Nhiều lồng bè vẫn bỏ không
Trưa 2/11/2023, chúng tôi có mặt tại khu vực đã được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản (nuôi cá) trên vịnh Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng. Sau thời gian thực hiện di dời, giải tỏa và quy hoạch lại lồng bè, đến nay, việc nuôi cá của bà con nơi đây đã ổn định trở lại.
Trong số các lồng bè nuôi cá, ngoài những lồng bè có vật liệu nâng nổi bằng HDPE, khung và nhà chòi bằng gỗ, theo quan sát, có gần 10 lồng bè bằng nhựa HDPE toàn phần. Trong đó có lồng bè của gia đình anh Trần Văn Nhân, ở Tổ 11, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Nhân cho biết, khu vực xung quanh lồng bè của gia đình, có 6 lồng bè bằng nhựa HDPE toàn phần do Công ty CP tập đoàn nhựa super Trường Phát đóng, được bàn giao từ đầu năm 2022.
Đến nay, sau hơn 1 năm kể từ khi hạ thủy, có 2 lồng bè vẫn để không, đó là lồng bè HDPE toàn phần của gia đình chị Thư và anh Cảnh (cùng ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng). Ngoài ra, lồng bè HDPE toàn phần Tuấn Hoa không dùng để nuôi cá mà làm đại lý thu mua hải sản.
Gần đó, lồng bè HDPE toàn phần của anh Cao Văn Hải, ở xã Phù Long, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng “khủng” nhất trong các lồng bè ở đây với đơn giá lên tới hơn 2,3 tỷ đồng đến nay vẫn tiếp tục bỏ không.
Theo thông tin của các hộ nuôi cá ở Cát Bà, nguyên nhân của tình trạng bỏ không kể trên là lồng bè HDPE không hợp với việc nuôi cá ở đây. Bên cạnh đó, sau khi đưa vào sử dụng, lồng bè HDPE bộc lộ nhiều bất cập, nhanh xuống cấp.
Quảng cáo dùng 40 năm, hơn 1 năm đã xuống cấp
Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Trần Văn Nhân, ở Tổ 11, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, cho biết, gia đình anh đóng bè HDPE của Công ty CP tập đoàn nhựa super Trường Phát với đơn giá 630 triệu đồng. Sau khi trừ đi các khoản ưu đãi, hỗ trợ, gia đình anh phải trả 591 triệu đồng.
“Ngoài phải trả khoản tiền kể trên, để có thể đưa lồng bè vào sử dụng cũng như bảo đảm cuộc sống, gia đình tôi phải bỏ hơn 60 triệu đồng gia cố mái che, làm nhà bếp… Đồng thời, lắp thêm 20 quả phao nổi để bè không bị chìm”, anh Nhân chia sẻ.
Theo anh Trần Văn Nhân, khi họp bàn với các hộ nuôi cá ở Cát Bà, đại diện Công ty CP tập đoàn nhựa super Trường Phát quảng cáo lồng bè HDPE của công ty dùng tới 40, thậm chí 50 năm “không vấn đề gì”.
Thế nhưng, mới hơn 1 năm sau khi đưa vào sử dụng, ống HDPE dùng nâng nổi của lồng bè gia đình anh Nhân đã bị xẹp nhiều chỗ, phần tai hàn để lắp khung cho lối đi trên bè rơi rụng lả tả, lối đi bằng nhựa ghép bị vỡ nhiều chỗ, bè vẫn tiếp tục nghiêng về phía nhà chòi.
Không chỉ lồng bè HDPE của gia đình anh Nhân, mà các lồng bè HDPE khác tại đây cũng trong tình cảnh tương tự. Riêng lồng bè HDPE Tuấn Hoa đã bị thủng dẫn đến chìm một phần, sau đó đã được sửa chữa.
Vì thế, các hộ chị Thư, anh Cảnh, anh Hải đã bỏ không bè suốt hơn 1 năm qua. Những hộ còn lại, như gia đình anh Nhân, vì mưu sinh nên buộc phải nuôi cá.
“Hiện tại gia đình tôi còn nợ của Công ty CP tập đoàn nhựa super Trường Phát số tiền 150 triệu đồng đóng bè HDPE. Gia đình tôi đề nghị công ty khắc phục các hạng mục xuống cấp, thay đổi kết cấu bảo đảm việc nuôi cá và an toàn mới trả nốt số tiền còn lại. Nếu có điều kiện, tôi thà bỏ quách lồng bè HDPE để đóng lồng bè có vật liệu nâng nổi bằng HDPE, khung gỗ vừa an toàn, lại thuận lợi cho việc nuôi cá”, anh Nhân chia sẻ.
Không chỉ anh Nhân, mà nhiều hộ nuôi cá ở Cát Bà mong muốn từ bỏ “cục nợ” lồng bè HDPE toàn phần để đóng bè khung gỗ, vật liệu nâng nổi bằng HDPE hơn là vừa nuôi cá, vừa lo lắng bè bị hỏng hóc, thậm chí bị chìm bất cứ lúc nào.