Ngày 17/10, Bộ Công an thông tin, đơn vị này đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo đó, Dự thảo yêu cầu đối với cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ phải thực hiện đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ; pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, phải có tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định…
Lực lượng CSGT được quyền ra hiệu dừng phương tiện trên đường để kiểm soát trong 4 trường hợp
Trong tuần tra, kiểm soát, Dự thảo quy định Cảnh sát giao thông có quyền được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong 4 trường hợp sau:
Thứ nhất, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thứ hai, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba, có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Thứ tư, tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trong 4 tình huống trên, Cảnh sát giao thông được kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
Việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;
Khi dừng, kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông, phải bảo đảm yêu cầu trên và phải đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chiều dài đoạn rào chắn tối thiểu 100m đối với đường cao tốc, 50m đối với quốc lộ và 30m đối với đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường chuyên dùng.
Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý phương tiện giao thông vi phạm; căn cứ tình hình thực tế tại khu vực kiểm soát, có thể bố trí Cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm an toàn giao thông. Trường hợp kiểm soát trên đường cao tốc, quốc lộ phải đặt biển báo số 245a “Đi chậm” hoặc biển báo số 245b (đối với tuyến đường đối ngoại) về phía trước Tổ Cảnh sát giao thông theo hướng phương tiện giao thông cần kiểm soát đi tới theo quy định của pháp luật báo hiệu đường bộ.
Khi dừng, kiểm soát phương tiện giao thông trên đường cao tốc, phải bảo đảm yêu cầu quy định trên và khi kiểm soát tại một điểm chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm tại các vị trí: Khu vực Trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc.
Khi tuần tra, kiểm soát cơ động chỉ được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp: Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời; phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc; phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc. Khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.
Cùng với đó, được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật; được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Cảnh sát giao thông vẫn được mặc thường phục khi bắn tốc độ
Cũng theo dự thảo Thông tư, Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang.
Trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận Cảnh sát giao thông mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
Cảnh sát giao thông không bắt buộc phải cảm ơn sau khi kiểm soát giao thông
Khác với Thông tư 65/2020/TT-BCA đang được áp dụng, ở dự thảo này, Bộ Công an đề xuất một số thay đổi quy trình kiểm soát người và phương tiện giao thông.
Theo đó, sau khi thông báo và đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống phương tiện và xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định, Cảnh sát giao thông thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát).
So với Thông tư 65/2020/TT-BCA trước đây, thì quy định của dự thảo đã lược bỏ phần yêu cầu Cảnh sát giao thông phải thực hiện chào bằng lời nói: "Chào ông, bà, anh, chị… Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông".
Dự thảo Thông tư cũng quy định, sau khi kiểm soát xong, cán bộ Cảnh sát giao thông báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có), biện pháp xử lý.
Đây cũng là điểm khác Thông tư 65/2020/TT-BCA bởi Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định, khi kiểm soát giao thông xong, Cảnh sát giao thông phải nói thêm: "Cảm ơn ông, bà, anh, chị,… đã hợp tác với lực lượng Cảnh sát giao thông để bảo đảm trật tự ATGT".
Tăng thời gian trình tự xử phạt nguội
Theo dự thảo Thông tư, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện (Thông tư 65/2020/TT-BCA là 5 ngày)
Quá thời hạn 20 ngày (Thông tư 65/2020/TT-BCA là 15 ngày) kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc hoặc cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm chưa nhận được thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ việc của công an cấp xã, công an cấp huyện thì vi phạm sẽ được cập nhật lên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và gửi cho cơ quan đăng kiểm.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Cụ thể, người có thẩm quyền xử phạt gửi thông tin xử phạt lên Cổng dịch vụ công; Cổng dịch vụ công tự động thông báo cho người vi phạm tra cứu thông tin Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua số điện thoại người vi phạm đã đăng ký với cơ quan Công an tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Người vi phạm truy cập vào Cổng dịch vụ công thông qua số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được thông báo hoặc số biên bản vi phạm hành chính để tra cứu thông tin Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký nhận lại giấy tờ bị tạm giữ qua dịch vụ bưu chính công ích.
Người có thẩm quyền xử phạt tra cứu Biên lai điện tử thu tiền xử phạt vi phạm hành chính được hệ thống Cổng dịch vụ công gửi về để in, lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và làm căn cứ trả lại giấy tờ bị tạm giữ. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trả lại giấy tờ bị tạm giữ, hết thời hạn tước cho người vi phạm qua dịch vụ bưu chính công ích.
Ba tháng gần 800.000 trường hợp vi phạm giao thông bị xử phạt
Ngày 14/10, Cục CSGT cho biết, sau 3 tháng thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông (từ ngày 20/6 - 20/9/2022), lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 800.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 1.400 tỷ đồng, tai nạn giao thông đã giảm rõ rệt trên cả 3 tiêu chí.
Theo đó, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 788.607 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền gần 1.400 tỷ đồng, tước Giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 134.064 trường hợp; tạm giữ 189.045 phương tiện các loại. Trong đó: Đường bộ: Xử lý 773.467 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 1.300 tỷ đồng; tước 133.872 Giấy phép lái xe; tạm giữ 189.010 phương tiện các loại. Đường thủy: Xử lý 15.140 trường hợp, phạt tiền gần 30 tỷ đồng; tạm giữ 35 phương tiện; tước bằng, chứng chỉ chuyên môn 192 trường hợp.
Đáng chú ý, lực lượng CSGT đã tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn với 110.774 trường hợp, phạt tiền hơn 500 tỷ đồng; tạm giữ 110.774 phương tiện; tước Giấy phép lái xe 69.358 trường hợp. Một số Công an địa phương có kết quả xử lý cao như: Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế…
Đối với phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 47.224 trường hợp; phạt tiền hơn 260 tỷ đồng; tạm giữ 1.164 phương tiện; tước Giấy phép lái xe 24.483 trường hợp. Yêu cầu tháo, cắt thùng xe: 8.094 trường hợp; hạ tải: 15.377 trường hợp… Một số Công an địa phương có kết quả xử lý cao như: Thanh Hóa, Hà Nội, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh...
Tuệ Minh