Theo kết quả kiểm tra của Sở Nội vụ Nghệ An, tại Phòng Tài chính kế toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 15 người, trong đó có 1 trưởng phòng và 6 phó phòng. Sở này ngoài giám đốc còn có đến 7 phó giám đốc phụ trách các lĩnh vực, như: lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, nông nghiệp, thú y, kiểm lâm...
Sở Nội vụ hiện có 31 biên chế nhưng có tới 19 lãnh đạo gồm: 1 giám đốc, 4 phó giám đốc và các trưởng, phó phòng. Phòng Công chức viên chức của Sở hiện có 4 nhân viên thì có 3 lãnh đạo gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng.
Bà Cao Thị Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở có 7 phòng, mỗi phòng đều có trưởng phòng và 1-2 phó phòng theo quy định. Mấy năm vừa qua, Sở có nhiều người nghỉ hưu nên đang làm quy trình để tuyển biên chế cho đủ người làm việc theo quy định.
Tại Phòng Tài chính kế toán của UBND huyện Anh Sơn có 4 biên chế thì tất cả đều là sếp, gồm 1 trưởng phòng và 3 phó phòng.
Quá trình sát nhập các sở, ban, ngành ở Nghệ An là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng sếp nhiều hơn nhân viên. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông
Bà Cao Thị Hiền giải thích, đây là hệ quả của quá trình sáp nhập một số sở, ban ngành đặc thù. Sở Nông nghiệp là kết quả của sự sáp nhập 3 sở cũ gồm Thủy sản, Lâm nghiệp và Nông nghiệp. Trong quá trình đó, một số trưởng phòng ở sở cũ phải xuống làm phó phòng sở mới dẫn đến hiện tượng phòng 15 người nhưng có đến 6 phó phòng.
Mặt khác, đặc thù của Sở Nông nghiệp là một phòng phụ trách nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, thú y... nên cần có phó phòng quản lý đúng chuyên môn, không thể kiêm nhiệm.
Theo Quyết định số 63 năm 2008 của UBND tỉnh Nghệ An, mỗi phòng ban thuộc sở, ngành, UBND cấp huyện chỉ được bố trí 1 trưởng phòng và 2 phó phòng, trường hợp cần quá số người thì làm văn bản xin ý kiến Sở Nội vụ. "Ở Nghệ An, số lượng trưởng, phó phòng vẫn nằm trong khung quy định, không có gì bất thường", bà Cao Thị Hiền khẳng định.
Nguyên Khoa (VnExpress)