Theo Vietnam+ đưa tin, ngày 25/5, nhiều tờ báo lớn của Mỹ, trong đó thời báo LA Times và Chicago Tribune, đã buộc phải đóng cửa các website tại một số khu vực ở châu Âu sau khi Liên minh châu Âu (EU) ban hành quy chế mới siết chặt chính sách bảo mật.
Quy chế Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU, có hiệu lực từ ngày 25/5, buộc các công ty phải thận trọng hơn khi xử lý dữ liệu khách hàng, nếu không sẽ đối diện với các hình thức xử phạt nghiêm ngặt khi vi phạm các quyền bảo mật.
Báo Thanh niên thông tin thêm, doanh nghiệp muốn dùng dữ liệu khách hàng phải nhận được sự đồng ý, còn khách hàng thì có thể yêu cầu xem toàn bộ dữ liệu về họ mà các doanh nghiệp có. Họ cũng có thể yêu cầu doanh nghiệp xóa chúng đi. Luật đặt nhiều khoản phạt nặng nếu doanh nghiệp vi phạm quyền riêng tư của người tiêu dùng.
Những người ủng hộ quyền riêng tư ủng hộ luật mới, cho rằng đây là mô hình bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại internet ngày nay. Dù vậy, một số người phản đối cho rằng quy định mới quá nặng nề, cảnh báo về việc gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khiến hoạt động trở nên tốn kém hơn.
Ở một diễn biến khác, báo Vietnam+ có đưa, sáng 25/5, độc giả châu Âu đăng nhập vào website các tờ báo thuộc sở hữu của Tập đoàn truyền thông Tronc (Mỹ) đều nhận được thông báo các tờ này không còn hoạt động tại hầu hết quốc gia châu Âu.
Thông báo không nêu rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song dẫn ra "Quy chế Bảo vệ dữ liệu chung" tại địa chỉ trang web chuyển hướng.
Trong khi đó, nội dung thông báo lỗi cho người sử dụng đăng nhập vào website của báo LA Times tại London (Anh) và Brussels (Bỉ) có đoạn "Chúng tôi đang dàn xếp vấn đề và cam kết xem xét các phương án cung ứng đầy đủ các dịch vụ số hóa cho thị trường EU."
Tập đoàn Tronc, có trụ sở tại thành phố Chicago, bang Illinois, hiện sở hữu một số tờ báo lớn nhất của Mỹ, trong đó có LA Times, Chicago Tribune, New York Daily News và Baltimore Sun.
Phong Linh (tổng hợp)