Khi được hỏi về dự án Xây ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho PV báo Người Đưa Tin biết: “Bản thân tôi hoàn toàn đồng ý với dự án Xây ga tàu điện ngầm gần Hồ Gươm. Bởi, trên thế giới cũng từng có những nước đồng ý xây ga tàu điện ngầm gần di sản. Cụ thể như ở gần bảo tàng Louvre, hay gần nhà hát Opéra Garnier (Pháp) đều có ga đi xuống tàu điện ngầm.
Hồ Gươm là di sản đặc biệt, nhưng ga tàu điện ngầm ấy lại ở dưới đất, cửa đi xuống ga cũng rất hẹp, không tốn quá nhiều diện tích. Mục đích của tàu điện ngầm là đón được khách đông nhất, thì đó là hiệu quả giao thông mà không ảnh hưởng đến di sản”.
"Bản thân tôi trước đây rất phản đối việc xây ga tàu điện ngầm gần di sản, nhưng sau vài lần sang nước ngoài như Đức, Praha và một số nước châu Âu thì mới thấy, họ làm rất tốt và vẫn bảo vệ được di sản. Về mặt giao thông, chở được một lượng lớn người dân ra vào trung tâm, về mặt di sản, không phá vỡ di sản, không bóp méo di sản là được.
Ở Việt Nam, cứ có một dự án gì mới gần Hồ Gươm là rất nhiều người lên tiếng phản đối do nhận thức chưa đúng về di sản. Vì sao vậy? Cũng là vì, trước đây, Hà Nội đã phá nát quá nhiều di tích lịch sử, cho nên họ sợ Hồ Gươm bị “băm nát” và họ phản ứng thôi. Đó là tâm lý bình thường" - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến thẳng thắn.
Khi được hỏi về dự án lát đá vỉa hè thời gian qua cũng gây nên nhiều ý kiến trái chiều, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho hay: “Trong nhiều năm qua, vỉa hè Hà Nội đang bị “chắp vá” vô lối. Tức là, vỉa vè cao bao nhiêu thì nhà dân thấp bấy nhiêu, hoặc đường đang phẳng lại bị hạ thấp để người dân đi lại. Vì thế, vỉa hè Hà Nội nhiều năm trở lại đây rất không ổn về mặt mỹ thuật, kiến trúc.
Trước đây, Hà Nội đã từng có dự án lát đá vỉa hè rồi. Loại đá từng lát có điểm rất phi khoa học vì họ cho xi măng vào các khe đá hở. Điều này khiến cho mưa xuống thì nước chảy hết bên trên, không ngấm được xuống dưới. Do đó, lượng nước ngầm của thành phố ngày càng giảm.
Ở Berlin (Đức) người ta tính toán đến cả việc ở một căn nhà, một ngõ phố, diện tích được lát đá là bao nhiêu, còn lại để khoảng không giữ nước mưa. Còn ở Việt Nam, chỗ nào cũng đá, chỗ nào cũng bê tông thì nước mưa ngấm xuống không còn".
"Ở Hồ Gươm, nếu cứ lát đá xong cho rằng, đó là vật liệu bền và tốt là chưa phù hợp. Hồ Gươm giờ không còn “màu thời gian” nữa, vì "bị" lát chằng chịt các loại đá khác nhau. Nếu cứ lát loại đá “choang choang” như đá granite có nguồn gốc Bình Định sắp tới liệu có ăn nhập hay không?
Nếu muốn lát mới, tại sao không lát bằng gạch nung giả cổ của Bát Tràng? Nó sẽ rất hợp với kiến trúc lịch sử Hồ Gươm, có sức bền vật liệu và khi lát không nên chèn xi măng vào giữa gạch thì khi mưa, nước vẫn chảy xuống dưới được, như thế có phải là rất ổn không?" - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến bộc bạch.