Theo ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hội đồng chấm thi tỉnh đã hoàn thành công tác chấm thi cả bài thi trắc nghiệm và bài thi tự luận từ ngày 7/7. Năm nay, đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh chủ trì chấm trắc nghiệm, chấm theo đúng quy trình, đảm bảo độc lập giữa các ban chấm thi.
Trong quá trình chấm thi, hội đồng chấm thi không phát hiện trường hợp bài thi đặc biệt nào.
Toàn tỉnh có 11.283 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, thí sinh chỉ thi tốt nghiệp là 2.503 em, vừa thi tốt nghiệp vừa xét tuyển là 8.446 em và 334 em thi để xét tuyển. Như vậy, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi năm nay với mục đích tốt nghiệp THPT chiếm số lượng áp đảo.
Theo thông tin từ sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, ngày 8/7, hội đồng chấm thi đã hoàn tất công tác chấm thi tự luận môn Ngữ văn thi THPT Quốc gia 2019 và hồi phách.
Theo thống kê ban đầu, trong 10.722 bài thi Ngữ Văn chỉ có duy nhất một bài thi được điểm 9, đã được chấm thẩm tra và được hội đồng chấm thi công nhận mức điểm này.
Trong khi đó, số điểm trên 8 có 60 bài thi, đạt 0,56%; số bài thi có mức điểm từ 5 trở lên chiếm hơn 80%. Phổ điểm trung bình của môn thi Ngữ văn tại hội đồng thi tỉnh Bình Thuận ở mức 5-6 điểm.
Bình Thuận bắt đầu chấm thi từ chiều ngày 27/6, sau hơn 10 ngày làm việc, ban chấm thi tự luận với 99 giáo viên tham gia được phân công thành 3 tổ chấm và đảm bảo 2 vòng độc lập, đã hoàn thành công tác chấm thi. Tổ chấm kiểm tra có 9 giáo viên và cũng bố trí chấm 2 vòng độc lập.
Năm nay, trường đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh chủ trì chấm trắc nghiệm với đội ngũ được bố trí 14 người, thực hiện bám sát tiến độ để phục vụ công bố điểm theo quy định của bộ GD&ĐT.
Hội đồng chấm thi tỉnh Phú Thọ cũng đã chấm xong bài thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 từ ngày 8/7. Năm nay, Phú Thọ có 13.676 thí sinh dự thi.
Theo kết quả chấm thi, Phú Thọ có một thí sinh đạt 9,25 và 2 thí sinh đạt 9 điểm môn Ngữ văn. Phổ điểm môn Ngữ văn của thí sinh trên địa bàn tỉnh rơi vào khoảng 6 điểm.
Tại hội đồng chấm thi tỉnh Đồng Nai, ban chấm tự luận đã chấm xong 27.000 bài thi môn Ngữ văn với đội ngũ 120 giáo viên. Theo thống kê ban đầu, có 3 bài thi môn Ngữ văn đạt điểm 9, không có điểm 10.
Năm 2019, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 27.700 thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia với 60 điểm thi. Trong đó, hơn 22.800 thí sinh là học sinh THPT, gần 3.900 em là thí sinh giáo dục thường xuyên và hơn 960 thí sinh tự do. Gần 19.000 thí sinh thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo thông tin từ sở GD&ĐT Hà Nội, hội đồng chấm thi đã hoàn tất công tác chấm các bài thi tự luận và trắc nghiệm và công tác lên điểm chấm thi THPT Quốc gia 2019.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai công tác chấm thi từ rất sớm, huy động gần 500 giáo viên thực hiện nhiệm vụ chấm thi tự luận với số lượng bài thi lớn nhất cả nước của hơn 74.000 thí sinh. Trong số các giáo viên chấm thi tự luận, phải huy động thêm 27 giảng viên đến từ đại học Quốc gia Hà Nội.
Đến hết ngày 7/7, ban chấm thi tự luận đã chấm xong các bài thi môn Ngữ văn; từ ngày 8-10/7, hội đồng chấm thi đã hoàn thành công tác lên điểm chấm thi.
Cũng trong ngày 8/7, đại học Quốc gia Hà Nội đã hoàn tất công tác chấm thi trắc nghiệm của toàn thành phố. Trong đó, có hơn 74.000 bài thi môn Toán, hơn 65.000 bài thi môn Ngoại ngữ, hơn 27.000 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và hơn 53.000 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội.
Về công tác chấm các bài thi trắc nghiệm năm nay, đại học Quốc gia Hà Nội đã bố trí 12 máy chấm và 70 cán bộ bao gồm cả người chấm và lực lượng an ninh, phục vụ để thực hiện công tác chấm thi này.
Công tác chấm thi trắc nghiệm được thực hiện theo quy trình 5 bước: nhận bài thi từ hội đồng thi; quét phiếu trả lời trắc nghiệm; nhận dạng ảnh quét; sửa lỗi kỹ thuật của phần mềm (nếu có); chấm điểm.
Theo quy định, việc quét bài thi trắc nghiệm sẽ quét theo từng túi bài thi của từng phòng, quét xong túi bài thi của phòng nào sẽ kiểm đếm niêm phong, sau đó mới quét tiếp các túi bài thi của phòng khác.
Về phần mềm chấm thi, thực hiện mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi bằng công nghệ cao để bảo đảm tính bảo mật cao, khó có thể can thiệp vào bài thi trong quá trình chấm. Phần mềm sẽ tiến hành ghi phách điện tử bài trả lời trắc nghiệm của thí sinh, bảo đảm không có mối liên hệ giữa thông tin cá nhân với kết quả bài làm.
Phần mềm chấm thi cũng lưu toàn bộ hoạt động và chỉ những người có trách nhiệm mới có thể mở, đọc được thông tin trên đó đảm bảo mọi can thiệp vào phần mềm đều được kiểm soát và xử lý.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, hội đồng chấm thi vẫn đang bám sát tiến độ cố gắng hoàn tất công tác chấm thi trước thời hạn, ban chấm thi trắc nghiệm đã hoàn tất, bàn giao kết quả, còn ban chấm thi tự luận bắt đầu chấm từ ngày 2/7 đến thời điểm này vẫn đang trong quá trình thực hiện.
Trong quá trình chấm, cả hai ban chấm thi đều chưa phát hiện bài thi bất thường hay trường hợp nào đặc biệt.
Năm nay, tỉnh Sóc Trăng có 8.761 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó giáo dục phổ thông là 8.466 thí sinh, giáo dục thường xuyên 295 thí sinh. Số lượng phòng thi là 374 phòng, với 748 cán bộ coi thi, 94 cán bộ giám sát thi, 100 trưởng điểm, phó trưởng điểm và thư ký các điểm thi.