Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế tại nhiều địa phương, nhiều bệnh viện trên cả nước, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đã có trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
PV: Tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế tại nhiều địa phương, nhiều bệnh viện trên cả nước, thậm chí ở bệnh viện tuyến Trung ương, đến nay, vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mới đây nhất, báo chí tiếp tục phản ánh tình trạng thiếu túi đựng máu ở Cần Thơ hay nhiều bệnh viện chuyên khoa sản nhi ở các tỉnh, thành miền Nam thiếu thuốc thiết yếu điều trị bệnh tay chân miệng, thiếu vắc-xin cho trẻ em… Ông đánh giá thế nào về thực tế này?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trước Quốc hội đã nêu một vấn đề là vẫn đề còn tồn tại là để thiếu thuốc và vật tư y tế cho nhân dân.
Thực tế, báo chí ngay sáng 24/10 đã phản ánh tình trạng thiếu túi đựng máu tại Cần Thơ, gây ra tình trạng không thu gom được máu.
Liên quan đến máu, vấn đề đáng sợ nhất là không có người hiến, nhưng hiện nay, người hiến luôn sẵn sàng nhưng lại không có túi đựng máu. Đây là câu chuyện đã kéo dài mà vẫn chưa được giải quyết.
Từ đó, có thể mở rộng ra nhiều cái thiếu nữa là thiếu thuốc, thiết vật tư y tế, thiếu vắc-xin. Tình trạng này đang xảy ra ở các cấp, từ bệnh viện Trung ương đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Thực tế này đã được báo chí phản ánh trong suốt thời gian qua.
PV: Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Chính các đồng nghiệp của tôi, cử tri, nhân dân và người nhà, người quen của tôi đang gặp tình trạng này. Tôi cho rằng, việc rất quan trọng là tìm ra nguyên nhân vì sao và thiếu đến đâu?
Trong 2 năm trở lại đây, các vấn đề thuộc về Luật, các Nghị định, Nghị quyết và Thông tư (Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi); Nghị định 07, Nghị quyết 30 của Chính Phủ và Thông tư 14 của Bộ Y tế) đã được ban hành liên lục để tháo gỡ những khó khăn và đang được triển khai rất quyết liệt để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế.
Giải quyết vấn đề này đã trở thành mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu giải quyết dứt điểm vấn đề này, không để người dân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Điều này rất vô lý và nó bị ách tắc ở đâu? Do vậy, cần phải tìm ra nguyên nhân và tháo gỡ bằng được. Tuyệt đối không để cho nhân dân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế khi đi khám chữa bệnh.
PV: Rõ ràng là các biện pháp chúng ta đã đưa ra nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại, vậy theo ông cần phải làm gì để giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Cá nhân tôi đã chính thức đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội phải thực hiện một cuộc giám sát trong toàn ngành y tế, giám sát đến nơi đến chốn để trả lời được câu hỏi: “Tại sao các văn bản pháp quy từ luật đến Nghị định, Thông tư đã được ban hành mà vấn đề vẫn khó khăn, vẫn bị ách tắc?”.
PV: Vậy thưa ông, để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trách nhiệm thuộc về ai?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Nếu Luật, các Nghị định, Nghị quyết, Thông tư đã ra đời mà vẫn để thiếu thuốc thì trách nhiệm thuộc về ngành y tế. Bao gồm lãnh đạo Bộ Y tế đến các Cục, Vụ và tiếp theo là Giám đốc các Sở Y tế, Giám đốc các bệnh viện.
Theo tôi tìm hiểu, nguyên nhân thiếu chính nằm ở hai nhóm. Thứ nhất là các văn bản pháp quy hiện nay vẫn thiếu tính thực tiễn. Do vậy, vẫn khó cho đầu thầu, mua sắm. Nếu triển khai mua thường trúng các gói thầu chất lượng thấp, có thể do hướng đến vấn đề giá cả nhiều hơn, do khó làm nên dễ sợ bị sai.
Thứ hai là “sợ trách nhiệm”. Nhiều lãnh đạo ngại, sợ làm lại gặp khó vấn đề này, vấn đề kia Khi mọi nút thắt đã được tháo gỡ, ở những nơi khác đã làm được, đã có thuốc, có vật tư y tế, mà ở đơn vị này không làm được thì phải xem xét biện pháp về tổ chức, thay thế lãnh đạo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Thiếu túi máu vì không đấu thầu được
Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đại biểu đoàn Tp.HCM cho biết liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế như Thông tư 14 của Bộ Y tế về quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực rất ngắn, tới 31/12/2023 sẽ hết hiệu lực.
Ông Thức nêu thực tế, các bệnh viện đang đấu thầu để “chạy” Thông tư 14. Bởi, Tết Nguyên đán sắp đến và các bệnh viện đang xây dựng các gói thấu, Thông tư này hướng dẫn về giá các gói thầu, chỉ có hiệu lực tới 31/12 để kịp Tết Nguyên đán. Còn tới tháng 1/2024 Luật Đấu thầu mới có hiệu lực.
“Tôi nghĩ rằng các vị ĐBQH cùng ý kiến sẽ dự báo trước tình hình khó khăn từ nay cho đến Tết Nguyên đán. Nếu không chuẩn bị kịp, không kịp thời có những chính sách thì chắc chắn tới Tết Nguyên đán sẽ quay lại con đường thiếu thuốc, thiếu vật tư, rơi ngay vào dịp Tết là rất đáng lo ngại”, ông Thức cho biết.
Giám đốc BV Chợ Rẫy thông tin thêm bệnh viện ở miền Tây thiếu máu diện rộng, nguyên nhân không phải thiếu người đi hiến máu mà là thiếu vật tư sinh phẩm, thiếu túi máu vì không đấu thầu được.