Theo đó, HSC cho rằng khả năng lớn nhất là bộ Công Thương sẽ bán khoảng 31,7% cổ phần tại Habeco và đây cũng là mức tối đa cho phép theo room nước ngoài hiện tại. Chuyển nhượng một phần cổ phần sẽ có tác động hữu ích giúp Chính phủ bổ sung nguồn ngân sách trước cuối năm.
“Với thực tế thị phần giảm dần và tăng trưởng lợi nhuận thấp, cổ phiếu Habeco thiếu các yếu tố hỗ trợ giá khác ngoài câu chuyện bán cổ phần Nhà nước. Tuy nhiên, nếu Carlsberg mua được cổ phần kiểm soát, sẽ có sự biến chuyển lớn đối với công ty và cổ phiếu” – báo cáo của HSC nêu rõ.
Trước đó, bộ Công Thương đã trình Thủ tướng phương án bán 81,8% cổ phần tại Habeco. Điều được hiểu ở đây là trường hợp bán 5,4% cổ phần của SCIC tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) vào tháng 12 năm ngoái hiện được xem là khung tham chiếu cho trường hợp của Habeco. Theo đó, bộ Công Thương sẽ bán cổ phần thành nhiều đợt và kéo dài trong một vài năm.
Tuy nhiên, trường hợp của Habeco không giống như của Vinamilk cũng như Sabeco, cụ thể Carlsberg, cổ đông đã sở hữu 17,34% của Habeco có quyền mua ưu tiên khi Nhà nước muốn bán cổ phần miễn là đối tác này sẵn sàng đáp ứng giá bán mà Chính phủ đề xuất.
Cũng liên quan đến việc thoái vốn Nhà nước tại Habeco, theo công văn đề ngày 30/8 của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, bộ Công Thương kết hợp với bộ Tư pháp và bộ Kế hoạch & Đầu tư tập trung đàm phán với Carlsberg, xử lý các điểm vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác chiến lược với Carlsberg. Bộ Công Thương phải báo cáo kết quả thực hiện cho Thủ tướng trước ngày 15/11.
Trong khi đó, ngày 8/9 vừa qua, ông Vương Toàn, Phó Tổng giám đốc Habeco cho biết, lúc này Carlsberg đang muốn mua lại tối thiểu 51% cổ phần tại Habeco.