo với lãnh đạo UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) về việc ông Đặng Quang Lai, cán bộ địa chính xã này bỏ việc mà không có lý do. Thông tin cho biết thêm, sau nhiều ngày vắng mặt tại cơ quan trong giờ hành chính, ông Lai đã gửi tin nhắn cho ông Trần Lê Sỹ - Chủ tịch UBND báo tin mình bị vỡ nợ nên không thể tiếp tục đến cơ quan làm việc. Một nguồn tin khác cũng cho hay, nguyên nhân khiến ông Lai vỡ nợ là do ham mê cờ bạc. Do số nợ quá lớn, nên ông Lai đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Trong khi thực hiện bài viết này, PV cũng nhận được thông tin từ Công an huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho hay, bà Chủ tịch hội Nông dân xã Châu Bình đã lợi dụng tín nhiệm vay tiền tỷ rồi bỏ trốn. Theo đó, bà Lô Thị Hòa (SN 1982), trú tại bản Độ 3, đã lợi dụng chức danh Chủ tịch hội Nông dân xã Châu Bình để lừa vay tiền của nhiều người với thủ đoạn trả lãi suất cao. Nhiều người dân thấy đã quá hạn, gọi điện cho bà Hoà nhiều lần không được nên đến nhà đòi thì phát hiện bà Hoà cùng chồng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Theo đơn phản ánh của người dân, tổng số tiền bà con đã đưa cho bà Hoà vay trên 7 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Hòa còn huy động nhiều người nộp 300 triệu đồng mua thóc giống rồi "ôm" tiền bỏ trốn.

Xã hội - Nhiều cán bộ công quyền bỗng dưng... 'mất tích'

Điểm mặt nguyên nhân những sự vụ hy hữu này, một cán bộ điều tra, bộ Công an cho PV báo Người đưa tin biết, thực tế của sự phát triển có những mặt trái với các tệ nạn xã hội. Đáng chú ý, một bộ phận nhỏ cán bộ công chức cũng dính líu đến tệ nạn này. Ban đầu, họ dùng tiền nhà chơi, nhưng khi đã cạn, lại sẵn có trong tay tiền của Nhà nước, không ít người vì không kiềm chế được "đam mê" tội lỗi đã dấn thân vào và mắc tù tội vì lỡ đem tiền Nhà nước đi chơi, đi tiêu. Cũng phải kể đến những trường hợp lợi dụng vị thế công tác của mình, tạo dựng được lòng tin người dân rồi vay tiền làm ăn, đến khi thua lỗ, không có tiền trả thì bỏ bê công việc... cao chạy, xa bay.

Yếu kém hay thiếu bản lĩnh?

Gắn bó nhiều năm trong lĩnh vực xét xử của TANDTC, ông Đỗ Cao Thắng, nguyên chánh tòa Kinh tế TANDTC cho rằng: Cán bộ cũng là con người cả thôi. Khi được trao quyền vào tay, nếu ai đó không đủ nhận thức, không xác định được vai trò, trách nhiệm của mình, không có tâm huyết với công việc được giao thì rất dễ thoái hoá, biến chất. Do đó, đã là cán bộ thì phải tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ chính trị phải tận tụy, công khai, minh bạch, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, không để người thân lợi dụng uy tín của bản thân làm những việc không đúng. Tóm lại, cán bộ có tâm, có đức thì dân được nhờ.

Còn biết đến trên cương vị từng là Phó bí thư đảng ủy TANDTC ông Thắng nhận định, một thực tế đáng lo ngại là, hầu hết những vụ việc sai phạm được phát hiện không phải do đơn vị, địa phương tự đấu tranh mà là đều xuất phát từ đơn khiếu nại, tố cáo của công dân và qua thanh tra. Cá biệt có nơi, cấp uỷ đảng buông lỏng vai trò lãnh đạo và tham gia một số vụ việc trái với các quy định của pháp luật, gây bất bình trong dư luận. Mặt khác, công tác kiểm tra, thanh tra ở một số địa phương chưa làm thường xuyên, còn nặng về hình thức, khi phát hiện có sai phạm thì xử lý không nghiêm nên không mang tính giáo dục, răn đe.

