Bà Nguyễn Thị Hoàng Thu, chuyên gia nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM cho biết hiện nay có không ít hoa hậu, người đẹp dính vòng lao lý, hoặc tư cách đạo đức không tốt. Đó là những người muốn dùng vị thế thuận lợi từ danh xưng hoa hậu mình có được, để trục lợi, làm ăn phi pháp, thậm chí là lừa đảo. Bởi thực tế, danh xưng này mang lại cho họ rất nhiều điều kiện thuận lợi. Những người khi mới tham gia thi hoa hậu đều không có ý nghĩ giành vương miện để thực hiện những hành vi xấu. Có những cô gái đến với cuộc thi một cách rất hồn nhiên. Mơ ước những điều đẹp đẽ mình sẽ làm cho cộng đồng khi đoạt giải một cách chân thành. Chỉ là qua thời gian, sức cám dỗ quá lớn của danh tiếng, tiền bạc, sự hào nhoáng bên ngoài khiến đánh mất mình lúc nào không biết.
Luật gia Trần đình Thịnh
Tiến sĩ Nguyễn Công Thoại, hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết: "Hiện nay, xã hội Việt Nam đang khá coi trọng những người đạt danh hiệu "hoa hậu" từ các cuộc thi được tổ chức trong nước và quốc tế. Thực tế cho thấy, với sự kỳ vọng của xã hội, những người giành danh hiệu "hoa hậu" phải làm được việc này, việc kia, phải làm được những việc to lớn, đem lại lợi ích cho nhiều người. Chính vì vậy, những người đạt danh hiệu trên tự đặt ra cho mình một mục tiêu để thực hiện. Khi không thực hiện được thì vẫn tìm mọi cách để thực hiện, kể cả cách vi phạm phát luật. Đây là xu hướng tâm lý vô cùng nguy hại đang diễn ra.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phan An, nguyên giám đốc trung tâm Dân tộc học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, từng là giám khảo cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam" cho biết: "Tôi từng tham gia làm giám khảo cuộc thi hoa hậu nên tôi biết, rất khó để xác định, đánh giá một cách toàn diện đạo đức, tính cách của một thí sinh nếu chỉ thông qua cuộc thi. Khi tham gia cuộc thi, mỗi thí sinh đều có một hồ sơ rất chi tiết về trình độ học vấn, tiểu sử bản thân, gia đình, v.v... Nhưng chỉ có ban tổ chức nắm rõ, còn ban giám khảo không được biết về những hồ sơ này. Vẻ đẹp hình thể thì ban giám khảo có thể chấm điểm chính xác thông qua một ba rem định sẵn. Còn vẻ đẹp tâm hồn, hoàn toàn chỉ dựa vào cảm nhận, trực quan của mỗi giám khảo, thông qua những câu trả lời ở phần thi vấn đáp. Tuy nhiên phần thi này quá ngắn và hạn chế, giám khảo chủ yếu chỉ hỏi những câu hỏi thông thường, giông giống nhau như ở tất cả các cuộc thi hoa hậu. Không phải là những câu hỏi mang tính chất đánh giá tâm lý, khiến họ bộc lộ rõ tính cách của mình.
Luật gia Trần Đình Thịnh, giám đốc Trung tâm tư vấn luật TP.HCM, hội Luật gia Việt Nam cho biết: "Theo Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định người nào bằng thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt tài sản của người khác, có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, sẽ chịu mức hình phạt từ 12 - 20 năm tù hoặc chung thân. Người phạm tội bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. Tuy nhiên, trường hợp của bà Trương Thị Tuyết Nga cần phải qua một quá trình điều tra, có kết luận của cơ quan điều tra thì mới có thể quy kết được. Sau khi có kết luận, nếu phạm tội, về mặt pháp lý bà Tuyết Nga sẽ bị tước danh hiệu "Hoa hậu quý bà" của mình.
H. Lam - T.Nguyên