Du khách trong vụ mất gần 700 triệu đồng cho một bữa ăn này là ông Caracciolo David John (quốc tịch Úc). Theo phản ánh, tối 11/8, ông Caracciolo đến nhà hàng Nightfall số 5E Nguyễn Siêu, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM để ăn tối cùng bạn. Số tiền phải trả cho bữa ăn chỉ là hơn 2 triệu đồng, nhưng sau khi sử dụng thẻ đưa nhân viên nhà hàng để thanh toán tiền, về nước ông này phát hiện thẻ bị trừ hơn 683 triệu đồng.
Hiện tại nhiều người cho rằng vụ việc có dấu hiệu lừa đảo bởi vì ông Caracciolo cho biết: qua sao kê được biết tài khoản đã bị rút liên tiếp 8 lần với tổng số tiền nói trên, khi tiến hành quẹt thẻ thì nhân viên nhà hàng hôm đó cho biết máy POS trục trặc nên làm đi làm lại, yêu cầu khách hàng nhập mật khẩu nhiều lần.
Thêm nữa là ngày 28/9 khi cùng người đại diện quay trở lại tìm nhà hàng nói trên thì du khách người Úc này đã không thể tìm thấy nhà hàng cũ, thay vào đó là một quán bar mới hoạt động cách đây khoảng 1 tháng. Hiện tại cũng chưa liên lạc được với chủ nhà hàng hôm đó để giải quyết.
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Cty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc có hay không chuyện nhà hàng lừa đảo khách hàng rút tiền trục lợi còn phải tùy thuộc vào việc có chứng minh được dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo theo tinh thần Điều 139 Bộ luật Hình sự hiện hành hay không.
Tuy nhiên, ông Truyền cho biết nếu phân tích kỹ sẽ thấy có khá nhiều điểm bất hợp lý trong nội tình của vụ việc này.
Thứ nhất, phải xem xét thẻ ngân hàng được du khách người Úc dùng để thanh toán là loại thẻ gì: thẻ ghi nợ hay thẻ tín dụng? Nếu thẻ ghi nợ (tiêu trong phạm vi số tiền có trong thẻ) thì sau khi giao dịch thanh toán thành công, ngân hàng sẽ gửi tin nhắn SMS banking vào điện thoại cho khách hàng để thông báo biến động số dư. Dịch vụ này hiện nay đa số người có tài khoản ngân hàng sử dụng để quản lý tài chính, đề phòng rủi ro, khó mà hiểu được rằng một du khách người Úc lại không dùng.
Nếu là thẻ tín dụng (có thể tiêu trước, trả sau) thì mặt sau của thẻ bao giờ cũng có dãy số CVV/CVC là 3 số đằng sau thẻ, có tác dụng như một mã số an ninh của thẻ, được sử dụng cho mục đích xác minh và những người sử dụng thẻ tín dụng thường xuyên hay cạo 3 số đó đi để bảo mật, khi cần thanh toán họ mới sử dụng.
Thứ hai, khi thanh toán qua POS, bao giờ đơn vị thanh toán cũng in ra phiếu thanh toán, đề nghị khách hàng ký vào và đối chiếu với chữ ký của chính khách hàng ở mặt sau thẻ. Trường hợp này với lý do máy trục trặc không in được phiếu thanh toán, ông Caracciolo lại dễ dàng chấp nhận quẹt thẻ thanh toán mà không cần ký hóa đơn là một điều khó hiểu đối với một người nước ngoài vốn nắm rõ nguyên tắc giao dịch ngân hàng.
Ngoài ra, việc không có phiếu thanh toán có chữ ký của khách hàng mà một ngân hàng lớn như ngân hàng ANZ lại chấp nhận xuất tiền thanh toán cho nhà hàng cũng là một điều hết sức lạ lùng. (Người đại diện của ông Caracciolo khẳng định ông không ký bất cứ phiếu thanh toán nào trong giao dịch ở nhà hàng này).
Thứ ba, ông Truyền cho rằng cần phải xem lại quy trình thanh toán POS như thế nào. Nếu như một máy POS đặt tại các trung tâm thương mại lớn có thể một ngày tổng giá trị giao dịch lên đến vài tỉ là bình thường, nhưng một nhà hàng ăn không quá đặc biệt thì khó mà có giao dịch POS một ngày lên đến 700 triệu như vậy.
Về phía nhà hàng Nightfall cũng có điểm khó hiểu khi mà theo phản ánh của báo Tiền Phong, ngày 9/10 khi PV đến địa chỉ theo đăng ký kinh doanh của nhà hàng thì chỉ thấy một căn nhà bình thường không để biển công ty, liên lạc vào số điện thoại bàn theo đăng ký, người bắt máy cho biết, đây là số máy gia đình ở đường Trần Khánh Dư (P.Tân Định, Q.1), không liên quan đến Công ty Nightfall.
Minh Minh/ANTT