Đau đầu, mất ngủ, bỏ làng lên rừng
Căn bệnh đau đầu và mất ngủ kinh niên khiến một ngày ông Đinh Tà Vớt, làng Tà Cơm, thung lũng Sơn Thủy của huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi bỗng chạy nhảy, la ó giữa làng.
“Mọi người thấy ông chạy ra hướng sông Re, tưởng ông đi tự tử. Rồi cả làng đi tìm dưới sông mấy ngày nhưng không kiếm ra xác. Ba tháng sau thình lình có người thấy ông lang thang trên đỉnh núi Bờ Rơi”, ông Đinh Văn Bích, trưởng thôn Tà Cơm, kể về ông Vớt.
Rồi từ năm 2001 ông đi mãi, tưởng ông chết trong rừng, năm 2009 ông thình lình xuất hiện trở lại với tóc dài ngang lưng, lông lá đầy người. Dân trong làng vây và đưa ông về.
Trở về làng ông nói không được, ăn không được, sợ ông chết người ta đổ sữa cho ông uống rồi chuyển đi viện. Sau ba tháng nằm viện, ông Vớt trở về làng và sống với gia đình đến tận ngày nay. Bây giờ hằng tuần ông đều xuống trung tâm y tế huyện để nhận thuốc uống.
|
Ông Đinh Tà Vớt trở về sống giữa cộng đồng nhưng mặc áo là cực hình đối với ông |
Ông Đinh Tà Vớt bây giờ là người đàn ông trung niên, mũi cao, đôi mắt rất sáng nhưng vẫn đầy âu lo. Hỏi tuổi ông lắc đầu không nhớ.
Ông không nói được tiếng Kinh, chúng tôi phải nhờ những người H’Re trẻ tuổi trong làng thông dịch. “Bây giờ ông ấy vẫn sợ người lạ. Ông rất chăm chỉ, làm rẫy, làm ruộng, tự cưa cây dựng nhà nuôi vợ và các con” - ông Bích nói.
Sau khi trở về từ rừng sâu, ông Đinh Tà Vớt bây giờ được làng Tà Cơm tin yêu hơn bởi bàn tay khéo léo, hiền lành và chăm chỉ của mình.
Nói về ông Vớt, trưởng thôn Bích tự hào: “Ông ấy đoạn tuyệt với rượu và thuốc lá. Ông chỉ đi làm giúp những ai trong làng đang dựng nhà vì ông là thợ mộc rất khéo tay. Cây rui, cây mè tay ông đẽo thẳng tắp như cưa. Giúp ai ông làm hết mình”.
Mọi người trong làng bảo ông Vớt không còn nhớ gì về những tháng ngày biệt tích giữa rừng sâu. Người ta kể ông từng ăn sống con chuột, con rắn, ăn cây trái trong rừng như con vượn rồi ngủ co ro trong hang đá. Chưa ai lý giải được chừng ấy năm trời ông Vớt không bị bệnh tật mà vẫn khỏe mạnh đến khi được đưa về làng.
Mất người thân, bỏ lên rừng sống
Kể về chuyện 2 cha con ‘người rừng’ được đưa về thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện miền núi Tây Trà sinh sống ông Hồ Văn Biên (70 tuổi), nguyên Tiểu đội trưởng B28, bộ đội đặc công Huyện đội Trà Bồng đã đến thăm và tái hiện lại chân dung ‘người rừng’.
Từng là bộ đội Quân khu 5, ông Hồ Văn Thanh tham gia kháng chiến chống Mỹ suốt 6 năm ở miền Tây Quảng Ngãi. Trước khi nhập ngũ ông từng là anh thợ rèn có tiếng cả vùng.
Ông Biên bảo còn nhớ như in những ngày tháng niên thiếu làm giao liên tại Huyện đội Trà Bồng đóng quân ở xã Trà Dinh, Trà Lãnh thuộc huyện Tây Trà bây giờ. Ông đưa thư, chuyển tin ngang dọc vùng đất phía Tây Quảng Ngãi trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Hơn ai hết, ông biết rõ ông Hồ Văn Thanh từng tham gia bộ đội chính qui Quân khu 5.
"Tôi từng gặp ông Thanh tham gia bộ đội, đóng quân ở núi rừng xã Trà Xinh suốt 6 năm trời. Thuở ấy thân hình ông vạm vỡ, giọng cười hào sảng, tính tình hiền hậu nhưng khi xông pha trận mạc thì có tiếng gan lì", ông Biên kể.
Còn ông Hồ Văn Ban (80 tuổi) ở xã Trà Phong cũng xác nhận, 40 năm trước ông Thanh từng là đồng đội chung chiến hào trong những năm giao tranh ác liệt ở chiến trường miền Tây Trà Bồng Quảng Ngãi.
