Thảo luận tại tổ chiều 14/11 về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hôn nhân gia đình, đại biểu Phạm Huy Hùng cho rằng nên cân nhắc lại điều kiện của người được nhờ mang thai hộ. Đó là người có quan hệ thân thích cùng hàng của vợ hoặc chồng, từng sinh con và chỉ được một lần mang thai hộ.
Theo đại biểu Hùng, điều này sẽ hạn chế rất nhiều chính sách nhân văn của Nhà nước với các cặp vợ chồng hiếm muộn. Nên mở rộng diện mang thai hộ cả người không có quan hệ thân thích, chẳng hạn trường hợp cả vợ và chồng đều là trẻ mồ côi hoặc người thân của họ chưa từng sinh con.
Ông Hùng cho rằng khoa học đã chứng minh giữa người mang thai hộ và bào thai có sự gắn kết tình cảm. Thực tế, nhiều trường hợp mang thai hộ nảy sinh tình cảm trong quá trình mang thai và chăm sóc trẻ nên không muốn trao lại trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. “Vì thế, dự thảo luật cần đưa ra chế tài xử phạt trong trường hợp các bên vi phạm các điều kiện của mang thai hộ", ông nói.
Đồng ý cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên theo đại biểu Phạm Huy Hùng nên cân nhắc lại điều kiện của người mang thai hộ. Ảnh: N.P.
Theo ông cần có cơ chế quản lý chặt chẽ về vấn đề này vì nhiều vụ mang thai hộ có mục đích thương mại vẫn diễn ra mà chưa có kiểm soát. Hơn nữa hiện người phụ nữ khi thực hiện chức năng sinh sản không có nghĩa vụ chứng minh đứa trẻ do mình sinh ra là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay con đẻ của mình.Đại biểu Ngọc Thanh thì bày tỏ quan ngại khi đánh giá "mang thai hộ là vấn rất phức tạp do hậu quả phát sinh khó lường". Chẳng hạn ảnh hưởng đến sức khỏe người mang thai hộ, trường hợp sinh con ra có dị tật, hoặc có rủi ro người mang thai hộ có thể chết. Vì thế, để tạo thuận tiện cho cả hai bên cần quy định chặt chẽ tiêu chuẩn của người mang thai hộ, tiêu chuẩn sức khỏe, đạo đức; nghĩa vụ của cá nhân, gia đình hai bên khi người nhờ mang thai không còn hoặc từ chối nhận con...
“Thực tế, một số cặp chồng không thể mang thai và sinh con do có điều kiện sức khỏe như người mẹ có bất thường về tử cung, buồng trứng hoặc mắc các bệnh lý không thể mang thai, một số đã làm thụ tinh nhân đạo nhiều lần nhưng thất bại. Mong muốn có con là nhu cầu chính đáng và cần quan tâm, vì thế tôi ủng hộ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn”, đại biểu Ngọc Thanh nói.
Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi. Ảnh: N.P.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi cho rằng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ có nhiều vấn đề liên quan phức tạp phát sinh. Để tránh lạm dụng thương mại hóa cần nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn đối với điều kiện người mang thai hộ, người nhờ và quyền của các bên. Thực tế, đã có trường hợp sau khi sinh con người mang thai hộ không giao trẻ, hoặc sinh con ra khuyết tật, người nhờ không nhận hay sinh đôi, sinh ba nhưng người nhờ chỉ nhận một.
Theo Nam Phương (Vnexpress.vn)