ĐBQH Cao Thị Xuân (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) thẳng thắn chất vấn: “Có hay không tình trạng thông tin trên mạng xã hội đang lấn át thông tin báo chí?”.
Trả lời chất vấn nhóm vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: “Thông tin trên mạng xã hội không lấn lướt thông tin trên báo chí, nhưng thông tin trên mạng xã hội có tốc độ truyền tin rất lớn, nhanh chóng. Nhìn tổng thể, đa số người dân vẫn tin vào sự trung thực của báo chí hơn mạng xã hội. Người ta lấy thông tin báo chí để khẳng định sự đúng đắn chứ không ai lấy thông tin trên mạng xã hội để khẳng định. Thông tin trên báo chí đáng tin cậy hơn”.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận một số vướng mắc về luật dẫn đến lúng túng khi xử lý vấn đề này trên thực tế. “Thông tin trên mạng xã hội có nhiều yếu tố không khác với báo chí nhưng không được điều chỉnh từ luật Báo chí khiến cho việc quản lý Nhà nước về những vấn đề liên quan đến mạng xã hội bị lúng túng. Đó là một thực tế mà chúng tôi không né tránh. Đó cũng là rủi ro chúng ta cần khắc phục đồng bộ bằng nhiều giải pháp”, Bộ trưởng nói.
Về một số câu hỏi chất vấn của ĐBQH liên quan đến hiệu quả của xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, hạn chế trong vấn đề này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó, người đứng đầu một số cơ quan Nhà nước chưa quan tâm chỉ đạo, quyết liệt trong việc xây dựng vận hành Chính phủ điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính, chưa gương mẫu, chưa trực tiếp tham gia quá trình chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng.
Thêm nữa, kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử tại nhiều bộ ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nên việc ứng dụng CNTT chậm, kéo dài hoặc triển khai không đồng bộ. “Thực tế, địa phương nào làm tốt thì kết quả tốt, như Hà Giang là tỉnh miền núi nhưng Bí thư, Chủ tịch thường xuyên trao đổi trên môi trường mạng”, Bộ trưởng nêu.
Bộ trưởng cũng nêu một số giải pháp như: Tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ ban hành hệ thống quy phạm pháp luật, trong đó xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, có chế tài bắt buộc người đứng đầu cơ quan Nhà nước sử dụng hệ thống thông tin phần mềm trong chỉ đạo, điều hành...
Về các giải pháp và chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và phát triển mạng xã hội do Việt Nam sáng tạo mà ĐBQH Triệu Thị Huyền (đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) chất vấn, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu thực tế, hiện nay chỉ có một số quốc gia có mạng trong nước chiếm ưu thế, còn lại các nước khác lệ thuộc rất lớn vào 2 mạng này.
Bộ trưởng dẫn ví dụ, tại Việt Nam, từ năm 2008 đã có một số trang như Bamboo, Xalo, Zingme được kỳ vọng có thể thay thế được các trang mạng nước ngoài. Nhưng sau khi hoạt động được một thời gian, do tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh và do chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, nên Bamboo và Xalo đã phải đóng cửa sau 2 năm.
Hiện chỉ có Zingme còn tồn tại nhưng càng ngày càng tụt hậu cả số lượng, người sử dụng, nếu so với Facebook, Google thì rất thấp. Dù Zingme đã phát triển sang Zalo, với 70 triệu tài khoản - mạng có số người Việt Nam sử dụng nhắn tin nhiều nhất nhưng so với 2 mạng kia vẫn rất thấp.
“Nếu có thể thí điểm triển khai một số cơ chế chính sách, với điều kiện ưu tiên đồng bộ cả thuế, tài chính, giảm thủ tục hành chính, có chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp số trong nước phát triển, từ đó mới hình thành được hệ sinh thái số lớn mạnh tại Việt Nam. Lúc đó mới có cơ sở tin tưởng rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng sản phẩm có thể thay thế Youtube, Facebook trong 5-7 năm tới”, Bộ trưởng nói.