Nhiều địa phương muốn trong sạch địa bàn, có nghiện là đưa vào trại

Nhiều địa phương muốn trong sạch địa bàn, có nghiện là đưa vào trại

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 3, 18/04/2017 18:26

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nêu nhiều nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề học viên cai nghiện trốn trại "nóng" dư luận thời gian qua.

Sáng 18/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn ĐBQH tại Phiên họp thứ 9, ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều Bộ trưởng, đại diện các cơ quan, ban, ngành cùng tham gia giải trình những vấn đề liên quan.

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) chất vấn về giáo dục nghề nghiệp nêu rõ tình trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp và xin Bộ trưởng cho biết giải pháp cơ bản. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thẳng thắn nêu nhiều thực trạng và nhấn mạnh: “Một trong những nguyên nhân là do chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp, nhà trường với người lao động”. Đồng thời, Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp mang tính căn cơ.

Xã hội - Nhiều địa phương muốn trong sạch địa bàn, có nghiện là đưa vào trại

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của ĐBQH sáng 18/4.

Liên quan đến việc học viên cai nghiện liên tục bỏ trốn khỏi trại cai nghiện thời gian qua, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Trang (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, công tác phòng chống, cai nghiện ma túy là nhiệm vụ quan trọng, được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Thời gian qua, sau khi Chính phủ khóa mới được thành lập, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 2 cuộc họp liên quan đến vấn đề này, 2 Phó Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo các cuộc họp liên quan.

Bộ LĐTB&XH đã họp với 21 địa phương là những trọng điểm ma túy để giải quyết vấn đề. Thời gian qua, thống kê cả nước có khoảng 210.751 người nghiện ma túy, là số có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với năm 2015.

Ngoài ra, gần đây có hiện tượng ngoài heroin xuất hiện nhiều loại ma túy khác biệt, tính chất phức tạp mà nhiều nước trên thế giới cũng đang loay hoay. Ma túy có thể dẫn tới rối loạn tâm thần, ảo giác và có nhiều hành vi nghiêm trọng. Tổng kết của ngành công an cho thấy, 60% các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy rơi vào giới trẻ.

Về cơ sở cai nghiện ma túy, cả nước có khoảng 60.000 người nghiện đang được cai nghiện ở các cơ sở. Cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án là 17.488 học viên, tăng 12.641 người so với năm 2015. Trong đó có 10.422 học viên không có nơi cư trú ổn định, chiếm 59,5%; cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập có 3.576 học viên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu một số nguyên nhân dẫn đến việc học viên bỏ trốn khỏi trại cai nghiện: “Việc thực hiện ở một số nơi không đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, có hiện tượng nhiều địa phương vì trong sạch địa bàn đã tìm cách đưa các em tất cả các em cứ nghiện, sử dụng ma túy vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong khi lẽ ra phải phân biệt người sử dụng khác, người nghiện khác, người lạm dụng khác, thậm chí người có nơi cư trú khác với người không có nơi cư trú. Điều đó dẫn đến cơ sở cai nghiện bị quá tải. Ví dụ như ở Đồng Nai, cơ sở cai nghiện chỉ có thể đáp ứng từ 500-600 người nhưng hiện tại ở đây đưa tới hơn 1.447 người vào trong khi cơ sở vật chất hầu hết tận dụng từ thời chế độ cũ, điều kiện ăn ở không đảm bảo, dẫn tới sự bức bối cho các em”.

“Trong khi đó, theo quy định, nếu phá trại, phá cơ sở, chế tài xử lý không có gì ngoài việc cán bộ cơ sở có trách nhiệm tìm, vận động các em trở lại. Sau Đồng Nai đến việc học viên ở Vũng Tàu bỏ trốn, tôi có hỏi, các em nói rằng, nếu bị bắt lại thì tiếp tục ở trại thôi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu khó khăn.

Bộ trưởng phân tích thêm, về mặt pháp lý cũng vướng nhiều, đội ngũ cán bộ, cơ sở cai nghiện rất mỏng, rất khó khăn. Một gia đình phục vụ 1 người nghiện đã khó khăn. Nhưng thống kê hiện nay, bình quân 1 cán bộ phục vụ 10 học viên. Hơn nữa, việc tiếp nhận cán bộ cũng khó khăn. Ví dụ như Đồng Nai hiện cho tiếp nhận 20 cán bộ nhưng thời gian qua không tuyển dụng được. Với mức lương chỉ hơn 2 triệu đồng/1 tháng cho một cán bộ, trong khi bao nhiêu nguy hiểm rình rập.

Thời gian cai nghiện ma túy theo quy định là 24 tháng, tuy nhiên tổng kết cho thấy thời gian này là quá dài, hầu như tỉ lệ cai được là quá nhỏ, kiến nghị xem xét vấn đề này.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng còn nhiều vấn đề. Ở một số nước, việc quản lý người nghiện ma túy được giao cho các cơ quan khối tư pháp, ở ta giao cho bộ LĐTB&XH nhưng có sự phối hợp bên ngoài với các ngành khác, còn từ cổng vào trong trại giao cho ngành thương binh xã hội.

“Ngành dân sự lại phụ trách một nhóm đối tượng phức tạp như vậy, công an chỉ phụ trách vòng ngoài. Khi có vấn đề, ngành lao động mới báo công an. Trong thực tiễn, quy định như vậy không khả thi. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành thương binh xã hội với ngành công an ở bên trong các cơ sở cai nghiện thì mới đảm bảo quản lý tốt”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Qua phân tích, Bộ trưởng LĐTB&XH nêu một số giải pháp căn bản: Tiếp tục nâng cao nhận thức về tội phạm ma túy và hậu quả, phải xác định toàn bộ hệ thống chính trị phải chung tay nỗ lực; thực hiện 3 giảm: Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; tiếp tục hoàn thiện chính sách: Sửa luật Phòng chống ma túy, luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong thời gian chưa sửa, đề nghị có nghị quyết điều chỉnh một số vướng mắc vừa qua; cấp đầy đủ kinh phí cho công tác đấu tranh phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy; tăng cường công tác cán bộ, làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý….

Dương Thu (ghi)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.