Ngày 17/7, du khách theo lịch trình trở lại đất liền tiếp tục bị kẹt trên đảo Phú Quốc, Nam Du... của tỉnh Kiên Giang khi toàn bộ tàu, phà từ các đảo vào đất liền và ngược lại phải tạm ngừng hoạt động ngày thứ 2 liên tiếp do mưa dông, gió giật cấp 7-8, biển động mạnh.
Tại đảo Nam Du (huyện Kiên Hải), ông Trần Thiện Bình (đến từ TP Cần Thơ) cho biết ông cùng đoàn hơn chục người bị kẹt trên đảo vì tàu ngưng hoạt động. “Hay thông tin có bão, sợ bị ảnh hưởng nên chúng tôi mua vé tàu để kịp về nhà vào ngày 16/7 nhưng không kịp vì cùng ngày tàu đã ngưng hoạt động. Giờ chỉ còn biết chờ bão tan để trở về đất liền”- ông Bình cho biết.
Ở chiều ngược lại, nhiều du khách hủy kế hoạch đi du lịch Phú Quốc do giao thông đường biển tạm ngừng vì thời tiết xấu, nhiều cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch bị thất thu ngoài dự kiến. “Có đoàn khách 60 người đã đặt chỗ và theo lịch sẽ đến ở vào hôm nay nhưng vì lý do thời tiết buộc phải hủy”- ông Vũ Đức Anh- chủ khách sạn Vanda ở Phú Quốc tiếc nuối cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 17/7, nhiều du khách có kế hoạch trở về đất liền trước đó và cả những du khách chưa có kế hoạch rời khỏi đảo bắt đầu sốt ruột vì mưa giông mỗi lúc một lớn. “Thời tiết này thì khả năng tàu – phà hoạt động trở lại trong ngày mai là rất thấp. Nếu chuyển sang đi máy bay sẽ phát sinh chi phí rất nhiều, chúng tôi không đủ điều kiện đành nán lại chờ nhưng cũng gặp không ít khó khăn vì các khoản ăn uống, lưu trú ngoài kế hoạch”- bà Nguyễn Thị Nga, du khách đến từ Cà Mau lo lắng.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, trong các ngày 16 và 17/7, một số địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kèm theo dông, lốc gây thiệt hại nhiều công trình công cộng và tài sản của người dân.
Thống kê sơ bộ đến 10 giờ ngày 17/7, mưa lớn kèm theo dông lốc làm sập 8 căn nhà tại TP Rạch Giá và các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng; tốc mái 22 căn nhà tại các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Minh, U Minh Thượng, Kiên Hải và TP Rạch Giá; ước thiệt hại về vật chất khoảng 840 triệu đồng.
Dông lốc còn làm ngã đổ 35 cây xanh trên địa bàn TP Rạch Giá, gãy trụ điện trên địa bàn huyện Giồng Riềng, ước giá trị thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Tại khu vực Kiên Giang trong 24 giờ tới, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 1, thời tiết đất liền trời nhiều mây, mưa diện rộng; gió cấp 4-5, giật cấp 6-7 trong mưa dông. Cảnh báo mưa diện rộng có khả năng kéo dài đến hết ngày 20/7.
Vùng biển Rạch Giá - Phú Quốc và Nam Du trời nhiều mây, có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to. Gió mạnh cấp 5-6, có lúc giật cấp 7-8, sóng cao 1,75m đến 3 m, biển động mạnh.
Trong 2 ngày 16 và 17/7, toàn bộ các tuyến tàu, phà từ đất liền ra đảo Phú Quốc và ngược lại đều phải tạm ngừng hoạt động do thời tiết xấu. Khả năng giao thông đường biển tiếp tục ngừng nếu tình hình thời tiết không cải thiện.
Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết mùa hè năm nay khách đến Phú Quốc không đông, hầu hết các cơ sở lưu trú đều hoạt động không hết công suất. Do đó, tình trạng du khách bị kẹt lại Phú Quốc không nghiêm trọng như mùa mưa năm 2022.
“Tình trạng du khách bị kẹt lại Phú Quốc, thời gian lưu trú kéo dài hơn dự kiến do tàu – phà ngưng hoạt động là chắc chắn xảy ra nhưng chưa có số liệu thống kê cụ thể. Mặt khác, du khách ở đến Phú Quốc phần đông là bằng đường hàng không nên cũng không ảnh hưởng nhiều. Đối với du khách bị kẹt lại vì lý do bất khả kháng, các cơ sở lưu trú và ngành chức năng địa phương đều có chính sách hỗ trợ theo từng trường hợp cụ thể. Riêng đối với ngành du lịch, thời tiết bất lợi khiến khó khăn chồng chất khó khăn, các trường hợp khách hủy tour, hủy chuyến vì thời tiết khá nhiều”- ông Khánh thông tin.