Hai cháu nhỏ thoát nạn nhờ chui xuống gầm giường
Ngày 7/7, ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đang phối hợp với các địa phương thống kê thiệt hại sau cơn giông lốc xảy ra vào chiều tối 6/7.
Trước đó, vào chiều tối 6/7, trên địa bàn hai huyện Cư Mgar xảy ra giông lốc, gió mạnh kèm mưa lớn khiến nhiều nhà dân bị tốc mái.
Chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1990, trú tại buôn Mlăng, xã Ea Tar) cho hay, vào khoảng 4h chiều 6/7, trên địa bàn xã Ea Tar bất ngờ xuất hiện cơn mưa lớn kèm theo giông lốc. Lúc này, chị đang đi bán hàng cách nhà 2km, còn chồng chị đi làm bảo vệ cho một trường mầm non trên địa bàn. Hai con (1 cháu 14 tuổi, 1 cháu 11 tuổi) của vợ chồng chị ở nhà.
Khi chị Ngân chạy về đến nhà thì bàng hoàng phát hiện ngói trên mái nhà bay tung tóe khắp nơi, bể nát dưới nền nhà. “Trong lúc hoảng hốt, tôi vội chạy vô nhà gọi hai con thì thấy hai cháu chui từ gầm giường ra. Các cháu chạy lại ôm lấy tôi rồi òa khóc vì hoảng sợ. Các cháu kể, khi thấy ngói rơi từ trên mái nhà xuống, các cháu lấy gối đội lên đầu để tránh bị thương. Tuy nhiên, sau đó, gió lốc ngày càng lớn nên các cháu bảo nhau chui xuống gầm giường và may mắn không bị thương”.
Ngay sau khi biết tin, chồng chị Ngân vội vã chạy về rồi huy động người thân đến hỗ trợ lợp lại mái ngói ngay trong đêm để gia đình có chỗ ở.
Cách nhà chị Ngân không xa, anh Trần Văn Tân (SN 1982, trú tại buôn Mlăng) cho hay, giông lốc đã khiến cho căn nhà của gia đình anh bị tốc mái hoàn toàn. Không chỉ vậy, trần nhà bằng thạch cao ở phòng khách cũng đổ sập xuống làm hư hỏng nhiều tài sản. Thời điểm này, vợ anh Tân (đang mang bầu tháng thứ 9) và hai con đang ở trong nhà nhưng rất may không ai bị thương.
Anh Tân lý giải: “Thời điểm xảy ra giông lốc, tôi đang đi làm rẫy cách nhà 3km thì nhận được điện thoại của vợ thông báo, nhà bị tốc mái, sập trần. Quá lo lắng, tôi vội vàng chạy về thì thấy mọi thứ trong nhà ngổn ngang như một đống đổ nát ở phòng khách. Lúc đó, tôi chỉ biết đứng ở ngoài nhìn mà không làm gì được. Sau đó, vợ và hai con của tôi chạy từ trong phòng ngủ đi ra với vẻ mặt hoảng sợ, lo lắng. Rất may, trên trần phòng ngủ của gia đình có một số cây đà bằng gỗ nên tôn trên mái nhà không rơi xuống dưới. Nhờ vậy, vợ và các con của tôi mới may mắn thoát nạn”.
Sầu riêng gãy đổ, rụng trái hàng loạt
Giông lốc không chỉ gây tốc mái nhà dân mà còn khiến nhiều vườn sầu riêng của người dân bị thiệt hại nặng nề. Nhiều cây sầu riêng bị rụng trái hàng loạt, gãy đổ, bật gốc.
Anh Trần Văn Tân cho hay, sau cơn giông lốc, vườn sầu riêng của gia đình anh bị rụng hơn 200 trái, với trọng lượng khoảng 700kg. Tổng thiệt hại do tốc mái nhà và rụng sầu riêng khoảng 100 triệu đồng.
