Nhiều "đại bàng" quan tâm dự án năng lượng trọng điểm 2,5 tỷ USD

Nguyễn Hữu Phương

Nguyễn Hữu Phương

Thứ 5, 28/03/2024 14:54

Theo thông tin từ Tỉnh ủy Thanh Hóa, hiện có ít nhất 5 nhà đầu tư đang quan tâm dự án xây dựng tổ hợp nhà máy nhiệt điện LNG tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Đây là một dự án năng lượng trọng điểm không chỉ của Thanh Hóa mà còn mang tính chất quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với công suất 1.500MW, vốn đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD.

Theo đó, vừa qua Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn của 5 nhà đầu tư, bao gồm: Tổ hợp nhà đầu tư Tập đoàn điện lực lớn nhất Nhật Bản JERA và Tập đoàn SOVICO (Việt Nam); Tổ hợp nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát; Nhà đầu tư Tập đoàn năng lượng Gulf  đến từ Vương quốc Thái Lan; Nhà đầu tư SK E&s, tập đoàn công nghiệp đa ngành đến từ Hàn Quốc; Tổ hợp nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam và Tập đoàn T&T.

Sự kiện - Nhiều 'đại bàng' quan tâm dự án năng lượng trọng điểm 2,5 tỷ USD

Nhà máy điện khí (Hình minh họa).

Trong tổ hợp nhà đầu tư JERA – SOVICO thì là JERA liên doanh giữa Tokyo Electric Power và Chubu Electric Power là doanh nghiệp phát điện lớn nhất tại Nhật Bản. Công ty tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo ở khắp châu Á, bao gồm cả Ấn Độ và Thái Lan. Còn lại SOVICO cũng là tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. 

Tháng 8 năm 2022, JERA cũng đã công bố chi khoảng 15 tỷ yên (tương đương 112 triệu USD) để mua lại 35,1% cổ phần của Công ty CP Điện Gia Lai - GEC để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đầu năm 2023, JERA đã bắt đầu hoạt động toàn diện tại quốc gia Đông Nam Á với công ty con Jera Energy Vietnam Co Ltd. tại Hà Nội.

Thành viên còn lại trong liên danh là Tập đoàn SOVICO, gắn liền với tên tuổi nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Hãng hàng không Viet Jet, ngân hàng HDBank và công tư tài chính HD Saigon.

Một tổ hợp nhà đầu tư lớn khác là Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát.

Trong liên danh này, ngoài 3 ông lớn đến từ Hàn Quốc, Tập đoàn Anh Phát là doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn tại Thanh Hóa với ngành nghệ chính là nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, đơn vị này cũng là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ. Đồng thời, Anh Phát cũng là chủ đầu tư khu vực bến số 3, số 4 và số 5 cảng Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng.

Tiếp đến, tham gia với tư cách độc lập, Tập đoàn năng lượng Gulf đến từ Thái Lan cũng cho thấy tham vọng của mình và năng lực của mình tại dự án này. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Tập đoàn này đã có nhiều tiếp xúc song phương để tìm hiểu lẫn nhau, xúc tiến đầu tư.

Theo tìm hiểu, bên cạnh theo đuổi dự án LNG tại Nghi Sơn, Tập đoàn năng lượng hàng đầu Thái Lan này cũng đã đánh tiếng mong muốn đầu tư nhà máy điện khí có quy mô đầu tư lên đến 5 tỷ USD tại tỉnh Nam Định.

Còn lại, tổ hợp nhà đầu tư SK E&S và liên danh PV Power - Tập đoàn T&T cũng cho thấy quyết tâm tại dự án này. Ngoài 2 đơn vị trong nước thì nhà đầu tư tới từ Hàn Quốc, công ty SK E&S cũng là một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng với các dự án kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Singapore và Indonesia cũng như kinh doanh gas đô thị ở Hong Kong (Trung Quốc).

SK E&S là công ty con của Tập đoàn SK do tỷ phú Chey Tae-won điều hành - một trong những tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc phát triển hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hóa chất, chất bán dẫn, viễn thông và công nghệ sinh học.

Tháng 6/2022, SK E&S mua lại 99,99% cổ phần của Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo mới số 1 (New Renewable Energy Joint Stock Company No.1), công ty con của Công ty TNHH Điện Gia Lai.

Sự kiện - Nhiều 'đại bàng' quan tâm dự án năng lượng trọng điểm 2,5 tỷ USD  (Hình 2).

Một góc Khu kinh tế Nghi Sơn.

Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn có quy mô xây dựng 1 nhà máy điện LNG có công suất 1.500MW; 1 bến cảng nhập khí LNG; đê chắn sóng dài khoảng 1 km và các công trình hạ tầng phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG gồm: Kho chứa LNG và trạm tái hóa khí trên bờ với quy mô 1 bồn chứa khoảng 230.000m3; 1 trạm tái hóa khí công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm, hạ tầng kỹ thuật cho kho chứa LNG và trạm tái hóa khí xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện LNG, công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm.

Diện tích thực hiện dự án dự kiến khoảng 68,2 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 58.026 tỷ đồng, tương đương khoảng gần 2,5 tỷ USD. Địa điểm dự án tại khu vực phía Nam cảng Nghi Sơn, thuộc xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án vận hành thương mại trước năm 2030.

Dự án Nhà máy điện khí Nghi Sơn đã được bổ sung trong Quy hoạch Điện VIII, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Cùng với Nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Nghi Sơn 2, dự án nhiệt điện LNG Nghi Sơn sẽ góp phần đưa Nghi Sơn thành trung tâm điện lực lớn nhất Bắc Trung Bộ.

Về quá trình thực hiện dự án, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho rằng đây là dự án năng lượng trọng điểm và cũng là dự án lớn thứ 3 của tỉnh Thanh Hóa sau dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn. Vì vậy, các vấn đề liên quan dự án cần được tiến hành một cách chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Công tác đấu thầu phải diễn ra một cách công bằng, công khai, minh bạch.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.