Cung - cầu chưa gặp nhau
Phát biểu tại Diễn đàn Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng nông sản cho biết đều gặp vấn đề trong khâu kết nối với kênh tiêu thụ, các siêu thị và nhà bán lẻ.
Bà Lê Thị Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Ớt Chuông (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, sản phẩm chủ lực nhiều năm qua của Công ty là ớt chuông và rau, củ, quả trồng trong nhà kính, xuất khẩu chủ yếu sang một số thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, công ty vẫn luôn loay hoay với bài toán chuyển đổi sản xuất giữa 2 vụ để tối ưu năng suất lao động. Muốn gia nhập vào hệ thống phân phối của siêu thị trong nước nhưng không nắm được nhu cầu, tiêu chuẩn và thông tin của đối tác là vướng mắc lớn nhất khiến công ty khó đưa ra quyết định sản xuất.
Kênh phân phối không ổn định cũng là bài toán khiến ông Lâm Thành Thương, chủ trang trại Lâm Thành Thương, đau đầu. Cứ đến dịp cuối năm là đơn vị lại chật vật với phương án tìm đầu ra cho 400 tấn nông sản.
Công ty TNHH thương mại thực phẩm T.P, đơn vị chuyên xuất khẩu sản phẩm chế biến từ tỏi đen sang thị trường Mỹ cũng băn khoăn về quy trình phân phối sản phẩm với các đối tác tiêu thụ trong nước.
Giải đáp cho những thắc mắc trên của đơn vị sản xuất, đại diện một số nhà phân phối như Central Retail; GO! & Big C; Saigon Coop… đều bày tỏ chung một mong muốn là luôn cố gắng nâng cao tỉ lệ hàng hóa nội địa trong hệ thống cung ứng của mình để đẩy mạnh vị thế nông sản Việt. Tuy có sự khác biệt về quy trình tiếp nhận phân phối sản phẩm ở mỗi đơn vị do chiến lược kinh doanh và cơ cấu tổ chức nhưng thời gian trung bình để hoàn thành các thủ tục phân phối chỉ khoảng 10 ngày.
Bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, các mặt hàng nông sản của Việt Nam như bưởi Năm roi, bưởi Da xanh, dưa lưới của Việt Nam rất được thị trường Âu- Mỹ ưa chuộng, sẵn sàng nhập với giá cao. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm này vẫn gặp khó do vướng nhiều cơ chế chính sách, công nghệ bảo quản…
Vậy là cả hai bên đều có chung một nguyện vọng hợp tác nhưng nguyên nhân nào khiến bên mua và người bán chưa tìm được nhau?
Bình Dương cũng có nông sản
Lý giải về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, vấn đề lớn nhất ở đây là thiếu thông tin kết nối.
Các doanh nghiệp sản xuất cần tăng cường quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Các thông tin như giá cả, sản lượng, vùng trồng… cũng cần được công khai nhiều hơn, tạo cơ hội cho đối tác quan tâm nhanh chóng đưa ra quyết định.
Về phía các đơn vị thu mua, nên chủ động văn bản hóa quy trình nhập hàng, tiêu chí, yêu cầu về sản phẩm cần cung cấp, đầu mối liên hệ … tạo điều kiện cho các nhà sản xuất nắm rõ thông tin, từ đó đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT nhận xét, nông sản Bình Dương vẫn còn tồn tại một số hạn chế như chưa có quy hoạch bản đồ vùng sản phẩm khiến các đơn vị phân phối không nắm được thời vụ để có kế hoạch thu mua phù hợp, gây khó khăn cho công tác rà soát và phân loại nông sản theo mùa để có kế hoạch quảng bá phù hợp.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, một phần nguyên nhân gây ra tình trạng khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm hiện nay là do lưu thông hàng hoá bị đứt gãy, nhu cầu thị trường tiêu thụ có ít đi nhưng không đáng kể.
Đại diện Tập đoàn Japfa tại Việt Nam, ông Bùi Vũ Thọ đặt câu hỏi nghi vấn về hiệu quả của công tác đăng ký xe “luồng xanh vận tải”.
Theo quy định, phương tiện được cấp phép là có thể di chuyển tự do với điều kiện, tài xế phải có giấy test Covid còn hạn. Trường hợp tài xế chưa kịp test mới hoặc nhân viên công ty “quên” đăng ký lại thì đồng nghĩa với việc công tác vận chuyển bị đình chỉ.
