Năm nay, sốt xuất huyết đang diễn ra hết sức phức tạp. Hà nội là địa phương có số ca mắc bệnh cao nhất cả nước. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy thường kỳ chiều 22/8, từ ngày 14/8 đến 20/8 đã ghi nhận 3.524 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết).
Như vậy, tính từ ngày 1/1/2017 đến nay, toàn Thành phố đã ghi nhận 18.862 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi: 16.343 (chiếm 86,6%). Hiện còn 2.519 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, Hà Nội đã huy động hơn 60.000 người để phòng chống sốt xuất huyết.
Các bệnh viện lớn như bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, bệnh viện Đống Đa, bệnh viện 108… liên tục trong tình trạng quá tải, phải huy động toàn nhân lực, làm việc 24/24h, thay ca liên tục. Bệnh viện 108 còn lập hẳn một khu điều trị dã chiến để đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân.
Trò chuyện với PV, chị Kiều Linh (30 tuổi) cho biết: "Thời gian này, tôi khá lo lắng khi thấy nhiều người bị sốt xuất huyết. Khu nhà tôi ở cũng có vài người bị chẩn đoán mắc bệnh. Vì thế, tôi thường xuyên sử dụng bình xịt muỗi để xịt quanh nhà. Tôi cũng dùng cả lá bạch đàn để đuổi muỗi đi. Còn phòng các con, tôi luôn bật đèn xông tinh dầu. Dù thế, tôi vẫn không yên tâm".
Cùng nỗi lo lắng với chị Linh, cô Vũ Thị Mùi (nhà ở khu đô thị mới Trung Văn) cho hay: “Nhà tôi ở cạnh khu biệt thự bỏ hoang, cây cỏ rậm rạp nên có khá nhiều muỗi. Tôi sợ lắm, nên thường xuyên phun thuốc diệt muỗi. Về phía chính quyền, họ cũng đã có chủ trương phun thuốc muỗi".
Theo một cán bộ y tế tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, nhiều người dân hiểu không đúng về việc phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, cụ thể là họ đã hiểu sai về môi trường sinh sôi nảy nở của loại muỗi vằn gây sốt xuất huyết. Nhiều người nghĩ muỗi vằn sinh sản ở các ao tù, cống rãnh ô nhiễm nhưng không phải vậy, muỗi vằn không thể sinh sôi nảy nở được ở nước bẩn. Những dòng kênh mương, sông đen đặc vì ô nhiễm có sinh nhiều muỗi nhưng là những loại muỗi khác, không phải là muỗi vằn gây sốt xuất huyết.
Thực tế muỗi vằn sinh sống ở những nơi mà nhiều người không hề ngờ tới: Ở các góc tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, xô chậu lau nhà, khay đựng bình nước nóng lạnh, khay nước nhỏ phía sau tủ lạnh, lốp xe, vỏ dừa đọng nước mưa.... Chúng thường đốt người vào sáng sớm và chiều tối.
Theo ghi nhận của PV, trên địa bàn Hà Nội có nhiều bãi đất trống, xen kẽ là những khu nhà chưa có người ở, công trường đang thi công, các khu chung cư và biệt thự tiền tỷ bỏ hoang um tùm, bên trong có nhiều dụng cụ đọng nước mưa, nhưng khu nhà ở công nhân tạm bợ có dụng cụ trữ nước sạch không đảm bảo, không được vệ sinh thường xuyên... tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản.
Vân Anh - Nguyễn Lâm - Thu Trang