Sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.
Tỉ lệ giải ngân các dự án trọng điểm ngành giao thông thấp
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639.400 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29.900 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương là 8.200 tỷ đồng của 20/44 bộ, cơ quan Trung ương và 21/63 địa phương, vốn ngân sách địa phương là 21.700 tỷ đồng của 23/63 địa phương.
Về giải ngân, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196.700 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%.
Bộ trưởng cho biết, tỉ lệ giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đạt 78,23% kế hoạch; Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 35,43%, cao hơn trung bình của cả nước (29,39%), cải thiện đáng kể so 6 tháng đầu năm 2023 (28,23%).
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, số lượng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao (33 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương).
Trong đó có một số bộ, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỉ trọng lớn, tuy nhiên tỉ lệ giải ngân thấp như Bộ Công an; Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Tp.HCM; Hưng Yên; Bắc Ninh; Hải Dương, Quảng Ngãi.
Một số địa phương được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng có giá trị giải ngân thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 như: Tp.HCM (thấp hơn 4.604 tỷ đồng); Quảng Ngãi (thấp hơn 1.510 tỷ đồng); Hải Phòng (thấp hơn 1.476 tỷ đồng); Bắc Giang (thấp hơn 1.097 tỷ đồng); Đồng Nai (thấp hơn 839 tỷ đồng).
Đến ngày 13/6/2023, tỉ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông còn thấp, chỉ đạt 27,4%; dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý chỉ đạt 17,2%.
Một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng có tỉ lệ giải ngân thấp như: dự án Vành đai 3 Tp.HCM; dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh…
Có tâm lý ngại giải ngân nhiều lần
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Khó khăn đầu tiên, theo Bộ trưởng là do nguồn thu ngân sách địa phương. Kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2024 cao hơn khoảng 89.000 tỷ đồng so với năm 2023. Số vốn này chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết.
Tuy nhiên, do tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất của các địa phương chưa thể thực hiện được, ảnh hưởng lớn tới nguồn vốn chi cho đầu tư công của các địa phương.
Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, phê duyệt khung chính sách tái định cư, phê duyệt đơn giá đất còn chậm, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm.
Tình trạng thiếu đất, cát đắp nền tiếp tục diễn ra, ảnh hướng tới tiến độ thực hiện nhiều dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án trọng điểm đường liên vùng, đường ven biển.
Giá nguyên, nhiên vật liệu biến động do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giá đá, cát xây dựng tiếp tục tăng do tình trạng khan hiếm. Giá bán xi măng trong nước tương đối ổn định nhưng có sự chênh lệch theo từng khu vực.
Cùng với đó, tình trạng sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư vào công trình, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
"Còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công", Bộ trưởng nêu.
Riêng các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu rõ, một số nhà tài trợ can thiệp tương đối sâu về mặt kỹ thuật vào quá trình triển khai dự án của phía Việt Nam hoặc có yêu cầu máy móc, không phù hợp điều kiện thực tế, quy định của Việt Nam.
Chưa kể, tại một số dự án, trong khi gói thầu xây lắp đã hoàn thành công tác đầu thầu, ký hợp đồng để khởi công nhưng gói thầu tư vấn giám sát chưa đấu thầu xong do nhà tài trợ yêu cầu phải thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu quốc tế, qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian hơn…
Song, theo Bộ trưởng, tỉ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng KH&ĐT chỉ rõ, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân chưa tốt.
"Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét", ông Dũng nói.