"Thử tưởng tượng xe đó đang chở động vật giống hay các hàng hóa tươi sống thì tài xế có lo bạc tóc không? Trong khi đăng ký hệ thống nhiều khi mất cả buổi”.
Vị đại diện này cũng lưu ý về tình trạng nhiều chốt kiểm soát hoạt động cứng nhắc gây khó khăn rất lớn cho đơn vị vận chuyển và mong muốn phản ánh bất cập này đến ngành giao thông vận tải.
Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương, ông Phạm Văn Bông nêu thực trạng, Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu khoa học để tìm ra công nghệ bảo quản tối ưu cho các mặt hàng có thời gian ngắn như rau củ quả, trái cây… khiến cho cơ hội xuất khẩu sang các thị trường xa bị hạn chế. Nếu áp dụng các phương pháp vận chuyển nhanh thì giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên rất cao, mất đi tính cạnh tranh. Việc nhiều mặt hàng nông sản chưa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch cũng khiến cho thị trường xuất khẩu bị thu hẹp rất nhiều.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, các địa phương chưa chú trọng đến tính cân bằng trong công tác tuyên truyền. Trong suy nghĩ của nhiều người, nói đến Bình Dương là nói đến một tỉnh công nghiệp, quên mất rằng, đây là vùng đất từng rất nổi tiếng với thương hiệu trái cây Lái Thiêu, Sơn mài Tương Bình Hiệp, làng nghề gốm sứ Bình Dương…
4.326,6 ha diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm; 5.497,9 ha diện tích đất và 5 khu nông nghiệp, trang trại ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt; 191 cở sở, nhà máy chế biến nông sản; 883.946 con heo; 24.243 con trâu bò… là những con số phản ánh tiềm lực nông nghiệp của địa phương này.
Kết nối nông sản cần đi vào thực chất
Phát biểu tại Diễn đàn, một số doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông sản đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.
Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam giới thiệu sản phẩm phần mềm Nhật ký sản xuất- FaceFarm. Theo giới thiệu của đại diện công ty này, FaceFarm mang đến nhiều giải pháp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như, phân biệt khu vực trồng trọt quản lý theo Google map; lập kế hoạch và lưu lại nhật ký trồng trọt, dễ dàng chia sẻ những công việc cần thực hiện với tất cả nhân công trong nông trại; quản lý việc sử dụng thuốc BVTV, thời gian làm việc của công nhân; truy xuất nhanh chóng lịch sử trồng trọt, nguồn gốc nông sản bằng mã QRCode.
Thời gian tới, Sorimachi sẽ đưa sản phẩm này lên trang https://htx.cooplink.com.vn của Diễn đàn kết nối 970, đồng thời tạo dữ liệu tiền đề cho cơ quan quản lý xây dựng mã số vùng trồng.
Về đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã có công văn đề nghị Bộ Y tế tạo điều kiện, dành một quỹ vắc-xin ưu tiên cho lực lượng sản xuất, chế biến nông sản.
Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương hy vọng thông qua diễn đàn, việc kết nối cung cầu nông sản đi vào thực chất hơn và mang lại lợi ích cho mọi người.
“Cũng qua sự kiện ngày hôm nay, bản thân tôi nhận thấy thiếu sót vì chưa làm tốt nhiệm vụ của mình để các HTX, doanh nghiệp và người nông dân của tỉnh Bình Dương tiếp cận thị trường tốt hơn. Trong thời gian tới, khi dịch bệnh đỡ hơn, chúng tôi rất mong tiếp các doanh nghiệp đến Bình Dương để tìm hướng đi chuyên nghiệp hơn, tạo ra chuỗi cung cấp sản phẩm hiệu quả”, ông Dũng chia sẻ.
Để giải quyết tình thế trước mắt, UBND; Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ sản xuất, kết nối cung cầu và tiêu thụ nông sản của Sở NN&PTNT Bình Dương đã triển khai 20 điểm bán hàng.
Lượng hàng tiêu thụ hàng ngày từ những điểm trên khoảng 6 tấn rau, củ, quả; 300-350kg thịt; 27.000 trứng/điểm. Đồng thời tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố. Các kênh bán lẻ online trên nền tảng các mạng xã hội như facebook, Zalo, giao hàng trực tiếp được Sở hướng dẫn cho các HTX cũng giúp tiêu thụ khoảng 150 tấn chuối; 250 tấn dưa lưới; 250 tấn bưởi; 50 tấn rau; 90 tấn nấm bào ngư.