Nhiều quan chức 'lộ tẩy' sau vụ phá đường dây bằng rởm

Nhiều quan chức 'lộ tẩy' sau vụ phá đường dây bằng rởm

Chủ nhật, 20/10/2013 14:00

Cuối tháng 9/2013, Công an tỉnh Quảng Nam đưa các đối tượng có hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” ra trước ánh sáng; đồng thời cũng “gọi tên” được các cán bộ công chức, nhân viên nhà nước đang sử dụng văn bằng giả; một số tổ chức cá nhân sử dụng công văn giả… yêu cầu tự giác giao nộp.

Pháp luật - Nhiều quan chức 'lộ tẩy' sau vụ phá đường dây bằng rởm
Đọc lệnh bắt đối tượng trong đường dây làm bằng giả

Trinh sát nhập vai thâm nhập web rao bán bằng giả

Chuyên án được xác lập từ khi phát hiện website “lambanggiareqn.com”. Web này có nhiều lời mời chào cũng như hứa hẹn rất “tâm lý”: “Nhận làm bằng Thạc sĩ, Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Cấp 3, chứng chỉ Toeic. Bằng có kèm theo học bạ, bảng điểm. Làm nhanh trong tuần, đảm bảo chất lượng, Phôi bằng thật của Bộ Giáo dục…” …

Nhập vai xin tư vấn, trinh sát thuộc Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam được cung cấp địa chỉ liên lạc là nick Yahoo: Thanhle@yahoo.com cho gặp, giới thiệu gọi bằng tên Lê. Đi với Lê, còn có 1 “đồng sự” khác tên Thuấn. Hai đối tượng không ngớt giới thiệu về những văn bằng mình có thể làm được, về một số trường mà nhóm đã từng làm cho khách.

Trinh sát nhập vai đặt vấn đề nghi ngờ, liệu có bị phát hiện lúc xin việc, Lê từ tốn trấn an khách: "Yên tâm, đã làm nhiều rồi, chưa hề trục trặc. Nhưng cơ bản, làm bằng cho đối tượng công chức, nhân viên Nhà nước thì dễ hơn vì họ chỉ để nâng lương, nâng chức, khó bị “soi”. Còn xin việc như 2 anh đây, một số người phải “thông tin trước” và thêm một ít tiền bồi dưỡng sẽ được làm cẩn thận, để ý từng chi tiết nhỏ trong các phôi bằng. Đặc biệt, nếu nơi tiếp nhận yêu cầu xác minh hồ sơ gốc, tôi cũng có thể làm được, giá thường trên 50 triệu”.

Gần một tuần sau, đến ngày đã hẹn, Lê nhắn tin: Đến lấy hàng.

Một tay nhận bằng, hai “khách hàng” cho tay khác vào túi quần lôi ví ra để giao dịch. Nhưng thay vì đưa tiền, trên tay họ giờ biến thành công an đã cầm chiếc còng số 8 bóng loáng.

Đúng lúc này, các trinh sát thuộc Phòng an ninh điều tra (PA92) cũng có mặt kịp thời, bắt quả tang. Đối tượng nhanh chóng được làm rõ tên Nguyễn Thành Lê (SN 1979, trú phường Hòa Thuận, TP. Tam Kỳ). Người đi cùng Lê trước đây là Nguyễn Bá Thuấn (SN 1989, trú xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành).

Từ khoảng năm 2011, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, phát hiện có người dùng bằng giả, công văn giả. Xác minh một thời gian dài, đến đầu năm 2013, PA92 nhận định, nguồn gốc xuất xứ của những văn bằng, tài liệu giả trên tại Quảng Nam, nên tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh xác lập chuyên án nhằm triệt xóa.

Đầu tiên, đối tượng Trần Ngọc Sỹ, chủ tiệm photocopy Tấn Đạt (số 337, đường Phan Bội Châu, TP .Tam Kỳ) bị đưa vào tầm ngắm. Do làm nghề photocopy nên Sỹ thường xuyên tiếp xúc với những người đến sao chép giấy tờ, bằng cấp các loại để xin việc.

Qua tiếp xúc, Sỹ biết được một số người đã có công việc ở các cơ quan Nhà nước nhưng còn thiếu bằng cấp nên muốn bổ sung bằng để được nâng hệ số lương và các lợi ích khác... Sỹ nảy sinh ý định làm bằng giả để cung cấp cho những người có nhu cầu. Một mình không thể “kham nổi”, Sỹ móc nối với một số đối tượng để liên kết, phân công nhiệm vụ cho nhau “sản xuất” bằng giả.

