Sốc với ngôn từ của "ông nghị"
Vài ngày qua, dư luận cả nước bất ngờ về lối hành văn, lời lẽ của ông Hoàng Hữu Phước trong bài viết "Dương Trung Quốc và bốn điều sai năm cũ (Tứ Đại Ngu)". Trong bài viết đăng trên trang muontion, ông Hoàng Hữu Phước đã không ngừng chỉ trích ĐBQH Dương Trung Quốc về những ý kiến tại các cuộc họp thường niên của Quốc hội năm 2012.
Điều gây phản ứng cho nhiều người không phải những tranh luận trái chiều giữa ĐB Hoàng Hữu Phước với ĐB Dương Trung Quốc mà chính là lối hành văn dung tục. Báo Nguoiduatin.vn xin trích những đoạn trong bài viết để bạn đọc cảm nhận thông điệp mà ông Phước gửi vào trong bài viết này. Theo lời của bài viết "Tứ Đại Ngu": "Trong bối cảnh tình hình phức tạp ở biển Đông và đất nước còn bao nỗi lo toan khác thì những phát biểu về "đĩ - biểu tình - đa đảng - văn hóa từ chức" của "nhà sử học Dương Trung Quốc tại nghị trường lại càng trở thành một mớ hỗn độn và hỗn loạn. Lẽ ra Dương Trung Quốc nên ngậm miệng lại...".
Không chỉ dừng ở mức chỉ trích gay gắt, gần như ông Phước còn muốn thông qua bài viết này để phản biện lại ý kiến mà ông Dương Trung Quốc từng phát biểu trước Quốc hội. "Dương Trung Quốc hoàn toàn không biết rằng mại dâm bao gồm đĩ cái, đĩ đực, đĩ đồng tính nữ, đĩ đồng tính nam và đĩ ấu nhi. Dương Trung Quốc hoàn toàn không biết rằng khi "công nhận" cái "nghề đĩ" để "quản lý" và "thu thuế" thì phát sinh... nhu cầu phải có trường đào tạo nghề đĩ thuộc các hệ phổ thông đĩ, cao đẳng đĩ, đại học đĩ; có các giáo viên và giáo sư phân khoa đĩ; có tuyển sinh hàng năm trên toàn quốc cho phân khoa đĩ; có chương trình thực tập cho các "môn sinh" khoa đĩ; có trình luận văn tốt nghiệp đĩ trước hội đồng giảng dạy đĩ; có danh sách những người mua dâm để tuyên dương vì có công tăng thu nhập thuế giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp đĩ...".
Hai ông nghị liên quan đến vụ việc.
Đỉnh điểm của bài viết chính là đoạn ông Hoàng Hữu Phước tự cho mình sánh ngang với những học giả lớn và cái quyền tự do phán xét về ông Dương Trung Quốc: "Lăng Tần (đại biểu Hoàng Hữu Phước tự xưng) tôi đây theo sách thánh nhân xin góp một đường chổi quét, vừa thử nêu bật phân tích Dương Trung Quốc như một tấm gương cho giới trẻ xem qua điều dở, nghiệm lấy điều ghê, vừa thử xem đối tượng được phân tích này có nhờ vậy học được đôi điều để cải hóa mà bớt xấu đi chăng"...
Khi đọc bài viết này, nhiều người thực sự sốc, bởi những ngôn từ mà ĐB Phước dùng. Xét trên khía cạnh tư cách một ĐBQH, một người từng được công chúng mến mộ nhờ vẻ ngoài trí tuệ mà viết lên những dòng này khiến dư luận sửng sốt. Khi được hỏi về những bàn luận của mình liên quan đến nội dung và ngôn từ của bài viết "Tứ Đại Ngu" nhiều ĐBQH đã không giấu được sự bức xúc. Họ đồng loạt lên án ngôn từ mà ĐB Phước dùng trong bài viết này.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, ĐBQH Khoá XI, XII, có thể nói ĐBQH Hoàng Hữu Phước đã hành xử một cách lỗ mãng, không phù hợp với chuẩn mực giao tiếp thông thường chứ chưa nói đến văn hóa nghị trường. Một người mắng người khác là ngu, đại ngu thì chỉ có thể gặp ở ngoài đường. Còn một ĐBQH dùng blog cá nhân để phỉ báng một ĐB khác là sự kiện chưa từng có ở nước ta. Đặc biệt, khi nói đến vấn đề mại dâm, ĐB Hoàng Hữu Phước đã dùng quá nhiều câu chữ phản cảm, "chợ búa". Mặc dù đã biết ít nhiều về cách suy nghĩ, nói năng khác thường của ông Phước nhưng tôi cũng thấy thật khó lý giải tại sao vị ĐB này lại dùng lời lẽ như vậy".
Vị GS này khẳng định: "Chỉ những người kém văn hóa mới dùng những lời lẽ nặng nề để phỉ báng nhau. Người có cách hành xử văn hóa thì phải dùng lý lẽ để trao đổi với nhau nếu không đi đến được quan điểm chung. "Theo tôi, một khi đã trở thành ĐBQH tức là một nhà hoạt động chính trị thì từ công việc đến lời ăn tiếng nói, cuộc sống riêng tư phải hết sức giữ gìn. Thậm chí, khi đã thôi làm ĐB rồi vẫn phải giữ gìn tiếng nói".
Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời PV, ông Nguyễn Quốc Thước, nguyên ĐBQH khoá VII, IX, X cho rằng, về nguyên tắc, một vị ĐBQH phát ngôn như vậy là hồ đồ. Bởi người được dân bầu thì tiếng nói của người đó phải có trọng lượng. Việc nói hồ đồ, thiếu văn hoá đã là hành động đáng lên án chứ chưa nói đến động cơ và mục đích. Điều này vi phạm tư cách của đại biểu một cách nghiêm trọng. ĐBQH là người đại diện cho dân. Chính vì thế, họ phải là một hình mẫu về cách ứng xử văn hoá.
Đồng quan điểm với ĐBQH Nguyễn Quốc Thước, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên ĐBQH khoá X khẳng định với ĐS&PL: Việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận và phương tiện Internet để chỉ trích một người đã là hành động vi phạm đạo đức. Đằng này, bản thân ông Phước lại chỉ trích một vị ĐBQH khác rõ ràng là vi phạm đạo đức và ý thức tôn trọng người khác. Bản thân tôi thấy rằng, nếu đại biểu Phước có những quan điểm ngược lại với ông Dương Trung Quốc thì nên phát biểu thẳng thắn tại nghị trường, hoặc thông qua báo chí để đưa quan điểm của mình. Xét khía cạnh đạo đức rõ ràng ông Phước đã vi phạm nguyên tắc tối thiểu.
Xin lỗi liệu đã đủ?
Rõ ràng hành động của ông Hoàng Hữu Phước đã không được sự đồng tình của dư luận. Thậm chí xung quanh vấn đề này nhiều ý kiến còn cho rằng cần có một biện pháp xử lý mạnh đối với cá nhân ông Phước. GS. Nguyễn Minh Thuyết, đưa ra ý kiến, khi "viết bài "Tứ Đại Ngu", ông Phước hình như quên rằng điều 46 Luật Tổ chức Quốc hội quy định người ĐBQH phải gương mẫu trong việc chấp hành hiến pháp và pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng". Ông Thuyết nhấn mạnh rằng, thông tin ĐB Hoàng Hữu Phước xin lỗi ĐB Dương Trung Quốc được đăng tải trên báo chí không thoả đáng. "Tôi lấy làm thất vọng khi đọc lời nhận lỗi này trên báo chí", GS.Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn.
Phân tích về việc làm của ông Phước, GS. Thuyết còn đưa ra quan điểm, trong trường hợp này nếu không cẩn thận, ĐB Phước còn vi phạm cả quy định của Bộ luật Hình sự khi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Bởi Điều 121 Bộ Luật hình sự quy định rõ về tội "làm nhục người khác". Thậm chí vị GS này còn cho rằng, "ông Phước phỉ báng ông Dương Trung Quốc dựa trên những phát biểu của ông Quốc tại QH. Bởi lúc đó, ông Dương Trung Quốc không phát biểu với tư cách một công dân bình thường mà với tư cách một người đang thi hành công vụ. Xúc phạm nhân phẩm người đang thi hành công vụ là tình tiết tăng nặng".
Cũng bàn về vấn đề liệu có nên bãi nhiệm vai trò ĐBQH của ĐB Hoàng Hữu Phước hay không, ĐB Nguyễn Quốc Thước cho rằng, việc ông Phước xin lỗi ông Dương Trung Quốc là đáng hoan nghênh nhưng chưa đủ. Bởi với nội dung và ngôn từ chợ búa dùng trong bài viết "Tứ Đại Ngu" cần phải xem xét lại tư cách đại biểu quốc hội của ông Phước. Đồng quan điểm với ông Thước, ĐBQH Nguyễn Thị Hoài Thu cũng khẳng định: “Nếu dựa vào luật tôi cho rằng khó có thể để xử lý được ông Hoàng Hữu Phước. Tuy nhiên nếu dư luận lên án mạnh thì cần phải xem xét lại”.
Nên để cho hai đại biểu tự giải quyết Xung quanh vấn đề này, chủ nhiệm UBVHGD Thanh Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, ông Đào Trọng Thi cho rằng, việc các đại biểu Quốc hội tranh luận về một vấn đề của đất nước là việc bình thường. Nhưng việc dùng ngôn ngữ chợ búa để công kích nhau là việc sai trái, không nên. Thông thường, việc tranh luận phải tôn trọng đối với người ngồi đối diện. Nhưng đằng này, ĐB Phước đã dùng ngôn từ thoá mạ người khác là rất khó để chấp nhận. "Cá nhân tôi không đồng tình với cách làm của ĐB Hoàng Hữu Phước. Tuy nhiên, việc này nên để ĐB Dương Trung Quốc và ĐB Hoàng Hữu Phước tự giải quyết. |
Trinh Phúc - Quốc Triều