Bộ Công Thương đề xuất nhiều bộ ngành phối hợp điều hành giá điện
Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 36/BC-BCT về Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Tại báo cáo này, Bộ Công Thương nêu rõ: Bộ Công Thương sẽ là cơ quan "chủ trì kiểm tra, rà soát"; còn Bộ Tài chính giữ vai trò là cơ quan "quản lý Nhà nước về giá"; các bộ, cơ quan liên quan phối hợp theo "chức năng, nhiệm vụ" được giao và quy định của pháp luật.
Báo cáo cũng nêu rõ, trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN cùng các đơn vị thành viên.
Trước đó, tại dự thảo sửa đổi Quyết định 24 về cơ cấu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân mà Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, Bộ này giữ trách nhiệm phối hợp của Bộ Tài chính nhưng cụ thể vai trò của Bộ này là "cơ quan quản lý nhà nước về giá". Bộ này cũng đề xuất các bộ, cơ quan liên quan tham gia, phối hợp với các nội dung liên quan, theo "chức năng, nhiệm vụ".
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì xây dựng khung giá, cơ chế điều chỉnh, biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ cũng như hướng dẫn lập khung giá phát điện, truyền tải, dịch vụ phụ trợ, phí điều độ. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp của cơ quan này tại dự thảo quyết định. Bộ này chỉ phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường hoặc tác động lớn.
Liên quan đến những phản ánh về việc cần "tính đúng, tính đủ các chi phí" để tránh lỗ cho EVN, tại báo cáo này, Bộ Công Thương đề xuất: "Tổng các chi phí khác chưa được tính vào giá điện, là các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện, bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ được tính toán phân bổ vào giá bán lẻ điện bình quân năm". Việc này được cho là "để đảm bảo tính thống nhất, không có cách hiểu khác", Bộ Công Thương lý giải.
Lo ngại tình trạng chồng chéo
Trao đổi với báo chí, TS.Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng việc giao nhiều bộ quản lý, điều hành giá điện rất dễ xảy ra tình trạng chồng chéo trách nhiệm, đến khi có vấn đề gì xảy ra, bộ nọ đẩy trách nhiệm cho bộ kia, cuối cùng không giải quyết được gì.
Theo ông Lâm, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện năng, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá. Do vậy, nên giao thống nhất việc điều hành giá điện cho Bộ Công Thương. Khi có vấn đề phát sinh hoặc biến động bất thường, có thể phối hợp với các bộ ngành để tham vấn. Hoặc trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có thể yêu cầu EVN thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn cùng các đơn vị thành viên.
TS.Ngô Đức Lâm cho rằng để giá điện minh bạch, cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ. Cung ứng điện gồm có 4 phần: Sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành. Cách tính giá điện hiện nay của Bộ Công Thương không đảm bảo nguyên tắc tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính theo từng bậc (5, 6 bậc) cho khách hàng (gọi là T2) phải cân bằng với tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân (gọi là T1). Các đoàn thanh tra hằng năm kiểm toán cũng không công bố các con số này. Trong khi đó, nếu ngay từ đầu công khai, đảm bảo đủ nguyên tắc T1 luôn bằng T2 thì dù có chia 3 hay 5, 7 bậc, giá trung bình tính ra cũng đều quay về giá bình quân, không thể cao hơn.
Số lượng từng bậc sử dụng bao nhiêu điện rất dễ để tính toán. Nếu như kiểm toán thì sẽ biết bậc 1, bậc 2… sẽ dùng hết bao nhiêu điện, nhân với giá điện sẽ tính ngay ra chênh lệch của 5 hoặc 6 bậc ấy với tổng thu nhập của 1 giá điện bình quân nếu không bằng nhau thì đó sẽ là chênh lệch.
Theo vị chuyên gia này, việc cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang, rút gọn từ 6 bậc xuống 5 bậc là tốt. Nhưng cải tiến thời điểm này là chưa thích hợp. Chưa thích hợp ở chỗ, đoàn thanh tra đang kiểm tra vấn đề về giá điện sinh hoạt, xem xét các bậc đã đúng hay chưa. Do vậy, tôi cho rằng tạm thời để lực lượng chức năng kiểm tra xong, làm rõ các vấn đề liên quan cho minh bạch, rõ ràng và có kết luận cuối cùng, đến lúc đó lấy ý kiến cải tiến biểu giá bán lẻ điện cũng chưa muộn.
"Khi người dân sử dụng điện theo thị trường điện lực, người dùng nhiều phải trả nhiều, người dùng ít trả ít; không có chuyện khách hàng đã dùng nhiều (phải trả tiền nhiều), lại còn phải chịu giá điện ở bậc cao (lên tới 3.457 Kwh cho giá điện bậc 5), phải trả tiền nhiều hơn nữa. Không ai có quyền lấy của người này bù cho người khác, nên việc bù chéo là không hợp lệ và ít hiệu quả. Việc xây dựng biểu giá điện như hiện tại có thể xảy ra tình trạng không minh bạch, rõ ràng, có thể việc bù chéo lại sinh lợi cho bên bán điện. Vì vậy, theo tôi, việc áp dụng giá điện nhiều bậc ở Việt Nam hiện tại là chưa hợp lý", ông Lâm nói.
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho hay, để giá điện minh bạch, cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ. Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, cung ứng điện gồm có 4 phần: Sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành.
"Đại dịch đã qua rồi, cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ để bảo đảm ngành điện cũng như nền kinh tế hoạt động ổn định. Chúng ta phải cân nhắc rất rõ, rất kỹ lưỡng bài toán điều tiết giá điện, phản ánh hơi hướng của thị trường, để bảo đảm ngành phát triển bền vững, từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững và an sinh xã hội mới được bảo đảm", PGS.T.S Bùi Xuân Hồi nêu quan điểm.
M.V (Tổng hợp từ Lao Động, VietNamnet, Nhân Dân)