Gây áp lực để tăng giá điện?
Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định truy thu 1.935 tỷ đồng do phát hiện tập đoàn Điện lực VN (EVN) hạch toán sai một số khoản chi phí.
Đáng chú ý là khoản cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM (giai đoạn 2012-2015) bị hạch toán sai, khiến doanh thu và lợi nhuận của năm 2015-2016 giảm hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, bộ Tài chính cũng phát hiện EVN "quên" hạch toán hơn 4.847 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính năm 2016. Đây là khoản lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ của năm 2016.
Từ sai sót này của EVN, bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 số tiền 969,5 tỷ đồng.
Sai sót của EVN được công bố vào thời điểm hiện tại là khá nhạy cảm khi mà chỉ mới tháng trước, doanh nghiệp này quyết định tăng giá điện vì lý do lỗ tỷ giá.
Trước đó, tại buổi họp báo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân do bộ Công Thương và EVN chủ trì vào ngày 1/12/2017, khoản lãi tỷ giá 4.847 tỷ đồng này không hề được đưa ra, toàn cảnh bản báo cáo chỉ một màu xám vì gánh nặng của con số lỗ tỷ giá hơn 9.500 tỷ đồng.
Và mặc dù kết quả kinh doanh chung năm 2016 ghi nhận lãi trên 2.658 tỷ đồng nhưng vì khoản lỗ nói trên mà giá điện bình quân vẫn buộc phải tăng 6,08%.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (bộ Tài chính), cho rằng đây là lỗ hổng, thiếu sót lớn, cho thấy tính minh bạch của EVN chưa rõ. Việc công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh xấu đi là không trung thực. Bởi vì nếu kết quả kinh doanh tốt thì việc tăng giá điện vừa qua cũng ít chịu áp lực hơn, giảm đi gánh nặng cho người dân.
Ông Long cũng nêu vấn đề, sau kết luận thanh tra của bộ Tài chính thì thấy rằng không chỉ EVN mà cơ quan kiểm toán cũng đã thực hiện sai quy định. “Vì sao những khoản chi phí tài chính lên tới hàng nghìn tỷ đồng chưa được hạch toán vào giá thành nhưng không được phát hiện” – vị chuyên gia tài chính đặt câu hỏi.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (học viện Tài chính), việc không thực hiện đúng quy định trong hạch toán chi phí theo chỉ đạo cho thấy EVN đã cố tình hạch toán không chính xác để giảm nghĩa vụ nộp thuế Nhà nước, đồng thời tạo ra áp lực giả cho việc tăng giá điện, như vậy là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quản lý tài chính.
EVN nói gì?
Ngay sau khi bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra, báo chí và dư luận lên tiếng, EVN đã có thông báo giải trình vụ việc nói trên. Theo đó, ông lớn ngành điện lực giải thích lý do hạch toán khoản cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 – 2015 vào năm 2015 là để “giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện”.
EVN cũng khẳng định, khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí đã không được đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện, do vậy giá bán lẻ điện áp dụng từ 01/12/2017 theo Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 của bộ Công Thương không bao gồm khoản chi phí này.
Đối với nguồn gốc khoản chênh lệch tỷ giá 4.847 tỷ đồng, EVN giải thích là khoản chênh lệch lãi tỷ giá này chủ yếu phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Mà dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là dự án thuộc tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1, trực thuộc EVN) do đó, khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của Dự án này phải chuyển giao cho EVNGENCO 1 hạch toán theo quy định.
Tuy nhiên, chính tập đoàn này cũng xác nhận hiện tại mới đang thực hiện các thủ tục bàn giao dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về EVNGENCO 1 vào thời điểm ngày 31/12/2017.
Cuối cùng, EVN cho biết đang tiếp tục giải trình bộ Tài chính để xử lý, giải quyết vấn đề này. Đồng thời, EVN cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, đồng thời khẳng định EVN sẽ thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
Nhận định về phát ngôn của EVN, TS. Ngô Trí Long cho rằng đây chỉ là “ngụy biện” của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp luôn dựa vào quy định của pháp luật để hạch toán sao cho khoản thuế phải nộp là thấp nhất, và chẳng ai dại gì nhận sai là do mình trốn thuế. Vấn đề là khi bộ Tài chính đã đưa ra kết luận thanh tra thì chắc chắn họ phải có cơ sở, nếu không thì EVN đã không khẳng định là sẽ “thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và bộ Tài chính”.
Xử lý thế nào?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Bùi Đình Ứng (Trưởng văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng hành vi hạch toán sai của EVN có dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, khoản C điểm 1, Điều 221 quy định một trong những hành vi vi phạm quy định Nhà nước về kế toán là “Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán”.
Cũng theo luật sư Ứng, cần phải làm rõ sai phạm này thuộc về trách nhiệm quyền hạn của cá nhân, tập thể nào và làm rõ động cơ mục đích để xử lý. Căn cứ Bộ luật Hình sự 2015 đã có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 thì tội Cố ý làm trái đã không còn, thay vào đó được cụ thể hóa bằng các tội danh khác. Ví dụ trong quá trình điều tra xác minh mà phát hiện hành vi hạch toán kế toán sai để trục lợi thì xử lý tội Tham ô tài sản, nếu hạch toán sai để trốn thuế thì xử lý tội Trốn thuế còn nếu động cơ để sử dụng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực khác sai quy định thì xử lý tội Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng...