Theo tìm hiểu của PV, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có quyết định về chỉ tiêu đào tạo nghề trong ba năm (2015 - 2017). Cụ thể, đối với các trường CĐ mỗi năm đào tạo 700 học viên, trường trung cấp nghề 500 học viên và trung tâm dạy nghề 150 học viên. Trên cơ sở này, tổng liên đoàn đã ra “tối hậu thư”, nếu cơ sở dạy nghề nào không đạt chỉ tiêu đào tạo nghề của hai năm liên tục sẽ buộc phải thay hiệu trưởng hoặc giám đốc trung tâm.
Trao đổi với báo Người Đưa Tin, ông Đặng Quang Điều, Ủy viên Đoàn chủ tịch, trưởng Ban chính sách kinh tế - xã hội và thi đua khen thưởng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Tổng LĐLĐVN đã tổ chức Hội nghị có sự tham gia của tất ơ sở dạy nghề thuộc Tổng Liên đoàn. Tại Hội nghị này, chúng tôi có quán triệt về chỉ tiêu đào tạo để các trường có giải pháp đổi mới đào tạo, giảng dạy và tuyển sinh. Trước khi giao, Tổng Liên đoàn đã khảo sát, nghiên cứu thực tiễn với tất cả các cơ sở dạy nghề.
Một thực tế cho thấy, nhiều cơ sở dạy nghề được đầu tư như nhau nhưng trường làm được tốt nhưng cũng có trường làm chưa được tốt, chưa thực hiện được các chỉ tiêu đào tạo. Chính vì thế, việc này buộc Tổng Liên đoàn phải giao chỉ tiêu. Tất nhiên, nhiều trường sẽ rất áp lực. Bởi vì, chỉ tiêu giao như vậy liệu trường họ có làm được không? Tại Hội nghị, hiệu trưởng các trường cũng đã thể hiện quyết tâm, đồng tình với các chỉ tiêu”.
Trao đổi với PV, ĐBQH Phạm Tất Thắng, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng: “Việc giao chỉ tiêu phải căn cứ vào năng lực đào tạo và nhu cầu của xã hội. Nếu chỉ tiêu Tổng LĐLĐVN xác định chuẩn rồi thì việc căn cứ vào chỉ tiêu để giao nhiệm vụ là đương nhiên. Lúc này, các cơ sở đào tạo phải nỗ lực, có phương thức phổ biến, quảng bá, thương hiệu, thu hút học viên. Rõ ràng, ở đây phải phân được trách nhiệm cơ quan quản lý và cơ quan dạy nghề thì việc quy trách nhiệm là cần thiết. Quy trách nhiệm với người đứng đầu cơ sở dạy nghề cũng là cần thiết”.
Một lãnh đạo trường nghề tại Hà Nội thẳng thắn cho rằng, đây là quyết định xác đáng. Tại thời điểm này, thị trường đào tạo của Việt Nam có cạnh tranh về tuyển sinh đầu vào. Các trường cạnh tranh về thương hiệu, chất lượng đào tạo.
Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 1.000 trường CĐ, TC đào tạo nghề, chưa kể ở tỉnh thành. Rõ ràng, các cơ sở này có quyền đào tạo đến sơ cấp nhưng họ có thể liên kết với các trường TC, CĐ để đào tạo các hệ khác. Với cơ cấu dân số, với thị trường lao động… quyết định của Tổng LĐLĐ là quá xác đáng, mạnh dạn.
Tuy nhiên, theo vị này, chế tài trên của Tổng LĐLĐ chắc chắn sẽ khó khăn với hiệu trưởng nhiều trường đào tạo nghề. Đặc biệt, thời điểm này, các trường TC, CĐ chưa thực sự hấp dẫn với học sinh VN còn nặng tư tưởng phải học ĐH, trọng bằng cấp, trả lương theo bằng cấp. Và thực tế, lượng tuyển sinh èo uột của nhiều trường năm vừa qua là một minh chứng cho khó khăn này. Vị này khẳng định chắc chắn sẽ có hiệu trưởng mất chức.
ĐBQH Phạm Tất Thắng cho rằng: “Không chỉ ở lĩnh vực tuyển sinh mà ở bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, phân công trách nhiệm rõ ràng, quy trách nhiệm người đứng đầu là cần thiết để có chế tài xử lý.
Tuy nhiên, theo tôi, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cần có lộ trình, thời gian phù hợp. Bởi để một cơ sở đào tạo chuyển mình thực sự, tạo hiệu ứng tốt với xã hội, thu hút được học viên có lẽ không thể ngày một ngày hai làm được. Sau khi tính toán các yếu tố khách quan, nếu các cơ sở đó không hoàn thành nhiệm vụ thì việc có chế tài xử lý người đứng đầu là cần thiết, phù hợp. Lúc đó, rõ ràng phải xem xét năng lực người quản lý và khả năng đào tạo của cơ sở đó để đưa ra giải pháp tái cơ cấu, sáp nhập hay dừng đào tạo, tránh lãng phí nguồn lực”.
Đỗ Thơm