Trong báo cáo kiểm toán gửi đến Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công.
Kết quả kiểm toán cho thấy một số bộ, cơ quan Trung ương chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp về nhà, đất kéo dài qua các năm; chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định. Theo báo cáo này, việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa dứt điểm và hiệu quả sử dụng tài sản nhà, đất chưa cao.
Trong sử dụng xe công, một số bộ, ngành có số xe vượt định mức so với quy định, chưa rà soát, sắp xếp lại xe ôtô theo quy định; chưa làm thủ tục thanh lý đối với những xe đủ điều kiện thanh lý. Một số tài sản mua sắm chưa đưa vào sử dụng gây lãng phí.
Không riêng các bộ, ngành, tại các địa phương tình trạng xe công vượt định mức, tiêu chuẩn cũng diễn ra.
Trong số các địa phương được Kiểm toán Nhà nước "điểm danh", tỉnh Thừa Thiên Huế vượt 125 xe, Tây Ninh 66 xe, Thanh Hoá 12 xe, Quảng Ninh 27 xe, Hà Tĩnh 3 xe...
Ngoài ra, Thái Bình, sử dụng 4 ôtô biển số 80 chưa phù hợp quy định về đăng ký xe của Bộ Công an.
Theo Nghị định 63/2019 về mức phạt hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, trường hợp sử dụng xe công vào mục đích cá nhân hoặc cho công tác nhưng với các chức danh không có tiêu chuẩn mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt... sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích.
Ngoài ra, theo cơ quan kiểm toán, một số bộ, cơ quan trung ương chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp về nhà, đất kéo dài qua các năm, trong đó có hai Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM. Nhiều trường Đại học cũng chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Đáng lưu ý, nhiều Bộ có trụ sở tại những khu đất vàng còn thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định; không ít trụ sở thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa dứt điểm; hiệu quả sử dụng tài sản nhà, đất chưa cao.
Kiểm toán cũng chỉ rõ một số đơn vị sự nghiệp cho thuê tài sản nhưng chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định, hoặc có địa phương chưa kịp thời triển khai việc lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê của các đơn vị sự nghiệp.
Ngoài ra, công tác quản lý đất đai còn tồn tại như giao đất không đúng đối tượng hoặc giao đất khi đã có ý kiến chỉ đạo tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án.
Điển hình, tỉnh Hưng Yên giao đất cho Công ty CP ĐTPT Lạc Hồng Phúc để thực hiện dự án khu nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại Lạc Hồng - Phố Nối không đúng đối tượng là chủ đầu tư dự án; giao hơn 7.000 m2 đất cho Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Hưng Hải để thực hiện dự án BT sau khi đã có ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án.
Tình trạng giao đất không thông qua đấu thầu cũng được Kiểm toán Nhà nước đề cập với dẫn chứng là Quảng Ngãi đã giao 10 khu đất không thông qua đấu thầu.
Kiểm toán Nhà nước cũng nhận định còn trình trạng giao đất rừng sản xuất không thu tiền thuê đất, quản lý chưa chặt chẽ, chưa xử lý quyết liệt, kịp thời vi phạm về đất đai.
Như tại tỉnh Ninh Bình, đến thời điểm kiểm toán còn tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất do Nhà nước quản lý, sử dụng sai mục đích, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong phạm vi Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An với tổng diện tích 7.187 m2.
Hoàng Mai (tổng hợp)