“Phải thừa nhận, cấp quản lý cơ sở chưa thực sự gắn bó và sâu sát với cán bộ của mình. Nếu sâu sát, ắt sẽ phát hiện hoặc nghe được phản ánh về những biểu hiện tiêu cực của cán bộ cấp dưới, từ đó có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra”, ông Thắng nói.

Ông Thắng đưa ra một câu chuyện: "Khi tôi làm ở TANDTC, nghe một số lãnh đạo ban, ngành, sở phàn nàn, cán bộ của họ là con ông nọ, cháu bà kia nghiện chất ma tuý, dính nhiều tệ nạn xã hội,... nhưng không biết phải xử lý như thế nào? Tôi nói, anh cứ làm báo cáo chuyển bên công an giúp đỡ, xác minh, xử lý. Thế nhưng, các thủ trưởng này không dám báo cáo bằng văn bản, chỉ báo cáo miệng. Họ chỉ kêu ca, không dám đụng chạm, không dám thừa nhận sự yếu kém trong lãnh đạo, quản lý cán bộ của mình hay thiếu bản lĩnh? Thấy đúng, phải kiên quyết xử lý đến cùng, không thể để vẩn đục đội ngũ công chức được".

Đừng để “ngã ngửa” vì bất ngờ

Nhìn nhận trên góc độ xử lý, luật sư Cao Văn Tỉnh, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định về xử lý kỷ luật đối với công chức trong đó quy định 06 hình thức kỷ luật đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và 04 hình thức kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ quản lý. Trong đó, đặc biệt xử lý nghiêm khắc cho thôi việc với cán bộ công chức dính líu vào các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, trong vòng xoáy của xã hội, nhiều cán bộ đã không giữ được tư cách, bản chất để xứng đáng đứng trong bộ máy công quyền. Điều còn đáng tiếc hơn, khi sự việc vỡ lở, nhiều người mới té ngửa và đáng tiếc với cương vị mà người vi phạm đang giữ.

Cũng theo luật sư Tỉnh, cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ, mở rộng tự phê bình và phê bình trong và ngoài Đảng là một việc tuyệt đối cần thiết để nâng cao sức chiến đấu. Cần phải luôn làm cho công tác này có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Bất cứ một tổ chức nào, nếu không thường xuyên và đều đặn tiến hành công tác đó, thì nó không được coi là tổ chức dân chủ thực sự.

Phải thực hiện tốt quyền giám sát của nhân dân!

"Tất cả mọi người dân đều có quyền giám sát đảng viên, cán bộ, công chức sinh sống trên địa bàn. Bởi vì trong các Nghị quyết của Đảng đều đã nêu nội dung này, trong luật Cán bộ công chức cũng vậy. Như thế, việc nhân dân có quyền giám sát là nội dung đã được hiến định. Có mấy kênh để người dân thực hiện quyền giám sát. Thứ nhất là gửi đơn, thư đến hòm thư giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Thứ hai, nhân dân có quyền gửi đơn, thư phát hiện, kiến nghị đến cơ quan quản lý cán bộ, công chức đó. Nếu người đó thuộc các cơ quan chuyên trách Đảng thì gửi đến cơ quan Đảng. Có rất nhiều cách để người dân nắm được thông tin, cách thu thập thông tin và thông tin của họ là thực tế nhất, vì thế phải nhấn mạnh, nhân dân có quyền giám sát cán bộ, công chức Nhà nước. Mọi cán bộ, bất kể giữ chức vụ gì cũng đều chịu sự giám sát của nhân dân. Chỉ có làm như vậy, cấp trên mới có thể nắm được toàn diện tư cách, đạo đức cũng như năng lực phẩm chất cán bộ cấp dưới mình".

(Ông Đỗ Duy Thường, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

Vương Trần

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.