Nhiều nghi vấn quanh 'hòn đá lạ' phá yểm (Kỳ cuối)

Nhiều nghi vấn quanh 'hòn đá lạ' phá yểm (Kỳ cuối)

Thứ 5, 25/04/2013 14:23

Những giải thích của người trong cuộc liên quan đến hòn đá lạ, có chức năng trấn yểm, hoá giải tai ương, cầu may cho cả dân tộc thực sự chưa đủ thuyết phục.

Hòn đá “phá yểm” khiến không ít người bức xúc

Hòn đá lạ với những hình vẽ và ký tự khó hiểu đặt tại đền Thượng thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng vẫn gây sự tò mò cho dư luận trong thời gian qua. Mặc dù, phía những cá nhân và tổ chức có liên quan đến hòn đá lạ đã lên tiếng giải thích về ý nghĩa tốt đẹp của những hình vẻ và ký tự khó hiểu trên là nhằm phá yểm, hoá giải tai ương, cầu may cho cả dân tộc. Nhưng mọi lý lẽ của người trong cuộc vẫn chưa thoả mãn được nhiều người. Lý do sự có mặt của hòn đá lạ với tư cách là để phá yểm khiến không ít người tỏ ra bức xúc, một mặt họ không tin về việc Đền Hùng bị yểm. Mặt khác, việc hòn đá có thể phá yểm càng trở nên khó chấp nhận.

Xã hội - Nhiều nghi vấn quanh 'hòn đá lạ' phá yểm (Kỳ cuối)

Hòn đá không có trong hồ sơ di sản nhưng ngang nhiên đặt ở Đền Thượng.

Một số chuyên gia về Sử học, đông phương học, tâm linh khi được hỏi về nhận định như thế nào về hòn đá lạ và sự lý giải từ phía ban quản lý di tích lịch sử Đền Hùng và của người trong cuộc. Tất cả đều chung quan điểm, ngay cả ở khía cạnh tâm linh, việc yểm hay phá yểm cần phải tuân thủ quy tắc của nó. Nhiều câu chuyện truyền miệng trong dân gian có nói về thuật phong thuỷ, trấn yểm, bùa chú, đều thống nhất một mô típ không thể yểm hay phá yểm một vùng đất chỉ với một hiện vật, dù đó là đá hay bất kỳ một linh vật nào khác (Thăng Long Tứ Trấn là một ví dụ điển hình). Còn tất cả đều cho rằng, việc dùng bất cứ phương pháp nào để yểm một vùng đất chỉ là điều hoang đường. Còn dùng đá để trừ tà khí, hoá giải tai ương vốn là quan niệm của dân gian, hiện nay người dân vẫn dùng phương pháp này, nó trở thành một thú chơi được gọi chơi đá phong thuỷ. Thú chơi này cũng mang màu sắc huyền bí, thiếu cơ sở khoa học, không thể tin.

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng, bản thân Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người cũng chưa từng biết đến việc có mặt của hòn đá này trước đây. Thông tin về viên gạch lạ và việc Đền Hùng bị “pháp sư” của Tàu yểm cũng chưa từng nghe. Các chuyên gia trong Trung tâm cũng chưa từng được mời tham gia công việc nào có liên quan đến hòn đá lạ. Đền Hùng là vùng đất thiêng, không gì có thể yểm được, ông Giác Hải nhấn mạnh.

Bản thân ông Giác Hải đề nghị rằng, nếu cần chứng minh, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người sẵn sàng cử các nhà ngoại cảm đến để cảm nhận. Sẵn sàng vào cuộc để làm rõ thực hư việc Đền Hùng có bị yểm bùa hay không.

Ông Giác Hải tỏ ra nghi ngờ, hòn đá lạ có thể mang ý nghĩa khác, không loại trừ khả năng nó cầu phúc cho cá nhân, không mang ý nghĩa quốc gia. Điều này có thể chứng minh được bằng sự cảm nhận của các nhà ngoại cảm. Đồng quan điểm với ông Nguyễn Phúc Giác Hải, một chuyên gia ngoại cảm tại Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người cũng khẳng định, thông tin đền Hùng bị yểm là không có thật, cần thiết sẵn sàng lên cảm nhận và làm rõ.

Xã hội - Nhiều nghi vấn quanh 'hòn đá lạ' phá yểm (Kỳ cuối) (Hình 2).

Nhà Sử học Dương Trung Quốc.

Nên đưa “hòn đá lạ” ra khỏi khu di tích?

Liên quan đến hòn đá lạ mang nhiều hình vẽ và ký tự khó hiểu đang được đặt tại đền Thượng, PV báo ĐS&PL đã trao đổi với nhà Sử học Dương Trung Quốc. Được biết, trong thời gian trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử đền Hùng vào năm 2008 - 2009, ông Dương Trung Quốc là một thành viên trong hội đồng di sản, giám sát công tác trùng tu, tôn tạo di tích.

