Từ ngày 5-9/3/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm chính thức Australia. Điểm nổi bật nhất của chuyến thăm là việc Thủ tướng hai nước đã công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện là tiền đề quan trọng nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai quốc gia đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Trong đó, vùng lãnh thổ phía Bắc Australia - bang có diện tích đứng thứ 3 và là cửa ngõ giao thương gần nhất của Liên bang Australia với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN, nơi có rất nhiều tiềm năng phát triển, thế mạnh, cũng như sự tương đồng và tính bổ trợ rất tốt với Việt Nam, nhưng chưa được hai phía đánh giá đúng mực và khai thác đúng tầm.
Nỗ lực mở rộng hợp tác đầu tư
Chia sẻ tại hội thảo “Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc” sáng 28/3, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) chia sẻ, đầu năm 2022, lãnh đạo VAFIE đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng để kiến nghị về đưa quan hệ Việt Nam - Bắc Australia vào Kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước; được Bộ trưởng đồng tình và đã đưa vào Chiến lược hành động chung.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, đến nay Việt Nam có 1.720 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,12 tỷ USD sang 80 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Riêng đầu tư của Việt Nam sang Australia, ông Chung nhấn mạnh tiềm năng rất lớn với 94 dự án hiện hữu với tổng vốn đăng ký 584,23 triệu USD, đứng thứ 11/80 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
Ông Chung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hợp tác chặt chẽ với đối tác Australia để triển khai chiến lược tăng trưởng hợp tác kinh tế, thường xuyên có các hợp động phối hợp thúc đẩy đầu tư giữa 2 nước. Bộ đã lập sáng kiến doanh nghiệp tiên phong, phối hợp Bộ Thương mại Australia chọn ra doanh nghiệp tiên phong trong hợp tác đầu tư giữa 2 nước (gồm 10 doanh nghiệp Việt và 10 doanh nghiệp Australia).
“Hiện rất nhiều cơ quan, Chính phủ cũng như các chính quyền địa phương Australia muốn tiếp nhận đầu tư từ Việt Nam, đặc biệt là Bắc Australia”, ông Chung nói.
Về quy trình thủ tục đầu tư ra nước ngoài, ông Chung cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần trình Quốc hội thay đổi phương thức để phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Song, trong bối cảnh đất nước đang phát triển, cần giữ nguồn lực đầu tư trong nước nên quy trình đầu tư ra nước ngoài vẫn cần chặt chẽ.
Nhìn chung, Việt Nam mở đầu tư ra nước ngoài cho hầu hết ngành nghề, trừ 6 ngành nghề cấm và 4 ngành nghề hạn chế đầu tư.
Cũng theo ông Chung, đầu tư ra nước ngoài còn chịu ảnh hưởng của quy định ngoại hối như Thông tư 12 ngày 29/6/2016 và Thông tư 36 ngày 25/12/2018. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Luật Đầu tư 2020 có quy định mở hơn cho vấn đề ngoại hối.
“Trước đây doanh nghiệp không được phép chuyển tiền trước khi được cấp giấy chứng nhận, hiện nay đã được phép chuyển một phần tiền tối đa 300.000 USD và không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư”, ông Chung nói.
Ông Chung lưu ý sự hợp tác, gắn kết giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp rất quan trọng, doanh nghiệp cần liên hệ thường xuyên với cơ quan Nhà nước trong nước cũng như ở nước ngoài để được hỗ trợ.
Lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư
Là người có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Australia, ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Australia (NTVBC) khẳng định, phía Bắc Australia là lãnh thổ đầy tiềm năng cho hoạt động đầu tư.
“Bắc Australia rất giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản, di sản văn hóa người bản địa, nhiều khu bảo tồn nhiên hùng vĩ… GDP trên đầu người của Bắc Australia thuộc hàng cao nhất Australia. Bắc Australia có diện tích gấp 4 lần Việt Nam nhưng dân số chỉ vào khoảng 1/4 triệu người”, ông Mỹ chia sẻ.
Ông chia sẻ, từ năm 2014, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Australia, ông đã thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa Việt Nam và Bắc Australia, đóng vai trò là cầu nối tổ chức nhiều đoàn cho nhiều cơ quan từ Trung ương, cho đến các tỉnh thành của Việt Nam và các doanh nghiệp đến tham quan, nghiên cứu môi trường và cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường này.
Đề xuất một số các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Bắc Australia trong năm 2024, ông Mỹ nhấn mạnh đến lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo nghề, thịt đỏ (trâu, bò, lạc đà, cừu, kangaroo…) hợp tác với Tập đoàn CAG của Australia; Trung tâm trưng bày và phân phối sản phẩm Việt Nam tại Darwin như: Vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng thực phẩm đóng gói; thủ công mỹ nghệ; Du lịch đánh golf, săn bắn, câu cá, đua ngựa; Logistics, hợp tác với Vietjet mở đường bay thẳng Việt Nam - Darwin; hoặc thuê bao nguyên chiếc, 20 chuyến bay khứ hồi Việt Nam - Darwin, mỗi tuần một chuyến.
Đối với điện mặt trời, ông Mỹ cho biết doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp vật tư, nguyên liệu, thi công lắp đặt solar farm (trang trại điện mặt trời) tại Bắc Australia.
“Với mục tiêu net zero vào năm 2050, Bắc Australia đã và đang triển khai rất nhiều dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Một trong những dự án mang tầm châu lục là dự án Australia Asia Power Link (AAPL), với tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD, tạo 1.500 việc làm trực tiếp”, ông Mỹ thông tin.
Cũng tại hội thảo, ông Johnnie Dichiera đến từ Central Agri Group chia sẻ, Việt Nam là thị trường cực kỳ quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này và doanh nghiệp cũng đang tìm đối tác liên doanh phù hợp tại Việt Nam.
“Một đối tác liên doanh có thể gia tăng giá trị đáng kể cho hoạt động kinh doanh chính của chúng tôi. Theo đó, liên doanh này có thể đầu tư vào ngành chế biến thịt không chỉ ở Việt Nam mà còn có khả năng đầu tư vào Úc và phát triển mạnh mẽ hơn nữa chuỗi cung ứng”, ông Johnnie Dichiera chia sẻ.