Lê Bá Anh là một cái tên khá ấn tượng trên sân khấu kịch nói với những vai diễn trong các vở: Đời cười, Ngôi nhà búp bê... Ở lĩnh vực phim truyền hình, anh cũng ghi dấu ấn trong lòng khán giả như vai Văn trong phim Những ngọn nến trong đêm và gần đây nhất là một ông chồng chiều chuộng vợ vô điều kiện trong phim Bí mật Eva. Gặp một Bá Anh ngoài đời, chúng tôi không khỏi cảm phục trước một con người tận tụy luôn cháy hết mình với sự nghiệp. Ngoài ra, anh còn đầy chất "phiêu" của một họa sỹ, lặn lội đi khắp mọi miền đất nước để ghi lại những cảm xúc, rung động cho riêng mình.
“Bậc thầy” về hoá trang
Ở lĩnh vực truyền hình, khán giả biết đến anh ở những vai chính kịch nhưng ở sân khấu kịch nói, anh lại thành công ở những vai hài. Vậy, một Bá Anh ngoài đời sẽ như thế nào?
Đối với khán giả yêu thích sân khấu kịch nói, có nhiều thời gian và điều kiện dành cho bộ môn nghệ thuật này sẽ không quá ngạc nhiên bởi hầu như tuần nào tôi cũng có những suất diễn hài tại nhà hát Tuổi trẻ. Điều này chứng tỏ, tôi cũng có duyên với những vai hài, chứ (cười). Ở ngoài đời, tôi là người vui vẻ và hài hước nên đó cũng là một trong những thuận lợi để tôi "gồng gánh" vai diễn dạng này.
Như anh nói, ở sân khấu kịch, anh có duyên với vai hài. Thời buổi này, diễn viên hài thường khá đắt sô, tại sao anh không chuyển hẳn sang tuyến nhân vật này?
Quan điểm của tôi công việc là mang đời thực vào vai diễn nên phải diễn sao cho như thật. Như bạn biết đấy, ngoài đời thực có nhiều loại người, nhiều cá tính khác nhau nên muốn khẳng định năng lực của mình cũng như để khán giả không thấy nhàm chán, mình phải cố gắng hoàn thiện những vai diễn đa chiều khác nhau, không chỉ riêng hài kịch hay chính kịch. Đối với tôi, người diễn viên phải hóa thân được từ những vai chính kịch đến hài kịch, từ cổ điển đến hiện đại. Trước đây, tôi vào vai bác sỹ trong vở kịch Ngôi nhà búp bê diễn cùng NSND Lê Khanh. Nhân vật trong vở diễn già hơn tôi ngoài đời thực khoảng 15 tuổi nên ngoài những tạo hình tôi cũng phải tìm hiểu những điệu bộ, cử chỉ để vào vai nhân vật cho phù hợp.
Anh trách nhiệm với những vai diễn của mình như thế nào?
Với tôi, diễn viên không chỉ tập trung vào diễn xuất là làm tròn trách nhiệm của mình mà người diễn viên chính là đạo diễn thứ 2 để gọt giũa cho nhân vật mình đảm nhiệm biến thành "của mình". Trên thực tế, người đạo diễn ở trường quay rất bận rộn, chưa kể đến việc uốn nắn hàng chục vai diễn khác nữa ngoài mình nên không thể ngồi yên để chờ đạo diễn trợ giúp được.
Thấy bảo, anh có khả năng tự hóa trang rất tài, thực hư "tin đồn" này là thế nào?
Do tính chất công việc, tôi phải đi lưu diễn trong và ngoài nước nhiều nên tôi có thói quen, đến mỗi vùng đều lưu ý tìm tòi những món đồ, phục vụ cho việc hóa trang. Ví dụ như trang phục cổ trang của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... Nó đã cùng tôi nhập vai tốt hơn. Các cụ khi xưa từng nói: "Cái răng cái tóc là góc con người" nên tôi đặc biệt chú ý đến việc tự mình đầu tư những phụ kiện hóa trang này.
Tạo hình nhân vật nào do anh tự hóa trang khiến anh hài lòng?
Tôi từng theo học hội họa 5 năm trước khi theo nghiệp diễn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn hội họa đã cho mình cái nhìn đa chiều và góc cạnh hơn trong hoá trang. Bởi điều này rất quan trọng đối với nghề diễn viên. Ví dụ, trong vở diễn Tri ân, do đạo diễn - NSƯT Chí Trung thực hiện, tôi mạnh dạn đề xuất tự hóa trang cho nhân vật mình đảm nhiệm. Sau khi tìm hiểu kịch bản, tôi nhận thấy nhân vật mình đảm nhiệm gần giống như một con chuột nên đã lắp răng giả như chìa hẳn ra ngoài... kèm theo hóa trang từ ánh mắt đến khóe miệng lúc nào cũng trong bộ dạng lén lút rất sinh động. Vai diễn này cũng chiếm được cảm tình của nhiều khán giả yêu thích sân khấu kịch nói.
Tạo hình của nghệ sỹ Bá Anh trong phim truyền hình "Cao hơn bầu trời"
Tôi chọn cho mình phương án an toàn
Người ta quan niệm, nghệ sỹ đi đôi với nghèo. Liệu anh có ý định làm thêm nghề tay trái để "thoát nghèo" như một số nghệ sỹ khác đã từng làm không?
Nếu có cơ hội chắc chắn tôi sẽ thử sức.
Hiện tại trong giới nghệ sỹ thường làm thêm như kinh doanh hoặc giảng dạy, còn anh lựa chọn cách nào đây?
Tôi nghĩ mình sẽ tự tin hơn ở công tác giảng dạy. Từ trước tới nay, tôi vẫn được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá là người có năng khiếu sư phạm. Cùng với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, tôi tin mình sẽ ít nhiều định hướng được cho giới trẻ những kiến thức cơ bản nhất với nghề (cười).
Trên thực tế, việc nghệ sỹ kinh doanh có khá nhiều lợi thế, còn với anh thì sao?
Thực sự, tôi cũng nhận được một số lời mời cùng hợp tác kinh doanh thậm chí có những người chỉ cần mình cùng đứng tên để "hút" khách. Bản thân tôi quan niệm cái gì mình tự làm được thì hãy nên làm còn việc "góp gạo thổi cơm chung" tiềm ẩn nhiều sự phức tạp và rủi ro nên tôi luôn khéo léo từ chối. Bạn thử tưởng tượng, công việc kinh doanh không hề đơn giản, lúc lãi thì không sao nhưng lúc làm ăn thua lỗ hay xảy ra sự cố gì, điều tôi lo ngại nhất không phải là tiền bạc mà là làm mất hình ảnh.
Tự tin vào kinh nghiệm trong nghề, tại sao anh không thử sức trong lĩnh vực làm giám khảo cho các game show để "mông má" thêm tên tuổi?
Tôi sẽ nhận lời nếu lĩnh vực mình làm giám khảo đúng chuyên môn của mình. Qua theo dõi các game show truyền hình, có nhiều giám khảo đang "phán" những lĩnh vực trái hẳn với nghề nghiệp và chuyên môn của mình. Ví dụ một nhà văn không thể làm giám khảo ở lĩnh vực mỹ thuật hay một chuyên gia kinh tế không thể phán những điều liên quan đến điện ảnh.
Anh có nghĩ đó là sự cố tình nằm trong kịch bản đã được sắp xếp?
Tôi nghĩ, một chương trình truyền hình khi lên sóng sẽ phục vụ cho hàng triệu khán giả nên đó không phải trò đùa. Vì thế, đối với những lời mời không phù hợp với chuyên môn và lĩnh vực của mình, chắc chắn tôi sẽ từ chối. Chắc chắn tôi sẽ "dừng hình" khi đặt vào ghế làm giám khảo âm nhạc. Vì, những kiến thức cơ bản về cao độ, trường độ... tôi cảm thấy mù mờ.
Trên thực tế, nhiều giám khảo lại "ghi điểm" bằng khiếu hài hước và "làm nóng" không khí của chương trình?
Tôi nghĩ khoảng cách từ việc tạo nên tiếng cười cho khán giả với việc trở nên lố bịch rất mong manh. Tôi chọn phương án an toàn cho mình (cười).
Hai lĩnh vực anh theo đuổi là hội họa và diễn xuất đều rất "phiêu", đời thực, anh có vẻ tỉnh táo và nghiêm túc, anh cân bằng điều đó như thế nào?
Phương châm sống của tôi là muốn người khác tôn trọng mình thì mình phải tôn trọng họ trước. Diễn viên cũng thế, muốn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả và đồng nghiệp trước tiên mình phải tôn trọng họ. Trong suốt hơn 20 năm làm diễn viên, tôi có thể tự hào khẳng định mình chưa từng đi muộn để cả đoàn phải mất thời gian chờ đợi hay ăn mặc theo lối quái dị, bê tha...
Một số diễn viên cho rằng, vai hài quá sức với họ. Còn anh, lần đầu diễn hài liệu có phải "gồng mình" lên không?
Tôi chưa bao giờ phải "gồng mình" trước bất cứ điều gì. Từ thời mới vào nghề, người thầy đầu tiên của tôi là NSND Phạm Thị Thành và NSND Lê Hùng đã truyền cho tôi những bài học "thả lỏng" trong quá trình diễn xuất, nghĩa là diễn mà như không diễn. Từ các vai hài trong Đời cười cho đến Táo quân, tôi diễn cho đài truyền hình Kỹ thuật số VTC... tôi đều nhận vai với tâm lý rất thoải mái.
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện!
Tuệ Linh