Theo hãng tin AP, nhiều đảng viên Dân chủ và các nhà hoạt động khí hậu đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Tổng thống Joe Biden về việc giải phóng 50 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược quốc gia. Mặc dù động thái này dường như đi ngược với tầm nhìn dài hạn của nước Mỹ về chống biến đổi khí hậu.
Trước đó, vào thứ Ba ngày 23/11, Tổng thống Joe Biden tuyên bố xuất 50 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR). Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) là kho dự trữ dầu mỏ khẩn cấp, được Bộ Năng lượng Mỹ duy trì nhằm đảm bảo khả năng cung ứng dầu trong trường hợp thiên tai, vấn đề an ninh quốc gia và các vấn đề khác. Ước tính hiện có khoảng 605 triệu thùng dầu trong kho dự trữ Mỹ.
Quyết định trên là một phần trong nỗ lực chung cùng các quốc gia tiêu thụ năng lượng chủ chốt gồm có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc mở kho dự trữ nhằm “hạ nhiệt” đà tăng giá nhiên liệu toàn cầu.
Nhiều nhà hoạt động môi trường cho rằng động thái này của chính quyền Mỹ là không đáng quan ngại với khí hậu vì đó chỉ là một giải pháp ngắn hạn để giải quyết một vấn đề cụ thể. Thượng nghị sĩ Ed Markey, một nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu, cho biết Tổng thống Biden đã "thực hiện hành động hiệu quả để ngăn giá dầu tăng cao "khoét sâu" túi tiền của người tiêu dùng" trong khi chính quyền vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch.
Ông Ed Markey cho biết trên Twitter: “Nguồn dự trữ này sẽ giúp nền kinh tế chống lại ảnh hưởng của sự gián đoạn. Việc trục lợi không thể không được giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh các Big Oil đang kiếm hàng tỷ USD và làm trầm trọng thêm khủng hoảng khí hậu thông qua hoạt động xuất khẩu”. Big Oil là mô tả những công ty dầu khí có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới, có thể kể đến như BP, Chevron, Eni,...
Bà Kelly Sheehan, Giám đốc cấp cao thuộc tổ chức môi trường Sierra Club, hoan nghênh quyết định của Tổng thống Biden là giải pháp giảm bớt gánh nặng năng lượng cho người Mỹ. Bà lưu ý thêm việc giá dầu tăng đột biến hiện nay như nhắc nhở rằng “cách duy nhất để thực sự đảm bảo an ninh năng lượng là thúc đẩy chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều người dễ dàng tiếp cận nguồn năng lượng sạch”.
Lorne Stockman, giám đốc nghiên cứu tổ chức môi trường Oil Change International, cho biết Tổng thống Biden nên hành động sớm hơn và cho rằng đây là bước đi nhằm cứu trợ người tiêu dùng Mỹ trong ngắn hạn.
Theo bà Kassie Siegel, giám đốc Viện Đa dạng Sinh học, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và “bây giờ là thời điểm để giữ lời hứa đó bằng cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang ô tô điện cũng như lưới điện năng lượng tái tạo”. Bà nói thêm: “Sự biến động giá là một phần trong chiến lược của Big Oil”, “Đã đến lúc chấm dứt sự kìm hãm của họ đối với nền kinh tế”.
Theo hãng tin AP, Tổng thống Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm thứ Ba ngày 23/11 rằng động thái này là cần thiết và không làm xao nhãng mục tiêu hướng tới độc lập về năng lượng. Trước đó, Dự luật trị giá 2000 tỷ USD của Tổng thống đã được thông qua tại Hạ viện vào ngày 19/11 và đang chờ Thượng viện phê duyệt, trong đó bao gồm khoảng 550 tỷ USD cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu như tăng cường năng lượng gió, mặt trời và hỗ trợ phát triển xe điện.
Hà Thanh (theo AP, CNBC)