Mở đầu phiên đối thoại giữa người lao động và Thủ tướng Phạm Minh Chính được diễn ra với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.
Câu hỏi của chị Nguyễn Thị Thúy Hà (40 tuổi, công nhân tại TPHCM) đề cập đến vấn đề nóng về việc bất cập đóng BHXH thời gian dài mới được hưởng lương hưu, nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng cho công nhân từ 40-45 tuổi.
Trước băn khoăn này, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐTB&XH) đưa ra giải pháp cần nâng cao phúc lợi, đời sống của công nhân lao động. Về việc sửa đổi luật BHXH, Bộ đã hoàn thành hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách bảo hiểm, riêng việc điều chỉnh dần độ tuổi nghỉ hưu đã xong và trình Quốc hội vào năm 2023.
“Cụ thể giảm dần thời gian đóng BHXH đủ điều kiện nhận lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới có thể 10 năm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tránh tình trạng đóng BHXH 20 năm thì quá dài nhưng tinh thần đóng nhiều thì hưởng nhiều, đóng ít thì hưởng ít, đóng ngắn thì hưởng ngắn”, ông Dung cho biết.
Tiếp theo là giải quyết việc chia sẻ bảo hiểm giữa người dài - ngắn, người đóng nhiều – người đóng ít và các cơ chế chính sách khuyến khích người tham gia đóng BHXH. Bộ trưởng Dung cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm lợi dụng lúc công nhân khó khăn để ép công nhân hoặc mua bán sổ bảo hiểm trá hình.
Chỉ 40% công nhân được nhà ở xã hội
Về vấn đề nhà ở, trường học cho con em công nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin qua đi tìm hiểu nhiều lần, đúng là vấn đề nhà ở cho công nhân là vấn đề cần phải giải quyết, đáp ứng đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng của công nhân.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần để bàn về vấn đề này và đề nghị Bộ Xây dựng trả lời về những gì làm được và chưa làm được và định hướng giải pháp thời gian tới.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sinh, thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết cả nước đã đầu tư được 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở công nhân thực hiện khoảng 122 dự án với quy mô khoảng 2,5 triệu m2 nhà ở cho công nhân.
Tuy nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trong cả nước, là hạn chế mà thời gian qua chưa đạt được mục tiêu đề ra cho công nhân.
Tín dụng đen “lộng hành”
Gửi đến Thủ trướng, chị Trần Thị Toan, cán bộ Công đoàn Công ty New Apparel Far Eastern Việt Nam) cho biết bản thân là cán bộ công đoàn đã bị đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân công ty vướng vào tín dụng đen.
Nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen.
Trước câu hỏi này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chia sẻ tín dụng đen gây hệ lụy rất lớn nên cơ quan chức năng đang vào cuộc tích cực và dẹp bỏ nhiều tổ chức cá nhân, núp bóng. Tuy vậy, nhiều địa phương có nguy cơ tăng cao hình thức tín dụng này.
Ông Tú cho biết hiện cơ quan chuyên môn đang hoàn thiện pháp luật để các tổ chức tín dụng, ngân hàng "mạnh dạn" cho vay và giảm thủ tục với các khoản tín dụng vài chục triệu cho sinh hoạt hàng ngày như đóng tiền học cho con, ma chay, cưới xin, vay nóng vài tháng.
Thứ hai, các biện pháp công nghệ được phát triển để tiếp cận nhiều hơn đến người lao động, tăng cường tài chính vi mô cho đối tượng người yếu thế.
Nói thêm về ngăn chặn "tín dụng đen", Thượng tướng Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công an, cho biết nhiều đối tượng tinh vi, tạo "vỏ bọc" doanh nghiệp có chức năng vay tài chính như vay không thế chấp, góp vốn, góp tài sản kinh doanh, thường xuyên có thủ đoạn, dụ dỗ công nhân vay qua app, mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp cho vay lãi suất 90-100%/tháng, thậm chí là 1.000%/tháng.
Chăm lo sức khỏe cho người lao động
Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đang rà soát lại, lần này Quốc hội cũng cho sửa đổi Luật về khám,chữa bệnh.
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung để bổ sung về mặt pháp lý, cơ chế chính sách, mặt thể chế. Giải pháp trước mắt là trong phòng chống dịch, trong chương trình phục hồi có tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở và y tế dự phòng, dành nguồn lực khoảng 14.000 tỷ đồng.
Về phía Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương để giải ngân 14.000 tỷ đồng và giải quyết khó khăn trước mắt.
"Đã có chủ trương, có nguồn lực đầu tư thì triển khai khẩn trương việc này, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, cũng không nóng vội việc này", Thủ tướng chia sẻ.
Báo cáo thêm, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết hiện nay việc khám, chữa bệnh cho công nhân lao động đang vướng 2 việc là cơ sở khám, chữa bệnh ở khu công nghiệp chưa được quy định trong mạng lưới y tế và khám, chữa bệnh ngoài giờ cho công nhân lao động thì bảo hiểm y tế có thanh toàn hay không.
Đồng thời tiền lương cho cán bộ y tế khám chữa bệnh ở đây cũng rất cần bàn đến. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tới đây sẽ có tổng hợp, kiến nghị, báo cáo Thủ tướng.
Cũng trong buổi đối thoại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết suốt 2 năm qua đã ban hành nhiều chính sách liên quan, hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ
Đặc biệt như Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động trong phòng chống dịch Covid-19, Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tổng kết đã có 55 triệu lượt người được thụ hưởng, 81.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động.