Nhiều người tiêu dùng "tiền mất, tật mang" vì tin sai lệch, mạo danh

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 6, 26/05/2023 15:59

Có không ít những hành vi đã và đang lợi dụng mạng xã hội, thậm chí lập website giả để giả mạo thương hiệu, sản phẩm nhằm đánh lừa người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa.

Bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan

Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) ngày 26/5, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho biết, một trong những vấn đề quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ hàng hóa.

Trong điều kiện hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, có những hành vi đã và đang sử dụng phương tiện này để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch hay tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thậm chí còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu, sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.

“Giữa những bủa vây của thông tin giả như vậy thì người tiêu dùng khó phân biệt được, nhiều người “tiền mất, tật mang” vì những thông tin sai lệch, mạo danh như thế”, đại biểu Tô Văn Tám lo ngại.

Theo đại biểu, mặc dù, dự thảo Luật có quy định quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng, trong đó có việc phải kiểm tra, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tiêu dùng bền vững, nhưng khi đứng trước thực trạng thông tin hiện nay, người tiêu dùng vẫn có quyền yêu cầu và đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan trong ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch, mạo danh trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ.

Đối thoại - Nhiều người tiêu dùng 'tiền mất, tật mang' vì tin sai lệch, mạo danh

Đại biểu Tô Văn Tám khẳng định các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0 của thế giới phẳng, việc giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ qua nền tảng số trên không gian mạng là tất yếu.

Với thực trạng hiện nay, tình trạng quảng cáo cũng như các vấn đề liên quan đến quảng cáo trên các nền tảng số, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định có liên quan kịp thời và phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vẫn còn một số nội dung trên không gian mạng cần xem xét kỹ hơn như tại quy định của Điều 39 của dự án Luật.

Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải bảo đảm không được sai lệch về chất lượng, giá, công dụng cũng như thổi phồng chức năng của sản phẩm, dẫn đến các hành vi lừa dối, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, đồng thời bảo đảm không vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Sản phẩm đưa ra thị trường phải đảm bảo chất lượng

Về nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, khoản 1 Điều 5 dự thảo luật quy định "kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng".

Vấn đề này Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải thích và cho rằng việc kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận là không bắt buộc đối với mọi trường hợp. Tuy nhiên, nội dung này cần được phân tích, làm rõ để đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành, kịp thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thực tế.

Đối thoại - Nhiều người tiêu dùng 'tiền mất, tật mang' vì tin sai lệch, mạo danh (Hình 2).

Đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng, tổ chức, cá nhân khi đưa sản phẩm ra thị trường phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn.

Theo đại biểu, đối với hàng hóa, sản phẩm thì có thể kiểm tra được nhưng đối với dịch vụ chỉ khi sử dụng mới biết được chất lượng nên không thể quy định là kiểm tra trước khi nhận đối với các dịch vụ nói chung.

Đối với hàng hóa, sản phẩm thì có thể lựa chọn nguồn gốc, xuất xứ theo nhãn mác, giấy chứng nhận nhưng đối với dịch vụ thì không thể và không xác định theo tiêu chí nguồn gốc, xuất xứ.

Trên thực tế, việc kiểm tra, lựa chọn và quyết định mua sản phẩm, hàng hóa và quyết định sử dụng dịch vụ được người tiêu dùng luôn thực hiện một cách tự nhiên nhất để đáp ứng với nhu cầu và mong muốn của họ.

Nếu người tiêu dùng không kiểm tra, không lựa chọn, tìm hiểu kỹ về số lượng, công dụng, tác dụng, lợi ích của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ so với nhu cầu của mình mà vẫn mua, vẫn lựa chọn sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thì có nghĩa nhu cầu của họ chưa hoặc không được đáp ứng và họ phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, chúng ta đều biết các quy định được xây dựng trong dự thảo luật này là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trước sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khiếm khuyết, không đảm bảo chất lượng.

"Vậy trách nhiệm trước tiên là của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ra xã hội phải bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhất định", đại biểu nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.