Tuy nhiên, không phải ai cũng đến chùa bằng tinh thần, tâm niệm đó, mà có nhiều người đến vì tò mò, vì nghĩ chùa là nơi linh thiêng, có thể… cầu xin đủ thứ. Do vậy, có người bước vào chùa cũng với tâm thế “đến cửa quan”, sẵn sàng vung tiền (lẻ) ra đặt tùy tiện trên tượng Phật, Bồ-tát… rất phản cảm. Cũng có những người trẻ dắt người yêu đến chùa nhưng lại xem chùa như ở chốn công viên nên “nắm tay nắm chân”, đủ kiểu chăm sóc, có người còn ăn mặc hở hang không phù hợp chút nào.
Thiền môn thanh tịnh tôn nghiêm/ Nam thanh nữ tú tình riêng xin đừng
Lê Hoài Nam, một kỹ sư công nghệ thông tin, Phật tử chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Đi chùa mà không biết ăn mặc kín đáo, nói năng lễ độ, nhẹ nhàng, hành xử không đúng lễ nghi cũng như những nguyên tắc tối thiểu thì uổng lắm”. Rồi Hoài Nam phân tích: “Đi vậy uổng thời gian, vì mình bỏ công tới chùa nhưng lại không có kết quả vì phước đức chưa thấy đâu đã thấy gây tạo điều bất kính đối với Tam bảo từ cách ăn mặc đến lời nói không ý tứ. Đâu phải tự nhiên mà thiền môn được gọi là chốn tôn nghiêm và đâu phải tự nhiên mà những lời nhắc được nhà chùa ý tứ ghi ở hành lang, yêu cầu Phật tử đi nhẹ, nói khẽ, không mang dép vào chánh điện, nơi thờ Phật…”.
Rõ ràng, đó là một lưu ý phát xuất từ việc người đi chùa đã nói năng thô tháo, đến chùa rồi còn giành chỗ này chỗ kia, cãi vã, lấn lướt nhau, tranh từng chút như người đời nên phải nhắc để mà gìn giữ.
“Nhưng, có khi nhắc rất rõ, nhưng nhiều người vẫn mặc kệ, vẫn làm theo thói quen - tập khí cũ”, Phật tử Kim Chung, thường đi chùa Pháp Bảo (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nói. Đó là khi chị thấy nhiều người vẫn thắp cả bó nhang, nghi ngút khói (thay vì ba cây như lưu ý) và cầm vào chánh điện để… thể hiện lòng thành kính. Trong khi bài kệ dâng hương nhắc mình: “Đốt nén tâm hương trước Phật đài/ Ngũ phần dâng trọn đấng Như Lai” hay “Giới hương, định hương, dữ huệ hương/ Giải thoát, giải thoát, tri kiến hương/ Quang minh vân đài biến pháp giới/ Cúng dường thập phương Tam bảo tiền” thì nhiều người vẫn lấy bó nhang thật dâng Phật một cách hình thức, nhiều khi không ý tứ, nên không tuân theo nội quy nhà chùa, làm cho cảnh đi chùa mất đi sự tôn nghiêm cần có.
Ngoài việc dâng cúng lễ nghi, đi đứng chen lấn, đốt nhang không theo sự khuyến cáo an toàn về cháy nổ, cũng như bảo vệ môi trường ít khói hương nơi điện Phật thì nam thanh nữ tú tự do thể hiện tình cảm trong chốn thiền môn cũng có, và có chùa đã phải nhắc nhở: “Thiền môn thanh tịnh tôn nghiêm/ Nam thanh nữ tú, tình riêng xin đừng”. Chư tôn đức chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết: “Có nhiều bạn trẻ vào chùa mà cứ ngỡ vào công viên. Ngồi ở góc ghế đá rồi bày tỏ tình cảm với những cử chỉ thân mật. Lực lượng bảo vệ nhiều lần nhắc nhở và nhà chùa sau đó đã làm những câu thơ ngắn cùng những hoạt hình dễ thương, nhằm lưu ý, nhắc nhở…”.
Thiết nghĩ, việc có ý tứ nơi cửa chùa, đặc biệt là những chuyện tế nhị như “nam thanh nữ tú” vào chùa ăn mặc không kín đáo, tự do bày tỏ tình cảm, thân mật thái quá nơi chốn tôn nghiêm… là hành vi cần phải được điều chỉnh, khéo léo nhắc nhở, hoặc đôi khi cũng phải nghiêm túc chỉ bảo để việc đi chùa của mọi người, mọi giới được thành tựu, có công đức trọn vẹn. Bên cạnh đó, việc có nề nếp khi tới chùa cũng bày tỏ sự tự trọng của mỗi người - một giá trị của nhân cách. Vai trò của quý thầy trong việc định hướng này là tối quan trọng, thông qua những buổi nói chuyện, thuyết giảng hoặc có những lưu ý nơi cửa chùa, đồng thời, luôn có đội ngũ nhắc nhở thường xuyên để hình thành nên thói quen đẹp nơi thanh tịnh, tôn nghiêm.
Riêng, các bạn trẻ thế hệ mới, Phật tử trẻ được tiếp xúc với văn minh thế giới, với trình độ học thức sâu rộng nên tiên phong học hỏi thêm văn hóa ứng xử chốn thiền môn để làm tấm gương cho những người mới vào, chưa biết. Việc làm nghiêm chỉnh của các bạn cũng là một bài pháp có giá trị giáo dục người khác khi họ nhìn vào các bạn.
Đến chùa Hoằng Pháp và thấy Đến với chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, TP.HCM), mọi người có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh được đặt ở gốc cây, nơi gần các ghế đá, các tôn tượng Phật hay chánh điện những chú tiểu đáng yêu được các thầy thiết kế, dựng lên mang những lời khuyên dạy khác nhau (ảnh). Theo các Phật tử ở đây, những lời nhắc này ứng với những việc làm đã được lặp đi, lặp lại - không đáng có, không hợp với quy định của nhà chùa - nơi tôn nghiêm thanh tịnh. Chúng tôi tìm hiểu và được quý thầy ở đây cho biết, tự viện là nơi tôn nghiêm, cũng là nơi khách tham quan, cúng viếng hay là nơi Phật tử tại gia thường xuyên lui đến. Để cho chốn tòng lâm luôn được trang nghiêm, nhà chùa đưa ra những điều quy định dựa trên lời Phật dạy, giúp Phật tử thực hành và ích lợi cho mỗi người Phật tử hay các du khách đến chùa. Vì thế mà những tấm biển đã được dựng lên giúp cho mọi người khi bước vào chùa có ý thức tốt hơn, thực hiện đúng nội quy cũng như văn hóa đi chùa. Thiết nghĩ, các chùa có thể bằng hình thức nhắc nhở tinh tế, giáo dục một cách tế nhị, tăng tính ý thức mà lại mang vẻ thẩm mỹ cho khuôn viên nhà chùa. |
Mạnh Khôi (Giác ngộ)