Nhằm chào mừng 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022), Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đang khẩn trương tập trung tổ chức các hoạt động chào mừng.
Những công trình, dự án như đường sá, trường học… đang trong quá trình hoàn thiện, tạo diện mạo mới và phấn khởi cho người dân Vĩnh Long.
Những công trình hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt cho việc giảng dạy và học tập, mà còn thể hiện tấm lòng tri ân của các thế hệ hôm nay đối với công lao to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong công cuộc dựng xây quê hương, đất nước.
Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, để ghi nhớ công lao của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, ngay từ năm 2018, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt trình Trung ương xem xét, phê duyệt.
Theo đó, để góp phần cho lễ kỷ niệm được trang trọng, tỉnh đã có chủ trương triển khai những công trình trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bao gồm tám dự án với tổng mức đầu tư khoảng 2.074 tỷ đồng, tiêu biểu một số công trình như: Đường Võ Văn Kiệt, Tp.Vĩnh Long; Trung tâm hội nghị tỉnh Vĩnh Long; đường nối từ đường Phạm Hùng đến đường Võ Văn Kiệt Tp.Vĩnh Long; Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự, huyện Vũng Liêm; đường Rạch Trúc, huyện Vũng Liêm; Nhà thi đấu đa năng tỉnh Vĩnh Long…
Tại Tp.Vĩnh Long, nhiều công trình trọng điểm chào mừng 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đang trong giai đoạn chạy nước rút.
Hai công trình trọng điểm đang được khẩn trương hoàn thiện sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt là Công trình Trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Long và dự án cầu Cái Cam 2 nằm trên đường Võ Văn Kiệt, phường 9, Tp.Vĩnh Long.
Công trình Trung tâm hội nghị tỉnh Vĩnh Long với tổng mức đầu tư dự án 293 tỷ: Công trình khởi công tháng 9/2020, đến nay đã thi công đạt 99% khối lượng và sẽ nhiệm thu vào trung tuần tháng 11/2022 để phục vụ các sự kiện của lễ kỷ niệm và các hoạt động sắp tới của tỉnh.
Công trình được xây dựng trên diện tích 23.593 m2. Diện tích xây dựng 8.968 m2 với tổng diện tích sử dụng 17.779 m2. Kiến trúc công trình gồm bốn tầng.
Trong đó, khối hội trường lớn 800 chỗ, hai hội trường nhỏ 350 chỗ, hai phòng họp 150 chỗ; phòng hội thảo, thảo luận hai phòng 100 chỗ; bốn phòng 60 chỗ; có khu để xe, nhà ăn lớn, nhỏ; khu bếp, kho; khu không gian đa năng; khu sảnh chung, hành lang, hành chính quản trị; giao thông công cộng, sân đường nội bộ, chức năng kỹ thuật và phụ trợ…
Công trình Đường Võ Văn Kiệt, Tp.Vĩnh Long với tổng mức đầu tư dự án 1.491 tỷ đồng. Công trình khởi công tháng 10/2020 đến nay đã thi công toàn tuyến đạt 80% khối lượng, dự kiến sẽ khánh thành dự án thành phần cầu Cái Cam 2 thuộc công trình vào trung tuần tháng 11 tới.
Công trình đường gói thầu số 2 - Xây lắp cầu Cái Cam 2 thuộc dự án đường Võ Văn Kiệt (nối dài) có tổng chiều dài 3.609m, chiều rộng mặt đường từ 36 đến 46m; trên tuyến có hai cầu, trong đó cầu Cái Cam 2 dài 480m.
Cầu được thiết kế gồm 2 nguyên đơn cơ bản giống nhau, mỗi nguyên đơn gồm 10 nhịp, trong đó nhịp thông thuyền sử dụng kết cấu vòm ống thép dạng mạng lưới với chiều dài 95m... Công trình cũng đã đạt khoảng 99%.
Đường Võ Văn Kiệt, Tp.Vĩnh Long có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển của tỉnh vì đây là tuyến trục giao thông chính của trung tâm thành phố Vĩnh Long, kết nối giữa khu đô thị cũ với khu đô thị mới, khu trung tâm hành chính mới của tỉnh và kết nối với hệ thống giao thông quốc gia như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 53, Quốc lộ 80...
Công trình khi hoàn thành sẽ lấy tên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt tên đường để ghi nhớ công lao, sự hy sinh và đóng góp của Thủ tướng.
Tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, quê hương của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Vũng Liêm đang dốc sức toàn lực để hoàn thiện một số công trình trọng điểm chào mừng 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nhiều công nhân đang tập trung hoàn thiện công đoạn cuối cùng là lót gạch vỉa hè để hoàn thành tuyến đường Rạch Trúc trên địa bàn thị trấn Vũng Liêm. Với chiều dài khoảng 2km, đây được xem là một trong những tuyến đường rộng và đẹp nhất ở huyện Vũng Liêm.
Sau gần 4 tháng thi công, công trình Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự tại thị trấn Vũng Liêm đến nay đã hoàn thành khoảng 95%. Công trình với tổng kinh phí xây dựng và đầu tư trang thiết bị là 160 tỷ đồng.
Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự được xây dựng trên diện tích khoảng 1,2 ha, quy mô xây dựng gồm: Khối sảnh đón, Khối hiệu bộ, khối học tập, khối bộ môn, khối nhà đa năng, sân bóng mini,… tạo không gian học tập, rèn luyện thể chất và giải trí đa dạng cho các em học sinh.
Công trình được thiết kế hiện đại, khoa học, đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho 1.200 học sinh với 24 phòng học và 28 phòng chức năng.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, cho biết: “Ngoài những công trình lớn mang đậm dấu ấn của đất nước, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn luôn dành tình cảm sâu nặng và tâm huyết đối với quê hương Vĩnh Long, điển hình như: Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ VI, nhiệm kỳ 1996 – 2001, do bận nhiều công việc, đồng chí không về dự được nhưng đã thư gửi cho Đại hội, trong đó đồng chí ân cần động viên: “Các đồng chí phải biết dựa vào dân giải quyết những vấn đề nhân dân mong đợi, luôn gắn bó với dân như những năm còn đánh giặc, biết khuyến khích và nâng niu từng sáng kiến của nhân dân trong thực hiện sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh….
Khi đã nghỉ hưu, đồng chí Võ Văn Kiệt thường xuyên về thăm quê hương Vĩnh Long và góp ý những vấn đề lớn của tỉnh như: xây dựng các khu công nghiệp, quy hoạch phát triển thị xã Vĩnh Long lên thành phố loại III...
Bên cạnh đó, những việc cụ thể, thiết thực như xây dựng Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, công tác bảo tồn, bảo tàng, xây dựng tuyến dân cư vùng ngập lũ, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất và vốn vay cho các hộ sản xuất, kinh doanh,… đều được đồng chí Võ Văn Kiệt quan tâm góp ý”.
Thanh Lâm