Nhiều ngân hàng 'cầu trời' cho… thoát lỗ

Nhiều ngân hàng 'cầu trời' cho… thoát lỗ

Thứ 6, 15/02/2013 10:45

Thông thường, kết thúc năm được 1-2 tuần là các ngân hàng đã rầm rộ công bố báo cáo kết quả kinh doanh với lợi nhuận nghìn tỷ.

Năm nay, đã trung tuần tháng 2 song mới chỉ có vài ngân hàng công bố báo cáo tài chính năm 2012 hoặc đưa ra số liệu ước tính. Nhiều ngân hàng cho biết chưa công khai số liệu sổ sách vì còn chờ ý kiến của NHNN về trích lập dự phòng rủi ro. Có ngân hàng dù đã xong hết mọi thủ tục song vẫn chưa công bố báo cáo vì còn …chờ các ngân hàng khác.

Dẫu các con số chính thức về hoạt động ngân hàng năm qua chưa nhiều song cũng không khó để hình dung về bức tranh lợi nhuận với gam màu chủ đạo là xám.

Bất động sản - Nhiều ngân hàng 'cầu trời' cho… thoát lỗ

Không mong lãi, nhiều ngân hàng chỉ cầu thoát lỗ (Ảnh minh họa)

Mở đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng 2012, Vietcombank cho biết ngân hàng mẹ đạt lợi nhuận gần 1.032 tỷ đồng trong quý 4 và cả năm gần 4.270 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 5% so với năm 2011. Trong năm, ngân hàng trích lập hơn 3.250 tỷ đồng dự phòng rủi ro, với nợ xấu hơn 5.300 tỷ đồng.

BIDV thì cho biết lãi hợp nhất gần 3.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ tháng 5 đến hết tháng 12 và cả năm khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Đầu năm, ngân hàng này đã đặt chỉ tiêu sẽ đạt lợi nhuận 5.800 tỷ song đến phút chót lại giảm chỉ tiêu 1.528 tỷ xuống còn 4.272 tỷ đồng. Trong năm, ngân hàng đã trích lập hơn 5.800 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tổng nợ xấu đến cuối năm là hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn gần 2.680 tỷ đồng.

Cũng là một ngân hàng nằm trong top 10 về tổng tài sản và vốn điều lệ song Techcombank lại không may mắn như BIDV và Vietcombank. Theo báo cáo vừa công bố, riêng ngân hàng mẹ đã lỗ 912 tỷ đồng trong quý 4/2012 và hợp nhất lỗ 1.216 tỷ đồng – mức lỗ nhiều hơn cả ngân hàng ACB do gặp khủng hoảng trong quý trước đó. Cả năm 2012, Techcombank chỉ đạt lợi nhuận xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, giảm 76% so với năm 2011 và hoàn thành chưa nổi 25% kế hoạch đề ra. Báo cáo của ngân hàng không giải trình lý do lỗ song dễ thấy nguyên nhân chính là do trích lập dự phòng rủi ro quá nhiều và chi phí hoạt động tăng đột biến.

Dù Techcombank lỗ nặng ở quý 4 song cả năm ngân hàng vẫn đạt mức lãi xấp xỉ 1.000 tỷ. Nhiều ngân hàng khác không có được may mắn như vậy. Theo NHNN chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, trong năm 2012, tổng lợi nhuận của các TCTD trên địa bàn thành phố chỉ đạt 667 tỷ đồng và có tới 52 TCTD không có lãi hoặc lỗ. Còn tại Hà Nội, theo NHNN chi nhánh thành phố, lợi nhuận của các ngân hàng giảm khoảng 28% so với năm 2011. Toàn hệ thống ngân hàng năm 2012 ghi nhận mức lãi giảm xấp xỉ một nửa và đạt chưa đến 29.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng giảm lãi hoặc lỗ trong năm 2012 chủ yếu do phải trích lập dự phòng rủi ro lớn sau đợt thanh tra của NHNN (Phải trích lập bù cho các khoản trước đó chưa trích lập dự phòng). Được biết, trong quá trình thanh tra toàn diện đối với 32 TCTD , nhiều ngân hàng đã phải di chuyển các nhóm nợ, bóc tách nhiều khoản và hầu như ngân hàng nào cũng bị phạt hành chính vì các vi phạm.

Về kế hoạch năm 2013, nhiều ngân hàng đã đề ra chỉ tiêu khá khiêm tốn với mục tiêu chính là xử lý nợ xấu và hoạt động an toàn. Theo một số lãnh đạo ngân hàng, những khó khăn của năm 2012 đã khiến nhiều ngân hàng giảm lãi hoặc lỗ, đến năm 2013 tình hình còn “bi đát” hơn và có chăng đến 2014 mới có thể hồi phục. Bởi lẽ năm nay, các TCTD sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn nữa theo Thông tư số 02 của NHNN, bên cạnh việc phải tuân thủ một loạt các quy định nghiêm ngặt khác theo quy định. Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu thì ngân hàng cũng khó có thể đẩy lãi suất cho vay lên cao, nên thu nhập từ lãi – nguồn thu chủ yếu của các ngân hàng - cũng sẽ không có nhiều kỳ vọng.

Theo CafeF

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.