Nhiều động lực tăng trưởng, ngành nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 6, 29/09/2023 20:12

Với những tín hiệu tích cực thông qua các điểm sáng từ sản xuất đến xuất khẩu, ngành nông nghiệp tự tin sẽ cán đích các mục tiêu đã đề ra trong năm 2023.

9 tháng đầu năm 2023, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó điểm nhấn là một số ngành hàng có sức bật rất nổi trội như rau quả, lúa gạo.

Tự tin hoàn thành mục tiêu 54-55 tỷ USD 

Trao đổi với Người Đưa Tin, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đánh giá: “Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng là 3,66% sau 9 tháng 2023 trong đó các mặt hàng nổi trội là lúa gạo tăng 1,4%, mức tăng không nhiều nhưng sản lượng rất lớn”.

Kinh tế vĩ mô - Nhiều động lực tăng trưởng, ngành nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh: Vân Anh).

Với tín hiệu thị trường như hiện nay, Bộ NN&PTNT chỉ đạo vụ mùa miền Bắc, Thu Đông miền Nam cũng như Đông Xuân sang năm, tập trung vào giống, quy trình canh tác, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch sơ chế, chế biến, đóng gói một cách hoàn chỉnh.

Thứ hai, ngành chăn nuôi cũng ghi nhận tăng trưởng ở mức cao trên 5%, thịt lợn 3,63 triệu tấn, tăng 6,8%; trứng và sữa cũng đều ghi nhận tăng vượt trội. Lĩnh vực thứ ba được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề cập là thủy sản, đạt 6,8 triệu tấn, khai thác khoảng 3 triệu tấn, nuôi trồng khoảng 3,8 triệu tấn; tăng trưởng ở mức khá.

“3 lĩnh vực này để khẳng định chúng ta duy trì được đà tăng trưởng với mức tăng trưởng 3,66% - mức cao trong nhiều năm qua. Với mục tiêu tăng trưởng 3-3,5%, chúng tôi tin tưởng tăng trưởng từ nay đến cuối năm sẽ đạt được”, Thứ trưởng Tiến nói.

Về triển vọng thực hiện mục tiêu đã đề ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, các mặt hàng xuất khẩu, toàn ngành nông nghiệp đã xuất khẩu 38,48 tỷ USD, vẫn giảm 5,1% so với năm 2022. Tuy nhiên, phải thấy tín hiệu rất tích cực là tháng 9 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,9 tỷ USD, tăng 22%. 

Những mặt hàng nổi bật như rau, quả đã đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% và vẫn có tiềm năng tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Lúa gạo cũng đã đạt 3,66 tỷ USD, với sản lượng xuất khẩu 6,6 triệu và đến cuối năm nay có thể đạt trên 4 tỷ USD, với sản lượng xuất khẩu lên tới 7,8 triệu tấn.

Từ đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tự tin khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng mục tiêu 54-55 tỷ USD Chính phủ đề, toàn ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành và về đích”.

Lực đẩy cho ngành thủy sản và lâm nghiệp

Về hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực là thủy sản và lâm sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần thúc đẩy dựa trên căn cứ vào đối tượng và cơ cấu thị trường. Trước đó, Thủ tướng đã họp với Hiệp hội gỗ và lâm sản, Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam và có những giải pháp rất kịp thời, đặc biệt gói vay 15.000 tỷ đồng.

“Phải thấy được rằng, gói 15.000 tỷ đồng đến nay đã được giải ngân 5.500 tỷ đồng thì thủy sản và lâm nghiệp mới "nhích" nhanh được như vậy” Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh. 

Các mặt hàng cụ thể như gỗ và cá tra tập trung vào thị trường Mỹ, đặc biệt sau khi hai nước nâng cấp quan hệ trở thành đối tác chiến lược toàn diện, đem lại thêm nhiều cơ hội phát triển ngành nông nghiệp, gia tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tại thị trường này.

Thứ trưởng thông tin, năm vừa qua, Mỹ tiếp tục sang nước và khẳng định sản xuất cá tra Việt Nam tương đương Mỹ, cho thấy trình độ sản xuất, chế biến của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đảm bảo chất lượng cao.

Song song với đó, xuất khẩu gỗ đã nhích lên trên 10 tỷ USD. “Chúng ta nên tập trung vào lợi thế của thị trường và ngành hàng. Đây là 2 yếu tố cần phải đi song hành với nhau, trên cơ sở tổ chức sản xuất và nguồn nguyên liệu sẵn có”, Thứ trưởng Tiến nhận định.

Tập trung mọi nguồn lực gỡ thẻ vàng

Đầu tháng 10 tới đây, đoàn EC sẽ sang kiểm tra công tác IUU tại Việt Nam lần thứ tư, chia sẻ về sự kiện này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Trước hết về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta đã có Luật Thủy sản ban hành năm 2017, có hiệu lực năm 2019, 9 thông tư, 2 nghị định được hoàn thiện, cũng như hàng loạt chỉ đạo, công điện, kết luận và mới đây là Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ tập trung mọi nguồn lực để gỡ thẻ vàng. Nhìn chung các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành của chúng ta cơ bản là hoàn thiện và đồng bộ”.

Kinh tế vĩ mô - Nhiều động lực tăng trưởng, ngành nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ (Hình 2).

Vấn đề quản lý, giám sát đội tàu vẫn còn nhiều thách thức.

Nhưng phải nhìn nhận, vấn đề quản lý, giám sát đội tàu vẫn còn nhiều thách thức. Với số lượng tàu lớn, đây là bài toán rất quan trọng, cũng rất nan giải dù chúng ta đã hết sức cố gắng. Với sự vào cuộc của nhiều bộ ngành và nhiều địa phương nhưng chúng ta vẫn còn 43 vụ với hơn 260 người vi phạm, giảm so với các năm trước nhưng vẫn còn tồn tại. 

Tiếp đó, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc bắt nguồn từ những con tàu thì khi khai thác phải có nhật ký. Ngoài ra, về xử lý vi phạm hành chính diễn ra chưa đều ở các tỉnh, có tỉnh đã quyết tâm cao xử lý 100% như Kiên Giang

6 năm rồi chúng ta chưa gỡ được thẻ vàng của EC, đây là sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề mà EC chỉ ra ở lần thanh tra thứ 3, chúng ta để thể hiện sự nghiêm túc nhất trong công tác triển khai. 

“Để thấy rằng cả hệ thống chính trị vào cuộc đã có những chuyển biến tích cực như vậy. Chúng tôi hy vọng sẽ có thể gỡ được thẻ vàng thủy sản trong thời gian sớm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.