Ngày ấy chiến tranh ngày càng khốc liệt, quân đội Mỹ mang B52 dội bom, ném nhiều can xăng xuống buôn làng. Lửa cháy hừng hực lửa thiêu rụi những cánh rừng miền Tây Trà Bồng Quảng Ngãi. Trong một đêm về thăm nhà năm 1972, ông Thanh chết điếng khi chứng kiến cảnh nhà cửa tan hoang, bom dội trúng căn hầm trú ẩn làm chết cùng lúc 26 dân làng chủ yếu người già và trẻ em.
Ông Thanh gào thét, khóc thảm thiết rồi trở nên ngơ ngẩn trước nỗi đau lớn khi mất mẹ già và 2 con trai thơ dại (đứa lớn 6 tuổi, nhỏ 4 tuổi) dưới căn hầm trú ẩn ấy. Lúc đó vợ và 2 con trai còn lại của ông kịp chạy vào rừng nên may mắn sống sót.
Anh Hồ Văn Tri (con ruột ông Thanh) đau xót nói, thuở nhỏ dân làng kể lại, cùng lúc mất 3 người thân trong gia đình, cha như người mất hồn, có dấu hiệu bệnh tâm thần nên không quay trở lại đơn vị nữa.
"Sau đó, cha và mẹ bồng bế tôi (lúc ấy mới 3 tháng tuổi) và anh Lang hơn 1 tuổi qua làng khác ở xã Trà Khê sinh sống. Trong một lần lên cơn, ba đánh mẹ bị thương, dân làng phải dùng võng khiêng mẹ cùng tôi xuống trạm xá bên bìa rừng cấp cứu. Kể từ đó cha ôm anh Lang vào rừng trốn biệt tăm", anh Tri nói.
Và rồi, suốt 40 năm qua, cha con ông Thanh làm khoảng 8 căn chòi lá (một chòi lá làm trên triền đất dốc và 7 căn chòi trên đỉnh các cây cổ thụ) phòng tránh thú dữ.
Người thân nhiều lần khuyên ông về làng sinh sống nhưng câu trả lời của ông luôn là: ‘Không muốn về, chốn đông người làm rẫy không thoải mái’.
Có lẽ điều này là đúng khi cả hai cha con 'người rừng' được trở về với cộng đồng, được cho tiền xây nhà, nhưng lại sinh bệnh, suy kiệt sức khỏe. Chỉ trong 10 ngày mà phải nằm viện liên tục.
Nhiều ngày liền 2 cha con u sầu, ủ dột và liên tục đòi trở về rừng. Nhưng căn chòi của 2 cha con đã bị đốt.
"Dị nhân" hơn 80 năm sống trong rừng sâu Cụ Ưởng năm nay đã 94 tuổi, ông sống trong rừng thuộc khu du lịch Tam Cốc – Bích Động thuộc xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) đã 80 năm qua. Cụ Ưởng tâm sự, cụ sinh ra trong một gia đình nghèo đói, cha mẹ cụ sinh được hai người con, cụ là con út trong gia đình. Tuổi thơ của cụ là những tháng ngày đói khát, mò cua, bắt ốc, trèo hái cây rừng mang về đổi lấy đồ ăn nuôi cha mẹ và chị gái. Mới có 13 tuổi đầu, nhưng cụ Ưởng đã phải ngày đêm tìm kiếm thức ăn trong rừng phụ giúp cha mẹ. Khoảng hơn 1 năm sau đó, cụ Ưởng bị thực dân Pháp bắt đi phu. Một năm sau khi bị bắt, cụ Ưởng trốn thoát khỏi bọn giặc và lẩn trốn vào khu rừng sâu. Biết cụ Ưởng bỏ trốn, thực dân Pháp càng truy lùng ráo riết, khiến cụ phải ẩn nấp tận mãi trong rừng suốt mấy năm trời. Khi giặc rút đi, cụ Ưởng mới dám ra ngoài. Dù sống một mình trong hang động, không ánh điện, không nước sạch, cụ Ưởng vẫn sống rất lạc quan. Hằng ngày, cụ nuôi sống bản thân bằng cách trồng rau dọc sườn núi, mò cua, bắt ốc, câu cá phụ vào bữa ăn qua ngày. Mặc dù những ngày đó, muông thú trong rừng rất dễ săn bắt nhưng cụ không bao giờ bắt chúng mà coi đó như người bạn của mình. Cứ vài tháng, cụ lại chở lúa do cụ trồng trên núi về nhờ con cháu xay xát rồi lại quay trở lại hang. Theo lời kể, đến năm ngoài 20 tuổi, cụ Ưởng cưới vợ. Ban đầu hai vợ chồng cụ sống hòa nhã trong núi, sau khi vợ mang bầu, cụ đưa vợ về trong quê sinh nở. Cụ vẫn sống một mình trong hang, thỉnh thoảng mới về thăm vợ con. Sau đó cha mẹ cụ lần lượt mất sớm khiến cụ Ưởng vô cùng đau khổ và sống khép mình hàng tháng trời trong khu rừng sâu mới chịu ra ngoài. |
Theo Đất Việt