Nhiều thắc mắc chúng tôi đặt ra về hòn đá lạ, được ông Dương Trung Quốc thẳng thắn chia sẻ. Theo nhà sử học này, trong hồ sơ di sản lúc đó, thì hòn đá lạ trên không thuộc bất cứ một hạng mục nào trong quần thể di tích Đền Hùng. Điều này có nghĩa, nó sẽ không được tự tiện đem vào trong khu di tích. Theo lập luận của ông Quốc, bất cứ một yếu tố bổ sung di tích phải tiến hành theo luật định. Có nghĩa cần lập hồ sơ, làm rõ lý do, do một hội đồng khoa học bao gồm những người có uy tín thẩm định thì mới được bổ sung vào hồ sơ di sản. Chỉ lúc đó, hiện vật mới được đem vào khu di tích lịch sử.

Ý kiến riêng của nhà sử học Dương Trung Quốc là không đồng ý với cách làm trên, bởi nó không đúng quy định của pháp luật. “Đền Hùng là một di tích lịch sử đặc biệt vì vậy không thể làm một cách cảm tính được" - nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh. Khi được hỏi về ý nghĩa của hòn đá lạ với chức năng phá yểm, hoá giải tai phù, tích tụ khí thiêng, cầu may cho dân tộc, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra quan điểm: "Phong thuỷ, trấn yểm vốn dĩ đã rất mơ hồ. Công tác này được tiến hành tại một nơi trang nghiêm bậc nhất của dân tộc cần phải thận trọng. Nếu làm, phải làm rõ được lý do, cần nhiều chuyên gia nghiên cứu kỹ, không nên vội vàng. Đối với những người chủ ý đưa hòn đá này vào đặt tại đền thượng, có thể tâm họ sáng, nhưng đây là việc làm không đúng chỗ".

Việc dư luận trong thời gian qua quan tâm đến sự hiện diện của hòn đá này nó phản ánh một điều với mọi người Đền Hùng là chốn thiêng liêng không ai có thể tuỳ tiện xâm phạm. Theo tôi, trước mắt nên mang hòn đá này ra khỏi khu di tích, vì nó vừa không đúng luật di sản, lại khiến nhiều người bất bình. Nếu thực sự cần thiết một công tác tâm linh cho Đền Hùng thì cần phải xem xét lại, nghiên cứu kỹ rồi mới tiến hành. Làm gì cũng cần thận trọng, đặc biệt vấn đề tâm linh càng khó hơn bởi rất khó để xác định nên, hay không nên do đó càng phải thận trọng và "Đền Hùng là một vùng đất thiêng của dân tộc, không cần thiết phải trấn yểm".

Đồng quan điểm với ông Dương Trung Quốc, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá khi được hỏi cũng cho rằng, nếu cần thiết làm công tác tâm linh cho Đền Hùng thì nên tiến hành thảo luận, trao đổi, để nhất trí phương án. Nhưng phải thận trọng, đúng cách. Còn việc xử lý hòn đá lạ, trước mắt nên đưa ra khỏi di tích, dù nó mang ý nghĩa tốt đi nữa nhưng rõ ràng việc làm này trái luật. Mọi vấn đề cần phải tuân thủ theo luật pháp, không thể tùy tiện theo ý mình. "Rõ ràng việc đặt hòn đá dù mục đích rất tốt đi chăng nữa nhưng đó là việc làm không đúng quy định. Đã không đúng thì nên mang ra ngoài đừng để nó tạo tiền lệ xấu ảnh hưởng đến công tác quản lý khu di tích lịch sử mang tầm quốc tế của nước ta" - một Đại biểu Quốc hội cho biết.           

Hiến tặng cũng phải biết cách

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc để hòn đá lạ tại đền Thượng là một trong rất nhiều sai phạm của công tác quản lý di tích lịch sử hiện nay. Trong điều kiện kinh tế phát triển, nhiều người có lòng tốt, muốn cung tiến cho đình, đền, chùa và nhiều di tích khác nữa những hiện vật có giá trị và kèm theo ý nghĩa tốt. Nhưng việc cung tiến không đúng cách, một mặt vì đa số người dân không hiểu. Sự cung tiến thành tâm của nhiều người  vô tình làm ảnh hưởng đến giá trị lịch sử văn hoá, phá hoại cảnh quan và ý nghĩa của nhiều khu di tích lịch sử văn hoá. Mặt khác, cơ quan quản lý làm việc chưa hoàn thành trách nhiệm. Từ vụ việc về hòn đá lạ của Đền Hùng, những nhà quản lý di tích lịch sử văn hoá cần rút ra bài học kinh nghiệm. 

Như Hải

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.