Cụ thể, Thấn và Huỳnh Đức Trí (SN 1979, trú huyện Thăng Bình), rao trên mạng hoặc rảo đi các nơi tìm “khách”, lấy tên tuổi, địa chỉ, ghi rõ loại bằng khách yêu cầu, thỏa thuận giá, sau đó chuyển thông tin cho Lê. Nếu khách thắc mắc, Lê sẽ gặp để “trao đổi thêm”.

Khi khách đồng ý, Lê mang thông tin về đưa cho Sỹ làm phần bìa, còn mình làm phần ruột của các loại bằng, chứng chỉ. Tiếp đến, Lê gửi bìa và nội dung (đã in màu) đến cho đối tượng Trần Huyền Ân (SN 1956, trú xã Bình Sa, huyện Thăng Bình) “đóng dấu, ký tên”, giao cho khách.

Kêu gọi công chức sử dụng bằng giả tự giác giao nộp

Sau khi bị bắt quả tang, PA92 thu được từ Lê khoảng hơn 100 phôi bìa các loại bằng ĐH, CĐ và  2 USB lưu trữ các file bằng đã làm giả cho khách. Đây cũng là đầu mối giúp lần ra các “khách hàng” sử dụng bằng giả. Khám xét khẩn cấp quán của Sỹ, PA92 tiếp tục thu giữ khoảng 50 phôi các loại gồm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ chưa có nội dung bên trong, 2 giấy đề can đã in mẫu hình Quốc huy và bằng Đại học dùng để in lụa làm bìa và hoa văn của bằng đại học.

Pháp luật - Nhiều quan chức 'lộ tẩy' sau vụ phá đường dây bằng rởm (Hình 2).
Các thành viên Ban chuyên án triệt phá đường dây làm bằng rởm

Khám xét nơi ở của Ân, thu giữ 1 compa, 2 cây bút dạ, 1 cây viết bi, 4 lưỡi dao mổ, 1 cán dao mổ, 1 cục tẩy học sinh. Theo lời khai của Lê, mỗi loại bằng đều được định giá cụ thể và khác nhau: 8,5 triệu đồng/bằng Đại học, Cao đẳng; 6,5 triệu đồng/bằng Trung cấp; giá bằng tốt nghiệp THPT từ 3 đến 4 triệu; hồ sơ, công văn..., tùy trường hợp có thể lên đến vài chục triệu.

Trong các đối tượng trên, Thấn đang theo học một trường Cao đẳng ở Đà Nẵng; Trí là nhân viên Trung tâm Xúc tiến việc làm số 3 Đà Nẵng, giữ vai trò môi giới trung gian.

Ân là cán bộ hưu trí, bí thư chi bộ thôn, đảm nhận khâu làm con dấu giả. Lê đang công tác tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý cùng với Sỹ thuộc nhóm cầm đầu chủ chốt. Ngoài văn bằng, khi làm một số giấy tờ giả liên quan đến công văn, văn bản Nhà nước, Sỹ và Lê sẽ đảm nhận scan các mẫu dấu của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành để “ráp” vào giấy tờ giả cho khách hàng.

Cuối tháng 9/2013, Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo công bố vụ án. Công an phát hiện hàng trăm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT và các loại chứng chỉ rởm đã đến tay khách hàng. Đường dây còn làm giả cả văn bản của Bộ Công an mang đến các chùa, các đơn vị để quyên góp từ thiện.

“Đặc biệt các đối tượng này còn làm giả một văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam có nội dung cho phép thăm dò, khai thác vàng sa khoáng ở miền núi Quảng Nam, có chữ ký của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang và con dấu của UBND tỉnh Quảng Nam”, Thượng tá Dương Tấn Bộ, Trưởng phòng PA92, cho biết.

Theo Đại tá Huỳnh Trung Nguyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thủ trưởng Cơ quan điều tra, hiện Công tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đang tiếp tục phối hợp điều tra sau khi phát hiện phạm vi liên quan của chuyên án không chỉ bó hẹp ở một tỉnh. Các đối tượng có sự liên kết chặt chẽ với những thủ đoạn và cách thức vô cùng tinh vi.

Đại tá Nguyên cho hay, đang tập trung truy tìm các cán bộ công chức và nhân viên các cơ quan hành chính sự nghiệp sử dụng loại văn bằng giả này để xử lý theo luật định. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các công dân đã sử dụng các loại bằng giả hãy đến ngay Cơ quan điều tra nộp lại bằng giả để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Nếu ai cố tình, không tự giác, công an sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật để xử lý” Đại tá Nguyên nói.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam cũng công bố số điện thoại để công dân sử dụng các loại bằng giả liên hệ, đến nộp lại: 0510.385.2589 - 098.500.7775.

Theo Vũ Anh/ Xa lộ pháp luật

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.