Sau khi giá xe liên tục lao dốc không phanh trong vòng một tháng, có những chiếc giảm tới 200-300 triệu đồng, thị trường xe ô tô của Honda nóng lên từng ngày. Nhiều khách hàng tranh thủ cơ hội này đã đặt cọc trước để mua xe tại các showroom, đợi hết tháng cô hồn là có thể nhận xe về.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các showroom đều thông báo hãng đã hết xe và yêu cầu người mua đến nhận tiền cọc về, nếu không có thể chuyển sang những phiên bản khác có giá cao hơn.
Anh Lê Tiến Đức (Long Biên, Hà Nội), một trong những khách hàng rơi vào tình trạng kể trên cho biết, ngày 1/9, khi có thông tin giảm giá xe, nhân viên bán hàng của showroom Honda Tây Hồ có nhắn tin báo giá cho anh. Ngay chiều hôm đó, anh Đức đã sang làm hợp đồng mua bán với Honda Tây Hồ và đặt cọc tiền mua xe CRV 2.4L trắng với giá 828 triệu đồng và 50 triệu đồng tiền lắp thêm phụ kiện. Thời gian giao xe là 27/9/2017.
4 ngày sau, đến 5/9, buổi sáng nhân viên của Honda Tây Hồ còn gọi điện báo cho anh Đức xe sẽ về trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, đến buổi chiều, cửa hàng báo lại là hãng hết xe nên không giao được. Honda Tây Hồ mời anh sang nhận tiền cọc hoặc thêm tiền để lấy bản TG. Anh Đức không đồng ý vì nhu cầu bản thân chỉ sử dụng bản thường.
Đến chiều 5/9, anh Đức có sang làm việc với Honda Tây Hồ, nhân viên ở đây đùn đẩy giải quyết trường hợp của anh. Sau đó, đại diện của showroom này cũng đã nhận lỗi sai về phía đơn vị mình nhưng vẫn khẳng định là hiện nay không có xe giao cho khách. Ông Thành, Phó Giám đốc showroom cho biết: “Lỗi này của Honda Việt Nam chứ không phải của cửa hàng”. Phương án duy nhất mà đơn vị này đưa ra sau đó để giải quyết với khách hàng vẫn chỉ là mời khách nhận lại tiền đặt cọc là ... xong chuyện.
“Tại sao khi tôi đặt tiền ngày 1/9, họ lại bảo là còn rất nhiều xe. Đến khi tôi yêu cầu được bồi thường ngoài số tiền đặt cọc thì họ lại không giải quyết? Sau đó, tôi đã gọi điện đến đường dây nóng của Honda Việt Nam và họ đã xác nhận không có chuyện hết xe khi đã đặt ngày 1-2/9/2017. Honda Việt Nam cũng cho biết sẽ kiểm tra vụ việc và có thông báo cụ thể. Honda Việt Nam hứa sẽ kiểm tra lại hợp đồng của tôi và báo lại", anh Đức cho biết.
Không chỉ trường hợp của anh Lê Tiến Đức, nhiều khách hàng khác cũng gặp tình trạng tương tự. Họ cho rằng, các showroom và hãng thiếu trách nhiệm trong những giao dịch mua bán này. Quảng cáo dịch vụ thì tốt, xe nhiều nhưng đến khi mua lại không có.
Anh Đức bức xúc: "Bình thường, khi đặt mua xe trước, người mua phải đóng một khoản gọi là tiền cọc. Nếu sau đó, vì bất kỳ lý do gì không mua nữa, mặc nhiên khách sẽ phải chịu mất số tiền đặt cọc này. Tuy nhiên, nếu giao dịch bị hủy, nguyên nhân từ phía cửa hàng thì họ lại hoàn toàn phủi trách nhiệm đền bù. Đây là một sự không công bằng giữa hai bên tham gia giao dịch".
Hiện, chỉ trong 2 ngày 5 và 6/9, nhiều khách hàng cũng phản ánh sự việc tương tự. Nhiều người đã chấp nhận các thêm tiền để lấy xe khác nhưng chưa đồng ý với cách giải quyết của Honda.
Liệu trách nhiệm thuộc về ai trong những vụ việc “vỡ kèo” như kể trên? PV báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Đỗ Huệ