Anh Bùi Minh Sơn (SN 1990, chồng chị Ngân) cho hay, gia đình anh có 270 cây sầu riêng trồng trên diện tích 1,8ha. Trong đó, có 170 cây đã cho thu hoạch chính vụ. Trước khi xảy ra giông lốc, gia đình anh dự kiến, năm 2024 sẽ đạt sản lượng khoảng 10 tấn trái sầu riêng. “Vào trưa 6/7, một doanh nghiệp vô thăm vườn sầu riêng của gia đình tôi và đề nghị chốt giá 88.000 đồng/kg. Tuy nhiên, gia đình tôi chưa đồng ý nên hai bên hẹn 2 ngày sau sẽ làm việc lại để thống nhất giá” – anh Sơn nói.
Tuy nhiên, sau khi xảy ra cơn giông lốc vào chiều 6/7, vườn sầu riêng của gia đình anh Sơn có 20 cây bị ngã đổ và khoảng 40-50 cây bị nghiêng gốc. Nhiều cây khác cũng bị rụng trái hàng loạt.
“Nguồn thu nhập của gia đình tôi chủ yếu phụ thuộc vào vườn sầu riêng. Vợ chồng tôi dự tính, sau mùa thu hoạch sầu riêng năm nay sẽ trả nợ tiền đầu tư và tích góp một khoản để vài năm nữa xây căn nhà nhỏ cho các con ở. Vì thế, khi chứng kiến vườn sầu riêng bị thiệt hại nặng nề, vợ chồng tôi đã bật khóc. Bởi bao nhiêu hy vọng, công sức bỏ ra và hàng trăm triệu đồng tiền đầu tư đã đổ sông đổ biển", anh Sơn chia sẻ.
Để giảm bớt thiệt hại, ngay sau khi sự việc xảy ra, nhiều người thân của gia đình anh Sơn đã đến hỗ trợ thu gom những trái sầu riêng bị rụng, gãy và bán cho thương lái với giá 15.000 đồng/kg. Đến chiều 7/7, gia đình anh Sơn đã thu gom và bán cho cho thương lái khoảng hơn 2 tấn tấn sầu riêng. Tuy nhiên, nhiều cây sầu riêng bị nghiêng gốc vẫn tiếp tục rụng trái. Ước tính, cơn giông lốc đã khiến vườn sầu riêng của gia đình anh Sơn thiệt hại khoảng 3 tấn trái, với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Tương tự, vườn sầu riêng của gia đình ông Y Dơt Hwing (SN 1973, trú tại buôn Mlăng, xã Ea Tar) cũng bị thiệt hại ước tính khoảng 2 tấn trái.
Ông Y Dơt cho hay, gia đình ông có 250 cây sầu riêng. Trong đó, có 80 cây đã cho thu hoạch năm thứ 3. Dự tính vụ thu hoạch năm 2024, vườn sầu riêng của gia đình ông sẽ đạt sản lượng khoảng 8 tấn. Cuối tháng 6/2023, một doanh nghiệp đã vào chốt giá vườn sầu riêng của gia đình ông là 80 đồng/kg.
Theo ghi nhận của PV, ngày 7/7, nhiều hộ dân tại buôn Mlăng đã tổ chức thu gom số sầu riêng bị thiệt hại để bán cho thương lái với giá từ 6-20.000 đồng/kg để giảm bớt thiệt hại.
Thế nhưng, sau cơn giông lốc đã khiến 20 cây sầu riêng của gia đình ông Y Dớt bị gãy đổ, bật gốc, nhiều cây bị rụng trái hàng loạt, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. “Kể từ khi xảy ra sự việc, vợ chồng tôi chết lặng, chẳng thiết tha ăn uống gì nữa", ông Y Dớt nói.
Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Mgar thông tin, sau khi nắm được thông tin, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các địa phương đi nắm tình hình, lập hồ sơ, thống kê thiệt hại. Đồng thời, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ người dân khắc phục, xử lý các cây bị ngã đổ, gãy cành để những quả còn lại trên cây không bị hư hỏng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Mgar thông tin, toàn huyện có trên 5.000ha sầu riêng. Trong đó, xã Ea Tar là vùng trọng điểm sầu riêng của huyện. Theo quy hoạch, nơi đây sẽ là vùng chuyên canh sầu riêng.
Khánh Ngọc