Các ý kiến cũng cho rằng việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với vùng biển rộng 2 triệu km2 và đang ráo riết triển khai các hoạt động củng cố “Tam Sa”, nhất là việc Trung Quốc thiết lập cơ quan chỉ huy quân sự ở thành phố “Tam Sa”, ban hành “Điều lệ quản lý trị an biên phòng tỉnh Hải Nam” là nhằm khống chế, kiểm soát Biển Đông, đe doạ hoà bình, ổn định và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Đề cập đến nội dung tham luận về việc Philippin khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài theo phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng hành động khởi kiện của Phi-lip-pin là phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việc làm của Philippin đã mở ra một cục diện mới cho giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp pháp lý. Với hành động Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện của Philippin cho thấy rõ Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý cho các yêu sách của họ ở Biển Đông.
Tại Hội thảo lần này, các đại biểu nhất trí cho rằng hoà bình ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các quốc gia ven Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.
Với một số nội dung trong phát biểu bế mạc, PGS.TS Phạm Đăng Phước mong muốn các học giả thấy rõ hơn nét văn hóa, xác lập chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa thông qua Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào sáng ngày 28/4 ở đảo Lý Sơn.
Theo Hồng Long (Dân trí)